Thứ trưởng Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (phải) gặp Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey bên lề Đối thoại Shangri-La - Ảnh: Thục Minh |
>> Mỹ lên án Trung Quốc gây bất ổn ở biển Đông
>> Xung đột trên biển Đông tạo hậu quả khôn lường cho khu vực và thế giới
>> Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc sẽ đáp trả hành động 'khiêu khích' trên biển Đông
>> Việt Nam, Mỹ cùng tiếng nói về vấn đề biển Đông
>> Nhật ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam tại biển Đông
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc 'hành động đơn phương' gây bất ổn biển Đông
Diễn đàn có tên gọi Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 kết thúc hôm qua sau 3 ngày thảo luận nóng bỏng về các vấn đề an ninh khu vực. Bên lề diễn đàn, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nhiều cuộc gặp gỡ song phương với quan chức quốc phòng cao cấp của nhiều nước. Ông cũng có cuộc trao đổi với Báo Thanh Niên:
Thưa Thứ trưởng, theo ông, vấn đề gì đáng lưu ý nhất tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 này?
|
Năm nay, các vấn đề chung của khu vực cũng được nhắc đến, nhưng một cách tương đối và bao quát thôi. Nổi lên là vấn đề an ninh biển.
Khi mà người ta chưa thấy mọi hoạt động trên biển có thể làm lung lay đến lợi ích của quốc gia mình thì an ninh biển chưa được đánh giá đúng giá trị của nó. Nhưng khi an ninh biển bị đe dọa, và mỗi một quốc gia soi vào sự phát triển của mình với sự mất ổn định ở biển, thì họ thấy hậu quả là rất lớn. Vậy nên, hầu hết các nước ở mọi cấp khi phát biểu trên diễn đàn hay trao đổi bên lề đều tập trung vào an ninh biển. Ở khu vực chúng ta, họ rất quan tâm những điểm nóng, cụ thể là tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông và mới nhất là biển Đông.
Có một điểm mới là các nước đều bàn vấn đề tìm ra cách hành xử chung mà các bên đều chấp nhận được và đảm bảo không xảy ra những quyết định sai lầm dẫn đến xung đột. Họ hưởng ứng cách ứng xử phù hợp với luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình. Bởi xung đột gì rồi cũng phải đi đến hòa hoãn. Xung đột thực chất là rất vô ích nếu chúng ta có thể tìm được con đường hòa bình để giải quyết tranh chấp.
Nói vậy có phải ông đang hướng tới cho việc giải quyết vụ giàn khoan Hải Dương - 981 bằng đàm phán?
Đúng vậy. Nhưng trong đàm phán, yếu tố bối cảnh tình hình là cực kỳ quan trọng để đảm bảo đàm phán công bằng, đúng luật pháp quốc tế, không nước nào có thể bắt nạt nước khác. Một bối cảnh tốt đòi hỏi: Trước hết là các nước phải giữ được độc lập tự chủ và chủ quyền của mình, hoàn toàn tự chủ khi bước vào đàm phán; thứ hai là dư luận quốc tế, khu vực ủng hộ xu thế hòa bình, ủng hộ đàm phán công bằng, bình đẳng; và đặc biệt là các nước trực tiếp tham gia đàm phán với nhau phải trên tinh thần thiện chí, tôn trọng nhau, lắng nghe ý kiến của cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là tôn trọng luật pháp. Đàm phán như vậy mới có tác dụng, đem được lợi ích bình đẳng cho cả hai bên mà người ta thường gọi là “win - win” (cùng thắng).
Đối với chúng ta, để đảm bảo điều kiện như vậy, có 3 yếu tố quan trọng: Thứ nhất là phải củng cố được sức mạnh của đất nước, cả về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội và văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Thứ hai là chúng ta phải trình bày với cộng đồng quốc tế một cách khách quan, trung thực để có được sự ủng hộ của họ trước cái đúng của ta. Thứ ba, quan trọng nhất, là phải duy trì được mối quan hệ và cùng với nước có tranh chấp với chúng ta đi vào đàm phán bình đẳng, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nếu bên kia không chịu đàm phán hoặc đàm phán một cách không công bằng, không có lợi cho chúng ta thì hành động tiếp theo sẽ là gì?
Tôi nghĩ không quốc gia nào có thể nói không mãi được. Còn phương châm của chúng ta là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chúng ta tin vào lẽ phải, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình và không bị bẻ gãy, thì đến một lúc nào đó, Trung Quốc phải thay đổi.
