Hầu như ai cũng biết tháp Eiffel (Tour Eiffel) ở Paris là địa điểm du lịch nổi tiếng tượng trưng cho thủ đô Paris nước Pháp là do kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế xây dựng nhân dịp triển lãm Hội chợ thế giới năm 1889, kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp (1789). Nhưng cũng ít ai biết về các công trình xây cầu ban đầu của ông ở Sài Gòn và Nam kỳ trong nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của chính quyền Pháp ở Đông Dương.
Năm 1872, nhận thấy có thể tìm được lợi nhuận nhiều qua các công trình xây cất cơ sở hạ tầng ở Nam kỳ, thuộc địa mới của Pháp ở Viễn Đông, Gustave Eiffel mở một văn phòng đại diện của công ty ông, Compagnie des Établissements Eiffel, trên đường rue Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) để lấy hợp đồng xây cất. Một trong những công trình đầu tiên của Công ty Eiffel là xây cây cầu bắc qua kênh Tàu Hủ cho Công ty Dịch vụ hàng hải (Messageries maritimes) để có thể giao thông hành khách và hàng hóa từ bến Nhà Rồng và cảng thương mại Sài Gòn (Khánh Hội) với bến Chương Dương và khu vực trung tâm Sài Gòn. Cầu Mống được xây và hoàn tất vào năm 1882 mà ngày nay vẫn còn tồn tại. Sự thành công của công ty được biết đến không những ở Nam kỳ, nơi có các công trình sông, rạch, như các cầu cho đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho mà sau này ở cả Bắc kỳ, nơi Pháp đặt nền bảo hộ ở đó. Năm 1888, công ty trúng hợp đồng xây các cầu sắt trên đường xe lửa đầu tiên ở Bắc kỳ dài 98 km từ Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) đến Lạng Sơn. Ngoài ra, công ty còn xây các chợ ở Nam kỳ như chợ Cao Lãnh (1887), Ô Môn (1888), Tân Quy Đông (1889), Tân An (1889) và tòa nhà trụ sở Công ty Dịch vụ đường sông (Halles des Messageries fluviales) ở bến Bạch Đằng.
Cầu Mống (Pont des Messageries maritimes), nối bến Nhà Rồng với bến Chương Dương (ảnh trên); và chợ Tân Định trong thập niên 1950
Trích từ trong sách
Sau cầu Mống ở Sài Gòn, hai năm sau (1884) công ty cũng xây một cầu hầu như tương tự, cầu Chà Và (Pont des Malabars) ở Chợ Lớn nối Chợ Lớn với bến Bình Đông (nay là Quận 8). Tuy nhiên cầu này bị phá đi vào thập niên 1930, thay thế bằng cầu khác. Hiện nay cầu Mống được bảo tồn làm đẹp thành cầu đi bộ, công trình di sản duy nhất còn lại của Công ty Eiffel ở Sài Gòn. Cầu Mống dài 371 m với vòng cung thép và các cột đèn cổ điển thời Pháp thuộc, bắc qua kênh Tàu Hủ nối Quận 1 với Khánh Hội ở vị trí rất đẹp, nên trở thành điểm chụp ảnh cưới và thưởng lãm cảnh quan sông nước thành phố.
Chỉ 7 năm sau khi cầu Mống đưa vào sử dụng, Gustave Eiffel xây tháp Eiffel ở Paris cho Hội chợ Triển lãm quốc tế (năm 1889). Tuy nhiên, 4 năm sau (1893), ông bị liên lụy vào sự phá sản của công ty xây kênh đào Panama và công trình kênh đào bị bỏ dở, nhiều người liên can đến công ty và công trình, trong đó có ông Eiffel can tội gian lận tài chính. Eiffel phải rút lui ở ẩn. Ở Nam kỳ, Công ty Eiffel được đổi tên thành Công ty xây dựng Levallois-Perret (Société Constructions Levallois-Perret), tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như cảng Sài Gòn và các cầu trên đường xe lửa xuyên Đông Dương (Transindochinois) như cầu Bình Lợi. Năm 1937, vụ bê bối về kênh đào Panama không còn là vết nhơ trong sự nghiệp của người thành lập, ông Eiffel, công ty đổi tên lại thành Công ty Eiffel xưa (Anciens Établissements Eiffel).
Chợ Tân Định, Quận 1
Không xa nhà thờ Tân Định, một biểu tượng của vùng là chợ Tân Định. Chợ Tân Định để lại trong ký ức của những người Sài Gòn là nơi có nhiều hàng quán bán món ăn ngon, nhiều hàng hóa và chất lượng tốt, rau quả tươi. Chung quanh chợ ngày xưa có các rạp cải lương, hát bội, các đình xưa.
Tọa lạc ở đường Hai Bà Trưng, chợ Tân Định khánh thành vào năm 1927 sau chợ mới Bến Thành 13 năm. Ngày khánh thành chợ Tân Định cũng không kém trang trọng và tưng bừng như ngày khai thị chợ mới Bến Thành. Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã đến khai mạc lễ khai thị (Công Luận báo, 25.7.1927):
"Lễ khai thị
Chợ mới Tân Định
Sớm mai ngày 26 Juillet vừa rồi lối 9 giờ sở đốc lý thành phố Sài Gòn có bày cuộc lễ khai thị ở Tân Định. Thiên hạ đến coi đông như kiến, lính tráng khó bề dẹp được.
Giữa chợ treo cờ xí đủ màu coi đẹp lắm.
Các quan và sở đốc lý phải đến bày cuộc lễ nầy, đứng nơi trong đợi quan nguyên soái Nam kỳ, chính giữa để một cái bàn có để rượu sâm banh, mấy người nấu ăn đứng xung quanh coi ngộ lắm. Bước vô bên tay mặt một tấm vải giăng ra và một giàng máy chớp bóng.
Tám giờ đúng, một cái xe hơi đưa quan Nguyên soái Nam kỳ, đến đậu trước chợ, gần hàng rào.
Quan Nguyên soái Nam kỳ bước xuống bắt tay quan Đốc lý [thị trưởng] thành phố Sài Gòn, Lefebvre và ông Héraud, hội trưởng hội đồng quản hạt, rồi bước thẳng vô chợ.
Kế quan đốc lý đọc một bài diễn văn tỏ ý cho trước là quan Nguyên soái Nam kỳ, sau các chức việc biết rằng cái chợ nầy mà cất thành đây là nhờ sở đốc lý ham muốn mở mang hầu cho thành phố Sài Gòn nầy có nhiều nơi tốt đẹp.
Bởi vậy sở đốc lý không dụ dự chúc nào mà xuất tiền cất chợ và cũng là nhờ quan Nguyên soái Nam kỳ dự vào nữa. Ông hội trưởng hội đồng quản hạt đã ở Sài Gòn lâu rồi có thể biết những điều cần ích, nên muốn Sài Gòn nầy đứng hàng ngũ cho xứng đáng ở cõi viễn đông nầy vậy.
Rốt hết quan đốc lý mời quan Nguyên soái Nam kỳ dùng rượu và chúc cho thành Sài Gòn nầy sung thạnh.
Kế quan Nguyên soái Nam kỳ trả lời lại rất đại khái". (còn tiếp)
(Trích Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay; tác giả: Nguyễn Đức Hiệp - Tim Doling - Võ Chi Mai; Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)
Bình luận (0)