Kiên trì sẽ thành công

19/05/2020 08:36 GMT+7

'Lịch sử sẽ đưa người trẻ đi từ quá khứ tới tương lai. Mình sẽ không thể hội nhập, hợp tác tốt với bạn bè quốc tế khi chính văn hóa , nguồn cội của mình mà mình chưa am hiểu'

Đó là những lời bộc bạch của Tống Thị Mỹ Tiên, nữ sinh lớp 12 Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
“Đọc nhiều cuốn sách về Bác Hồ, có hai bài học từ Người mà em luôn nhủ rằng mình phải học mỗi ngày. Đó là sự giản dị và kiên trì. Giản dị trong lời nói, trang phục tới phong cách sống. Còn không có sự kiên trì, chắc chắn không thể thành công trong học tập, hay chinh phục mục tiêu mình đặt ra”, nữ sinh Tống Thị Mỹ Tiên (ảnh), từng giành giải nhất môn lịch sử kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 9, chia sẻ.
Với Tiên, lịch sử không phải là môn học gạo, thuộc lòng máy móc; muốn học giỏi lịch sử, phải có phương pháp học tập khoa học, hệ thống và xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau, liên hệ với thực tiễn để ghi nhớ lâu hơn. Tiên đạt được thành tích cao trong các kỳ thi còn vì cô bé có năng lực trong hùng biện, có thể trực tiếp trả lời câu hỏi của ban tổ chức trên sân khấu.
Tống Thị Mỹ Tiên đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp thành phố và cấp T.Ư năm 2019.
11 năm đạt học sinh giỏi. 
Đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn lịch sử năm học lớp 9, 11 và 12.
Giành huy chương vàng môn lịch sử kỳ thi Olympic truyền thống 30.4 lần thứ 25 (năm 2019).Giải nhì kỳ thi Cùng non sông cất cánh cấp trường năm 2018.
“Nhiều bạn bè hỏi kinh nghiệm học lịch sử, em chia sẻ những phương pháp khoa học để hiểu lịch sử chứ không phải chỉ ghi nhớ máy móc các con số, ngày tháng. Em cũng kể cho các bạn nghe về niềm cảm hứng để học tốt môn này. Bác Hồ nói: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà VN”. Em nghĩ rằng lịch sử sẽ đưa người trẻ đi từ quá khứ tới tương lai. Mình sẽ không thể hội nhập, hợp tác tốt với bạn bè quốc tế khi chính văn hóa, nguồn cội của mình mà mình chưa am hiểu”, Tiên bộc bạch.
Tống Thị Mỹ Tiên là một trong những đại biểu tham dự Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác (Thành đoàn TP.HCM vừa tổ chức). Bên cạnh những giải thưởng xuất sắc trong học tập và ngoại khóa mà Tiên giành được trong suốt 3 năm học, mọi người càng yêu quý Tiên hơn khi chứng kiến ý chí và nghị lực của em giữa những khó khăn đời thường.
Cô Bùi My Thúy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, đồng thời là giáo viên giảng dạy đội tuyển lịch sử dự thi học sinh giỏi cấp thành phố và cấp quốc gia của nhà trường, nhớ mãi lần cả cô và các trò vào căng tin tranh thủ ăn trưa. Khi các bạn gọi cơm và nhiều món khác, Tiên chỉ gọi mì tôm và không ngại nói với cô và các bạn rằng “em chỉ đủ tiền để ăn mì”.
Theo lời kể của cô Thúy, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Tiên không ôn tập ở trung tâm bên ngoài, em chỉ học thêm toán trong trường và lấy tiền học bổng của mình để trang trải mà không nhờ sự hỗ trợ của thầy cô nào. Cô Thúy cũng chưa quên những lần lớp tan muộn, cô chở Tiên về đầu con hẻm dẫn vào xóm tạm cư, nơi ở của nhiều lao động nghèo ở P.25, Q.Bình Thạnh, đã thấy mẹ Tiên đứng đó đợi con.
“Mẹ Tiên làm thợ may, chuyên nhận quần áo, vỏ gối… về may gia công, bố em chạy xe ôm. Nhà có 3 chị em, Tiên có một chị gái đã nghỉ học, đi làm, em Tiên còn nhỏ. Tôi có hai điều ngưỡng mộ học trò của mình. Thứ nhất, niềm đam mê của em với môn lịch sử; và thứ hai là sự hiếu học, quyết vượt qua khó khăn của bản thân, gia đình”, cô Thúy nói.
Ngoài giờ học, Tiên thường phụ mẹ may đồ cho khách. Tiên xúc động nói: “Mẹ của em lúc nào cũng tất bật vì các con, mẹ ngồi máy may có khi từ sáng tới khuya muộn, cuộc đời mẹ chưa bao giờ được đi đâu chơi, chỉ quanh quẩn với các công việc mưu sinh. Em lúc nào cũng suy nghĩ, mình sẽ phải học thật giỏi, kiếm được thật nhiều tiền, những đồng lương đầu tiên em sẽ dành để đưa mẹ đi du lịch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.