Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay: Khách sạn Caravelle, khách sạn Majestic

Đối diện với khách sạn Continental, bên kia Nhà hát Thành phố, cũng ở góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi là khách sạn Caravelle.

Khách sạn Caravelle, Café de la Terrasse

Nơi đây vào đầu thế kỷ 20 là nhà hàng - cà phê và khách sạn de la Terrasse. Dưới nhà là quán cà phê - nhà hàng, bên trên là khách sạn.

Café de la Terrasse và khách sạn là tòa nhà ba tầng kiến trúc Pháp thời thuộc địa giống như kiến trúc của khách sạn Continental.

Tòa nhà này được xây trong thời gian Nhà hát Thành phố đang xây dựng. Tại đây vào năm 1902, một doanh nhân người Pháp tên là Marcel Bénard, một trong những chủ nhân của Công ty anh em Bénard (Maison Bénard Frères et Cie), mở khách sạn và nhà hàng cà phê lấy tên là Khách sạn và cà phê Terrasse (Hôtel et Café de la Terrasse) ở số 19 Quảng trường Nhà hát (place du Théâtre). Khách sạn và nhà hàng này ít được nói tới trong báo chí hay trong các tư liệu, cho ta biết là khách sạn không thành công và ít được biết đến. Năm 1927, có thể do không cạnh tranh được với khách sạn Continental gần đó, ông Bénard đóng cửa khách sạn và dời nhà hàng cà phê đến đường Bonnard. Tầng dưới của tòa nhà sau đó được cho mướn với nhiều cửa tiệm và trên lầu là trụ sở của Công ty sản xuất rượu Đông Dương (Société française des distilleries de l'Indochine).

Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay: Khách sạn Caravelle, khách sạn Majestic- Ảnh 1.

Rue Catinat với nhà hàng khách sạn - Café de la Terrasse et Hotel đầu thế kỷ 20 (trên) và đường Đồng Khởi ngày nay với khách sạn Caravelle bên trái (dưới). Địa chỉ Café de la Terrasse là 130 rue Catinat và khách sạn Caravelle là 132 rue Catinat

TRÍCH TỪ TRONG SÁCH

Năm 1940, tòa nhà trở lại là khách sạn với tên gọi Khách sạn Nhà hát (Hôtel du Théâtre). Cũng giống như trước kia (Hôtel et Café de la Terrasse), khách sạn Hôtel du Théâtre rất ít thông tin do không quảng cáo rộng rãi và ta có thể kết luận là khách sạn này không quan trọng như khách sạn Continental và các khách sạn khác trong khu vực trung tâm thành phố.

Vào cuối thập niên 1950, do nhu cầu phát triển, tòa nhà đã được xây lại theo kiến trúc mới do hai kiến trúc sư người Việt và người Pháp thiết kế. Hãng hàng không Air France có một phần hùn trong sự xây dựng khách sạn mới này. Khách sạn mới được khai trương vào ngày Giáng sinh năm 1959. Trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, tòa đại sứ Úc và Tân Tây Lan (New Zealand) được đặt ở đây. Tầng 7 khách sạn đã được chính phủ Úc mua trọn. Ở tầng dưới về phía đường Đồng Khởi là văn phòng của hãng hàng không Air France. Tên Caravelle được đặt theo tên máy bay Caravelle của hãng hàng không Air France. Vào thời điểm đó, khách sạn Caravelle là tòa nhà cao nhất Sài Gòn, các hãng thông tấn nước ngoài như CBS News, ABC News đều có văn phòng ở đây. Trên nóc lầu khách sạn là nhà hàng sân thượng có thể nhìn bao quát trung tâm Sài Gòn mà ngày nay vẫn còn. Sau năm 1975, khách sạn được đổi tên là khách sạn Độc Lập, năm 1998 khách sạn được xây thêm tòa nhà 24 tầng cạnh bên tòa nhà cũ và lấy lại tên cũ là Caravelle.

Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay: Khách sạn Caravelle, khách sạn Majestic- Ảnh 2.