Trong phiên thảo luận về quản lý các mâu thuẫn chiến lược hôm 31.5, có đại biểu hỏi đại tướng Phùng Quang Thanh khả năng VN đem vụ này ra tòa án quốc tế. Bộ trưởng đã trả lời rằng chúng ta đang xem xét việc này, và đó chỉ là giải pháp cuối cùng mà chúng ta bị buộc phải chọn. Việc đưa ra tòa án, nếu có, sẽ có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
|
Trước hết, Tòa án quốc tế là cơ quan tài phán, cơ quan trọng tài được hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế đồng tình lập ra để phân xử các vấn đề khác biệt, các tranh chấp giữa các nước kể cả về kinh tế, chính trị, quân sự, lãnh thổ. Tính minh bạch của tòa án này rất cao để không có bất kỳ một sự thiên vị nào có thể che giấu được. Bằng chứng là thẩm phán đến từ tất cả các nước, chứ tòa án không có thẩm phán riêng. Tòa này không xử theo kiểu luật hình sự, không bắt tù hay phán xét ai có tội hay không có tội, mà chỉ nói ai đúng ai sai trên cơ sở luật pháp quốc tế. Vì vậy khi một nước kiện một nước khác thì “nước khác” hay bên thứ ba, thứ tư có muốn tham gia hay không là quyền của họ. Nếu họ không tham gia cũng rất khó buộc họ tham gia. Thứ hai, khi tòa ra phán quyết và hỏi anh có đồng ý không, họ bảo “không” thì cũng rất khó. Thứ ba, tòa án này không có cơ chế để chế tài.
Như vậy, tòa án này mặc nhiên chỉ có tính chất chính trị, lấy luật pháp làm căn cứ. Vậy việc đưa nhau ra tòa án này thực chất là gì? Bản chất của nó là tiếp tục một cuộc đấu tranh chính trị dưới góc độ pháp lý!
Vậy khi nào người ta đưa nhau ra tòa? Khi không nước nào nghe nước nào cả thì người ta dùng tòa án này để giúp chỉ ra cái đúng - cái sai, giúp các xung đột, khác biệt về quan điểm dần dần giảm đi. Đó là một trong các yếu tố dẫn đến chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước tìm cách hòa giải với nhau có lợi cho cả hai bên.
Trở lại vụ giàn khoan, có dư luận cho rằng chúng ta chậm trễ trong việc phát hiện sự di chuyển của nó, dẫn đến phản ứng chậm. Ông thấy tin này thế nào?
Thật ra chuyện Trung Quốc di chuyển giàn khoan là rất bình thường. Họ di chuyển rất nhiều. Theo luật biển, khi nó di chuyển vô hại thì không được ngăn, chỉ khi nó dừng lại thao tác thì mình mới được ngăn. Việc phân biệt nó vi phạm hay không vi phạm thật ra là rất khó.
Nhưng phải khẳng định ngay là, khi giàn khoan Hải Dương - 981 dừng lại và bắt đầu thao tác, ngay lập tức chúng ta đã có ở đó một đội hình rất sẵn sàng của cảnh sát biển, của kiểm ngư để đấu tranh, ngăn chặn, kêu gọi. Ngay trong ngày 2.5, mình đã bắt đầu bao vây, ngăn chặn và cảnh báo, đồng thời công bố luôn với nhân dân cả nước và với thế giới.
Thưa ông, đâu đó có băn khoăn về một tình huống xấu nhất là xung đột vũ trang trên biển Đông, khi mọi giải pháp hòa bình đều bế tắc, ông nghĩ sao?
Có một điều chắc chắn là VN sẽ làm tất cả để tránh chiến tranh. Nhưng, cũng có một điều, như Thủ tướng Chính phủ đã nói, chỉ khi chúng ta bị kẻ khác đem chiến tranh đến nước mình hoặc chúng ta bị kẻ khác tước đoạt chủ quyền lãnh thổ thì chúng ta buộc lòng phải chấp nhận một khả năng xấu hơn giải pháp hòa bình. Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, mình tin là mình sẽ thắng bởi những yêu cầu và đòi hỏi của mình là hoàn toàn hợp lý, đúng với luật pháp quốc tế, được quốc tế thừa nhận.
Thục Minh (Văn phòng Singapore)
>> Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Nhật Bản gặp gỡ tại Shangri-La
>> Trung Quốc mỉa mai Mỹ, Nhật Bản 'đang song ca' tại Shangri-La
>> Đối thoại Shangri-la: Bộ trưởng quốc phòng các nước chỉ trích Trung Quốc
>> Quan chức Trung Quốc chỉ trích thủ tướng Nhật tại Shangri-La
>> Trung Quốc sẽ công bố thuyết an ninh tại Đối thoại Shangri-La
>> Chờ đợi tranh luận Mỹ - Trung bên lề Đối thoại Shangri-La
>> Bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ cảnh báo Trung Quốc tại Shangri-La
>> An ninh biển phủ bóng Đối thoại Shangri-La
Bình luận (0)