Ngày 12.12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 23 về trật tự xây dựng. Theo báo cáo tại hội nghị, sau 5 tháng triển khai, toàn TP có 804 trường hợp vi phạm, giảm gần một nửa so với 6 tháng đầu năm (1.550 trường hợp). Các địa phương dẫn đầu về xây dựng không phép, sai phép, gồm: Q.Thủ Đức (144 vụ), Q.9 (111 vụ), Q.12 (100 vụ)...
Siết chặt hoạt động công chứng vi bằng
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình cho rằng, đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện chưa được phê duyệt nên dẫn đến khó khăn về nhân sự và chỉ đạo điều hành các công trình xây dựng. Về việc các công trình vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, ông Bình cho biết do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra, quy định không cho phép áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với công trình vi phạm cũng gây khó khăn trong việc ngăn chặn, đình chỉ thi công.
Đề xuất cho phép xây dựng nhà nhỏ hơn 15 m2Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Q.4, cho biết hơn 70% nhà ở quận có diện tích nhỏ hơn 21 m2, chưa kể mật độ dân số Q.4 thuộc dạng cao nhất TP, lên đến 44.000 dân/km2, trong khi bình quân của TP chỉ có 11.000 dân/km2. Nhu cầu diện tích ở rất lớn nhưng theo quy định nhà dưới 15 m2 chỉ được sửa chữa chứ không được cấp phép xây dựng, dẫn đến việc người dân xây dựng sai phép. Ông Quân kiến nghị TP.HCM nghiên cứu cho phép một số quận, huyện có diện tích nhỏ cơ chế về quản lý kiến trúc, xây dựng tạm nhà dưới 15 m2 để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân.
|
Lý giải về việc không cắt điện, đại diện Tổng công ty điện lực TP.HCM cho biết quy định hiện hành chỉ cho phép cắt điện đối với 3 trường hợp, gồm: phối hợp cưỡng chế công trình, chủ nhà vi phạm về sử dụng điện và hộ dân thỏa thuận ngừng cung cấp điện với ngành điện. Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 139 của Chính phủ không quy định cắt điện trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nên ngành điện không thể thỏa thuận ngưng cấp điện với chủ công trình vi phạm. Còn Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết đang vận dụng quy định của TP để không gắn đồng hồ mới khi nhận thông báo của chính quyền cũng như ngưng cấp nước nếu có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giải quyết dứt điểm trước đại hội Đảng bộ cấp quận, huyệnTrả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc sau khi ban hành Chỉ thị 23, số vụ xây dựng không phép ở Q.Thủ Đức ở mức cao (0,96 vụ/ngày), Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhận định nếu không có chỉ thị thì số vụ còn tăng hơn nữa bởi nơi đây đang trong quá trình lộn xộn, không thể chấn chỉnh được ngay. “Tổng chung của TP thì xuống nhưng còn 4 quận thì không xuống, cần có quá trình”, ông Nhân lý giải. Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND các quận, huyện cần rà soát, xác định tình trạng pháp lý của các công trình sai phạm xảy ra trước tháng 8.2019 và đề xuất hướng xử lý để giải quyết dứt điểm trước Đại hội Đảng bộ cấp quận, huyện (tháng 6.2020).
|
Đại diện Sở Tư pháp cho biết sở đang siết chặt hoạt động công chứng vi bằng có dấu hiệu chuyển nhượng đất đai cũng như ngăn chặn công chứng đối với chuyển nhượng một số công trình. Đối với các cá nhân vi phạm về trật tự xây dựng mà không chấp hành, Sở Tư pháp cho biết có thể áp dụng biện pháp không cho xuất cảnh để chế tài, buộc người vi phạm phải thực hiện quyết định xử phạt.
