Kiến trúc sư chỉ nguyên nhân chung cư bị nước chảy tràn vì mưa to và giải pháp xây nhà vùng lũ

29/09/2024 12:39 GMT+7

Việc xây nhà vùng lũ như thế nào là thắc mắc của không ít người sau cơn bão số 3 (bão Yagi). Bên cạnh đó, làm thế nào để hạn chế việc nước chảy tràn lan ở nhà chung cư được nhiều người quan tâm.

Khi bão Yagi đổ bộ, nhiều tỉnh miền bắc phải hứng chịu những trận mưa kéo dài, gió giật mạnh. Những tưởng khi sống trong chung cư cao tầng, mọi thứ đều ổn dù mưa gió bão bùng nhưng không, không ít cư dân bất ngờ khi thấy cảnh nước tràn vào nhà.

Với trường hợp người dân phải sống chung với lũ lụt, nhà bị ngập nước mỗi năm, việc chỉ ra những giải pháp hạn chế tình trạng này là điều cần thiết.

Thanh Niên kết nối với KTS Dương Quốc Chính và ThS, KTS Lê Hải Hồng Phong, Phó trưởng khoa Kiến trúc - Nội thất - Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành để biết được nguyên nhân và giải pháp với những vấn đề trên.

Vì sao nước tràn vào chung cư?

KTS Dương Quốc Chính cho biết việc các tòa nhà cao tầng, công cộng bao gồm chung cư bị thiệt hại do bão là không tránh khỏi. Nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan. Mưa to, gió lớn được xem là một điều bất khả kháng. Nhiều hạng mục công trình khi thiết kế và thi công đã không tính tới tình huống hy hữu đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đó. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan đó là lỗi ở thiết kế hoặc thi công công trình.

Kiến trúc sư chỉ nguyên nhân chung cư bị nước chảy tràn vì mưa to và giải pháp xây nhà vùng lũ- Ảnh 1.

Người dân tìm mọi cách ngăn nước tràn vào nhà

ẢNH: NVCC

Kiến trúc sư chỉ nguyên nhân chung cư bị nước chảy tràn vì mưa to và giải pháp xây nhà vùng lũ- Ảnh 2.

Tường bị nứt vì mưa to, gió lớn

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

"Vừa rồi nhiều nơi nước rò qua cửa sổ, vách kính, thấm tường, nước tràn từ ban công vào nhà qua khe cửa. Phần nhiều các lỗi này là cơ bản, hoàn toàn có thể xử lý được bằng các giải pháp thiết kế và thi công. Trường hợp thấm tường, thường do chất lượng tường bao che không được tốt cộng thêm lớp sơn chống thấm không đảm bảo hoặc quá cũ không còn tác dụng. Giải pháp đơn giản nhất là sơn chống thấm lại. Lỗi này phần nhiều là do thi công và bảo trì", KTS Dương Quốc Chính nói.

Kiến trúc sư chỉ nguyên nhân chung cư bị nước chảy tràn vì mưa to và giải pháp xây nhà vùng lũ- Ảnh 3.

Người dân tìm mọi cách ngăn nước tràn vào nhà

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trường hợp cửa sổ, vách kính bị gió thổi bay, lung lay hoặc nhẹ là rò nước rất phổ biến trong nhà cao tầng. Hiện tại chưa có quy chuẩn Việt Nam về thiết kế vách kính và cửa (tối thiểu là cửa ra ngoài trời), mới chỉ có một số tiêu chuẩn Việt Nam tương đối cũ. Hơn nữa, quy chuẩn mới là bắt buộc phải áp dụng, tiêu chuẩn chỉ để tham khảo. Do đó, việc nghiệm thu, giám sát chất lượng thi công sẽ gặp khó khăn và tùy lương tâm của chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thi công đảm bảo sức chống chịu với mưa gió.

"Chính vì vậy nên rủi ro rất cao cho hệ vách và cửa nhôm kính. Nhẹ là bị rò nước qua các gioăng cao su giữa nhôm và kính, các mối ghép nối các thanh nhôm, có rất nhiều cấu tạo cửa có rủi ro dẫn tới thấm nước", vị KTS bày tỏ.

Kiến trúc sư chỉ nguyên nhân chung cư bị nước chảy tràn vì mưa to và giải pháp xây nhà vùng lũ- Ảnh 4.

Nước tràn vào thang máy khi bão Yagi gây mưa to, gió lớn

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Cũng theo ông Chính, rủi ro cao hơn nữa là kết cấu bền vững của hệ vách, khi sự liên kết giữa vách kính và tòa nhà không đảm bảo kiên cố, không chịu nổi sức gió giật. Ở Hạ Long (Quảng Ninh) đã có tòa nhà bị rụng cả mảng kính cao hàng chục tầng. Nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội cũng bị bay nguyên tấm vách kính.

Một lỗi phổ biến nữa là nước mưa ở ban công không thoát kịp đã chảy tràn vào phòng. Lỗi này có thể do khi thiết kế và thi công đã không làm khe hở hay ống thoát tràn. Để tránh mực nước dâng quá cao, khi đó nó sẽ tràn ra ngoài trời thông qua lỗ/khe thoát tràn. Nội dung này cũng nên đưa vào quy chuẩn thiết kế nhà ở.

