Ông Pierre Cazeau, một doanh nhân và thầu khoán, đã xây một khách sạn đối diện khách sạn Favre mang tên Continental. Khách sạn đáp ứng phần nào nhu cầu chỗ ở cho một thành phố bắt đầu phát triển.
Cuối thế kỷ 19, trong một thời gian tòa nhà này (nay là khách sạn Continental) được dùng làm tòa thị sảnh thành phố nơi ông thị trưởng có văn phòng, trước khi tòa thị sảnh (nay là Ủy ban nhân dân Thành phố) được xây. Trước đó, văn phòng của thị trưởng đặt ở một phòng trong tòa nhà của ông Vương Thái (một doanh nhân người Quảng Đông giàu có), ngày nay là tòa nhà Hải quan góc đường Hàm Nghi và Nguyễn Huệ.
Nhà sách của ông F.H.Schneider, một người tiên phong trong việc in sách báo ở Nam kỳ và sau này ở Bắc kỳ đã đỡ đầu ông Nguyễn Văn Vĩnh trong nghề in ấn và viết báo, đã có một thời gian ở lầu dưới của khách sạn Continental. Tầng dưới và vỉa hè nhìn ra nhà hát và quảng trường nhà hát là nhà hàng cà phê, nơi gặp nhau của những nhà chính trị, chủ đồn điền, hãng buôn, công chức, thành phần trung lưu từ cuối thế kỷ 19 cho đến thập niên 1970. Thị trưởng thành phố - ông Paul Blanchy thường xuyên có mặt ở đây trong những giờ giải lao và gặp gỡ bạn bè.
Khi công tước (Duke) de Montpensier, Ferdinand d'Orleans đến Sài Gòn ngày 28.2.1908 trên tàu le Polynésien với xe hơi chở trên tàu l'Annam đã cập cảng Sài Gòn trước đó, công tước Montpensier (người Việt gọi là ông Hoàng, người đã xây lâu đài trên đồi gần thành phố Phan Thiết, mà người dân gọi là lầu ông Hoàng) có dự định đi xe hơi từ Sài Gòn đến Angkor đầu tiên. Ông đã thực hiện chuyến đi Angkor bằng xe hơi thành công năm 1908 và đã viết quyển sách được xuất bản 2 năm sau đó với tựa đề La ville au bois dormant: de Saigon à Angkor en automobile (Thành phố ngủ trong rừng: từ Sài Gòn đến Angkor bằng xe hơi), dựa theo tên truyện cổ tích La Belle au bois dormant (Công chúa ngủ trong rừng) của Charles Perrault.
Ông Hoàng trong thời gian ở Sài Gòn đã trú ngụ tại khách sạn Continental và sau này ông đã mua lại khách sạn này. Chuyến đi Angkor từ Sài Gòn đã khởi hành tại khách sạn Continental.
Năm 1933, công tước Montpensier bán khách sạn Continental cho ông Mathieu Franchini, một người Pháp gốc đảo Corse. Ông Franchini có vợ người Việt Nam, vợ là con gái của một điền chủ giàu có, nên đã giúp ông mua khách sạn Continental từ ông Hoàng Montpensier. Từ khi Mathieu Franchini làm chủ khách sạn Continental, nơi đây thường xuyên có người Corse trong Hội Ái hữu Corse ở Sài Gòn hội họp, gặp gỡ. Con ông là Philippe Franchini nối nghiệp quản lý khách sạn Continental đến năm 1975.
Quảng trường trước Nhà hát Thành phố và khách sạn Continental được gọi là quảng trường Nhà hát (Place de théâtre). Trước đó còn có tên là quảng trường Francis Garnier (có tượng của Garnier ở quảng trường). Năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng, trong những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn, tượng Francis Garnier và tượng đề đốc Rigault de Genouilly ở quảng trường Place de Genouilly (Mê Linh) bị dỡ bỏ. Từ thời Việt Nam Cộng Hòa, quảng trường Nhà hát được gọi là quảng trường Lam Sơn và vẫn giữ cho đến ngày nay.
Góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi, trước Nhà hát Thành phố, đối diện với khách sạn Continental, từ thập niên 1960 cho đến năm 2010 là quán cà phê, nhà hàng Givral, một nơi thanh lịch để gặp gỡ của những người Sài Gòn khi có dịp lên trung tâm Sài Gòn sau khi đi dạo trên những con đường Lê Lợi, Catinat (Tự Do, Đồng Khởi), Nguyễn Huệ hay chung quanh chợ Sài Gòn. Ở nơi này như trong hình (phần trên), đầu thế kỷ 20 là quán cà phê nổi tiếng "Café de la musique" của ông Pancrazi và sau này là tiệm thuốc tây Pharmacie Solirène. (còn tiếp)
(Trích Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM)
Bình luận (0)