Khách sạn Majestic vừa xây xong ở góc đường Catinat và Quai de Commerce năm 1925 (trên) và khách sạn Majestic ngày nay trên góc đường Đồng Khởi và Tôn Đức Thắng (dưới). Kiến trúc của khách sạn Majestic ban đầu rất ấn tượng theo phong cách art-nouveau

TRÍCH TỪ TRONG SÁCH

Khách sạn Majestic

Ban đầu ở vị trí đầu đường Catinat (Đồng Khởi), mà ngày nay là khách sạn Majestic đối diện với sông Sài Gòn, là khách sạn "Hôtel d'Annam" (Nam Việt khách lầu) của ông Huỳnh Huệ Ký. Nam Việt khách lầu tồn tại đến năm 1925 thì ông Tăng Chánh Huỳnh Văn Hoa (Hui Bon Hoa), chủ công ty anh em Hui Bon Hoa, mua lại và xây tại đây khách sạn cao cấp 44 phòng dựa theo thiết kế art-nouveau thường thấy ở vùng biển Riviera miền nam nước Pháp. Đây là một trong những khách sạn sang trọng nhất Sài Gòn, trong đó có Continental, Grand Hotel thời bấy giờ. Cuối năm 1931 thì ông Tăng Chánh Hui Bon Hoa (một trong 4 người con trai của chú Hỏa) định sang lại kinh doanh và đồ đạc của khách sạn (vẫn giữ là chủ khách sạn) nên đưa ra đấu giá mà tờ L'Indochine: revue économique d'Extrême-Orient số ngày 5.3.1932 có đăng như sau:

"Vào ngày 18 tháng 12, theo yêu cầu của ông Hui Bon Hoa, việc kinh doanh và nội thất của khách sạn Majestic đã được mang ra bán đấu giá tại Sài Gòn, mà ông Hui Bon Hoa đã mua với giá 37.000 đồng (piastres). Ông đã mua 5.500 piastres cho đồ nội thất ở phần phụ (annex) của khách sạn và 18.000 piastres cho đồ nội thất của khách sạn Grand, tổng cộng là 60.000 piastres.

Việc kinh doanh của khách sạn Grand không tìm thấy người mua. Hai ông Lamorte và Franchini tham gia đấu giá, nhưng chỉ dành cho đồ nội thất của khách sạn Majestic.

Ông Lamorte đòi ông de Lachevrotière phá sản vì đã không thanh toán 62.000 piastres cho ông, số tiền này sẽ dùng để trả mua nội thất của khách sạn Majestic. Yêu cầu của ông đã bị bác bỏ, ông de Lachevrotière không phải là một thương nhân và người đã thay mặt cho công ty Grand Hôtel".

Sau này khi ông Mathieu Franchini, chủ khách sạn Continental, làm giám đốc khách sạn Majestic vào năm 1951 đã trùng tu và sửa mặt tiền của khách sạn, mặt tiền (façade) trở nên cổ kính hơn so với thiết kế rất nổi bật, ấn tượng art-nouveau lúc ban đầu.

Năm 1965, khách sạn được quốc hữu hóa và trùng tu với hai tầng lầu được xây thêm do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, mặt tiền của khách sạn thay đổi theo kiến trúc hiện đại (modernist). Sau tháng 4.1975, khách sạn thuộc quyền sở hữu của công ty nhà nước Saigontourist, được đổi tên là khách sạn Cửu Long (Mekong Hotel). Năm 1995, khách sạn được trùng tu lần nữa với mặt tiền được thiết kế tương tự như kiểu thiết kế art-nouveau và lấy lại tên xưa là Majestic. Và cuối cùng năm 2011, khách sạn được mở rộng xây thêm hai khối tháp cao 24 và 27 tầng cùng 4 tầng hầm gồm 353 phòng, nâng tổng số phòng của khách sạn lên 538 phòng. (còn tiếp)

(Trích Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay; tác giả: Nguyễn Đức Hiệp - Tim Doling - Võ Chi Mai; Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.