|
“Phải “đánh” cho được đầu nậu và tổ chức làm sai”
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nhận định người dân xây dựng sai phép, không phép chủ yếu trên đất xây dựng mới, quy hoạch công viên cây xanh, giao thông, giáo dục... do TP chưa có nguồn lực nên chưa thực hiện được các đồ án quy hoạch, mời xã hội hóa thì doanh nghiệp không tham gia nên “treo” kéo dài. “Hiện nay chính sách cho người dân có đất trong vùng quy hoạch và ngoài quy hoạch chênh lệch rất lớn. TP nên có chính sách công bằng với người dân trong khu vực quy hoạch. Ở trong đất quy hoạch nhưng vẫn được đền bù sòng phẳng, được xây dựng tạm”, ông Toàn đề xuất.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng phải đưa thêm điều khoản cắt điện đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng vào hợp đồng mua bán điện. Ngành điện lực có thể cắt điện đối với công trình không phép do đầu nậu xây dựng không đúng quy hoạch và những cá nhân “câu nhờ” điện. Riêng các dự án, nếu chủ đầu tư thi công sai phạm thì cũng phải ngừng cung cấp điện bởi điều này không ảnh hưởng đến người dân. Còn với người dân sửa chữa, xây dựng mới nhà của mình, nếu vi phạm thì không áp dụng và tìm biện pháp xử lý khác.
Vụ “quan quận” xây dựng không phép: 29/29 phiếu biểu quyết miễn nhiệm Phó chủ tịch HĐND Q.Thủ Đức Lê Hữu ThànhNgày 12.12, HĐND Q.Thủ Đức, TP.HCM tổ chức kỳ họp thứ 9 và biểu quyết miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐND quận đối với ông Lê Hữu Thành với tỷ lệ phiếu 29/29 đại biểu (ĐB) tham dự. Ông Nguyễn Thọ Truyền, Chủ tịch HĐND Q.Thủ Đức cho biết sẽ báo cáo kết quả lên HĐND TP.HCM để xem xét miễn nhiệm ông Thành theo quy định. Dù vậy, ông Thành vẫn là ĐB HĐND Q.Thủ Đức. Do ông Thành là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nên Q.Thủ Đức đang chờ kết luận của Thường trực Thành ủy về mức độ sai phạm của ông Thành, nếu đến mức phải bãi nhiệm thì quận sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Liên quan đến các công trình không phép xây dựng trên đất quy hoạch ga Bình Triệu ở P.Hiệp Bình Chánh, ông Thành đã tháo dỡ công trình nhà xưởng của mình.
Như Thanh Niên đã thông tin, cụm công trình xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành và người thân xây dựng từ năm 2012 đến nay nhưng không bị xử lý khiến người dân bức xúc. Sau khi báo đăng, Thành ủy và UBND TP.HCM đã vào cuộc yêu cầu Q.Thủ Đức phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo giải trình, xử lý dứt điểm.
Sỹ Đông
|
“Đầu nậu với chủ đầu tư thì phải dứt khoát, ai tiếp tay cho đầu nậu và chủ đầu tư cũng đều phải xử lý. Tất cả những người liên quan đến vi phạm, từ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, chủ đầu tư phải xử lý nghiêm túc. Phải “đánh” cho được đầu nậu và tổ chức làm sai bởi chính những hành vi này làm ảnh hưởng đến xã hội, tạo ra tâm lý lây lan và xem thường pháp luật”, ông Hoan nói.
Phó chủ tịch UBND TP cũng cho biết các giải pháp của các sở ngành, như: cắt điện, nước; cưỡng chế tài khoản; cấm xuất cảnh... sẽ tập trung vào các đầu nậu, chủ đầu tư làm ăn gian dối, bởi vi phạm trật tự xây dựng của nhóm đối tượng này ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND TP chỉ đạo, tổ chức lại lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công tác, thống nhất trong hoạt động và trong sạch trong tổ chức bộ máy. Xử lý nghiêm, chuyển ra khỏi ngành những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm. UBND TP, các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, phường, xã, thị trấn phải khẩn trương, kiên quyết thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ được giao, tiến tới mục tiêu chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Bình luận (0)