"Còn nước chảy từ trong thang máy ra khả năng lớn là do ở tầng nào đó nước đã tràn được vào sảnh thang máy rồi chui vào cửa thang. Cũng có thể do phòng kỹ thuật thang bị nước vào, rồi chảy xuống hố thang. Lỗi này có thể từ nguyên nhân như nói trên, nước tràn vào nhà được qua vách kính thì cũng vào được sảnh thang máy, còn cụ thể hơn phải tùy trường hợp", ông Chính chia sẻ.

Kiến trúc sư chỉ nguyên nhân chung cư bị nước chảy tràn vì mưa to và giải pháp xây nhà vùng lũ- Ảnh 5.

Mọi người lo lắng chồng chéo khi bão Yagi đổ bộ

ẢNH: NVCC


Vấn đề nói trên chủ yếu là do hệ thống quy chuẩn Việt Nam không đủ chi tiết cho tất cả các hạng mục, trong đó có hệ vách kính, cửa đi, cửa sổ ngoài trời khi chịu mưa gió. Ngoài ra còn do kinh nghiệm, năng lực thiết kế, thi công của nhiều nhà thầu còn chưa đảm bảo. Nhà cao tầng còn tương đối mới phát triển ở Việt Nam nên hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn vẫn còn đang trong quá trình hình thành và điều chỉnh. Một số dự án áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài sẽ đỡ rủi ro hơn do có kinh nghiệm hơn về các chi tiết cấu tạo.

Bên cạnh đó, khi thi công các dự án chung cư, không loại trừ khả năng chủ đầu tư có xu hướng cắt giảm chi phí thi công, chỉ làm ở chất lượng cơ bản, tối thiểu. Khi hệ thống quy chuẩn chưa đầy đủ pháp luật sẽ không thể xử lý việc làm này.

"Qua cơn bão này có thể sẽ bộc lộ nhiều vấn đề trong thiết kế và thi công, tôi nghĩ cơ quan chức năng cần phải điều chỉnh luật lệ (quy chuẩn Việt Nam thường được ban hành dưới dạng thông tư) để hạn chế tình trạng này", vị KTS cho biết.

Giải pháp xây nhà vùng lũ hạn chế bị ngập

KTS Phong bày tỏ, sau thiên tai, việc tái thiết lại nơi sinh sống, đặc biệt là "mái nhà" với bà con hết sức quan trọng.

Đầu tiên, KTS Phong cho biết cần người dân ở vùng lũ cần sử dụng loại hình nhà ở linh động, cụ thể hóa là các dạng nhà bè, nhà thuyền… nhằm thích nghi theo sự thay đổi của lũ lụt. Các loại hình nhà này đã được các đơn vị, tổ chức kiến trúc, xây dựng triển khai qua các cuộc thi nhà ở cho vùng lũ lụt. Nếu cần thiết, có thể đề xuất các cuộc thi thiết kế nhà ở cho từng vùng lũ lụt cụ thể, nhằm giải quyết được những vấn đề của từng địa phương.

Lưu ý một vấn đề, sản phẩm thiết kế phải là sự kết hợp giữa hình thức kiến trúc và giải pháp thi công, kèm theo chi phí thực hiện. Như vậy thì việc đưa sản phẩm vào thực tế mới có thể được nhân rộng và dễ dàng triển khai, tiếp cận đến các nhà tài trợ thiện nguyện.

Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn có tập tính xem trọng ngôi nhà, muốn được ở trong những ngôi nhà kiên cố vì nhà là "tổ ấm", KTS Phong đưa ra giải pháp thứ hai sẽ thiên về bố trí kiến trúc và kết cấu công trình.

"Về mặt kiến trúc, nên làm nhà 2 tầng. Tầng trệt đóng vai trò là không gian chịu lũ lụt. Chiều cao từ 3,5 – 4 m tùy theo mức nước lũ ở từng nơi. Tầng trệt sẽ bố trí những chức năng linh động (sinh hoạt chung, sản xuất cơ động…), không gắn các thiết bị cố định. Khi xảy ra lũ lụt, người dân sẽ chuyển lên sinh hoạt ở tầng trên, và tầng dưới sẽ là không gian bị ngập nước. Lưu ý là khi không gian xây dựng tầng trệt phải đơn giản, ít ngóc ngách để giảm việc bùn sẽ đọng lại nhiều khi lũ gây khó khăn cho dọn dẹp sau này", KTS Phong chia sẻ.

Kiến trúc sư chỉ nguyên nhân chung cư bị nước chảy tràn vì mưa to và giải pháp xây nhà vùng lũ- Ảnh 6.

Nhà dân tại xã Tân Hóa (H.Minh Hóa, Quảng Bình) bị ngập sâu 0,5 - 2 m

ẢNH: BH

Về mặt kết cấu, việc thi công các ngôi nhà này cần được tư vấn và thiết kế kỹ càng của kỹ sư xây dựng để có thể chịu được những tác động của vùng lũ lụt như vật liệu bị thấm nước, tác động của sức nước, sức gió. Việc thi công nền móng cần được nghiên cứu và tính toán cẩn thẩn, không nên chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm thi công địa phương.

Cuối cùng, KTS Phong nhấn mạnh để giải quyết thiên tai này cần có sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể, sự tương tác liên ngành nghiên cứu nhằm đưa ra một phương thức tốt nhất cho người dân vùng thường xuyên xảy ra bão lũ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.