Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khi phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành tuyên giáo trong năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức ngày 23.12 tại Hà Nội.
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị phải xử lý kiên quyết hơn đối với mạng xã hội lan truyền thông tin xấu độc |
Ngọc Thắng |
Nhiều dấu ấn nổi bật
Báo cáo tại hội nghị, ông Lại Xuân Môn, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết vượt qua khó khăn, thử thách trong đại dịch Covid-19, công tác tuyên giáo đổi mới, sáng tạo về cách làm và vẫn có dấu ấn nổi bật trên nhiều mặt.
Lần đầu tiên Ban Tuyên giáo T.Ư đã tham mưu, tổ chức thành công hội nghị toàn quốc nghiên cứu học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII theo hình thức trực tuyến, truyền đạt nghị quyết đến hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tại gần 8.000 điểm cầu khắp cả nước. Một dấu ấn nổi bật khác là Ban Tuyên giáo T.Ư tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức thành công Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Sau hội nghị này, ngành tuyên giáo tích cực quán triệt, tuyên truyền những nội dung, kết quả của hội nghị cũng như kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Kiên quyết xử lý thông tin xấu độc
Tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, cho rằng công tác tuyên giáo năm 2021 đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã phát sinh vấn đề mới và các cấp ủy cần đặc biệt quan tâm. Các hoạt động chống phá lợi dụng những vấn đề an sinh xã hội, dịch bệnh Covid-19 để tung tin giả, sai sự thật nhằm kích động, suy giảm niềm tin của người dân; chia rẽ, gây mất đoàn kết trong lực lượng vũ trang; phủ nhận vai trò và sự lãnh đạo của Đảng… Cuộc đấu tranh này diễn ra từng giờ, từng phút và trong năm 2022 phải tiếp tục làm mạnh mẽ hơn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận ngành tuyên giáo hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, phối hợp hiệu quả với các cơ quan nắm bắt thông tin dư luận xã hội, xử lý các vấn đề được dự báo có thể tạo thành các điểm nóng, nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu toàn ngành tuyên giáo trong năm 2022 tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả những thông tin xấu độc trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm, luận điểm sai trái của các thế lực thù địch, đặc biệt là trước các sự kiện lớn của đất nước, vấn đề tác động sâu rộng đến đời sống xã hội.
“VN chúng ta đặt vấn đề thông tin trên mạng xã hội liên quan đến an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh trật tự xã hội, vì thế những thông tin sai sự thật, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước; thông tin xấu độc, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân được xếp vào diện ưu tiên xử lý và phải tiếp tục xử lý kiên quyết, triệt để và mạnh mẽ hơn”, ông Võ Văn Thưởng lưu ý.
Cần tăng cường sử dụng nền tảng số trong thông tin đối ngoại
Chiều cùng ngày, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới đất liền năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2022.
Một là phải đổi mới tư duy triển khai công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và công tác biên giới đất liền gắn với quan điểm, đường lối mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hội nghị đối ngoại toàn quốc đề ra.
Hai là phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và công tác biên giới đất liền; tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước nhằm huy động được tối đa các nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.
Ba là nâng cao năng lực phân tích, dự báo, nhất là các xu thế, xu hướng phát triển của quan hệ quốc tế, chủ động các kế hoạch truyền thông đáp ứng nhu cầu, xu thế thông tin.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức, hình thức thông tin, đặc biệt cần tăng cường sử dụng nền tảng số, các phương tiện truyền thông mới, kênh thông tin mới, sản phẩm thông tin bằng các ngôn ngữ nước ngoài.
Năm là, quan tâm, đầu tư cả về nhân lực, vật lực và tài lực, bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật cho đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại.
Chí Hiếu
Bình luận (0)