Đặc biệt, các dự án do Nguyễn Mạnh Bình San làm ra rất hiệu quả, được nhiều người chấp nhận và đánh giá cao, tuy anh không đăng ký bất kỳ giải thưởng nào. Khách hàng thân thiết - bạn bè quý mến gọi anh là kiến trúc sư, còn anh căm cụi cống hiến cho ngành kiến trúc và kiến trúc cảnh quan bằng những công trình, công việc thực tế.
Có dịp trò chuyện với "kiến trúc sư… không bằng" này, khi chúng tôi mạn phép anh chia sẻ lý do và quan điểm lựa chọn con đường kiến trúc cảnh quan để phát triển nghề nghiệp và khẳng định tên tuổi của mình, thì Nguyễn Mạnh Bình San trải lòng đầy hào hứng và nhiệt thành, vốn như tính cách của anh:
Nghề nghiệp, đối với mình là duyên may. Trước năm 2001 mình làm về xây dựng, được gặp và làm việc cùng anh Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long. Một lần, anh Quang nói với mình về ngành cảnh quan.
Ban đầu mình cứ nghĩ làm cảnh quan (landscape) là làm sân vườn (gardening), nhưng anh Quang nói không phải vậy, cảnh quan là một phân ngành lớn trong ngành quy hoạch - kiến trúc và có giá trị rất cao. Nó sẽ là ngành nghề hot trong tương lai. Đó là thời điểm 2003.
Với những dẫn dắt và hỗ trợ lớn từ anh Quang và các kiến trúc sư đàn anh, công ty mình chuyển hướng sang ngành kiến trúc cảnh quan rồi bắt đầu thấy yêu thích ngành này, vì nó phù hợp với tình yêu thiên nhiên mà mình có sẵn. Mình xác định chỉ có cảnh quan mới có thể lan tỏa tình yêu thiên nhiên, giữ gìn được môi trường thiên nhiên. Đó là cơ duyên giải thích tại sao mình chọn ngành này.
Trước đây và kể cả thời điểm năm 2010, chúng ta vẫn còn làm cảnh quan như "trách nhiệm", "trả bài". Ví dụ như trong bản vẽ quy hoạch, có ô đề "cây xanh - cảnh quan" thì nhà đầu tư chỉ đưa cây xanh vào khoảng không gian này như một "trách nhiệm" với vài cái cây, ngọn cỏ để được phê duyệt. Một vài nhà đầu tư còn sơ sài đến mức chỉ san lấp và ươm cây xanh ở đó để hoàn tất một không gian cảnh quan.
Từ 2010 - 2015, cảnh quan được phát triển rực rỡ, nhờ sự phát triển của bất động sản. Lúc này, cảnh quan như một sản phẩm tôn vinh các đô thị và tôn vinh công trình kiến trúc. Đây là giai đoạn chuyển từ "cảnh quan trách nhiệm" sang "cảnh quan trang trí".
Cảnh quan không chỉ làm nền cho công trình kiến trúc đẹp hơn, mà còn làm tăng giá trị bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã dùng cảnh quan là câu chuyện để quảng bá, tạo sức hút cho những dự án bất động sản của mình. Họ dùng các công trình kiến trúc cảnh quan như "selling point" (nét đặc biệt của mặt hàng làm cho nó hấp dẫn đối với người mua), và rồi nhồi nhét các loại công trình điểm nhấn chỉ để ngắm, selfie và tạo ấn tượng.
Nhưng giá trị thực của cảnh quan vẫn không nằm ở đó. Mình quyết định đi đầu làm đúng vai trò cảnh quan, đó là cảnh quan môi trường sống.
* Vậy cách nghĩ của anh theo hướng đó như thế nào?
- Kiến trúc sư… không bằng Nguyễn Mạnh Bình San: Con người chỉ sống trong 2 môi trường, một là môi trường kiến trúc do con người tạo ra, nơi đó là một không gian kiến trúc để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người, và thứ hai là môi trường tự nhiên ngoài không gian kiến trúc. Trong khi hơn 1/3 thời gian con người sống trong môi trường bên ngoài . Như vậy cảnh quan tại Việt Nam cũng phải tiến đến một bước cảnh quan môi trường sống như xu thế hiện tại trên thế giới.
Hướng đi ấy chính là tạo dựng lại môi trường tự nhiên (rewild the nature) làm trọng tâm, sau đó kết hợp đưa vào những hoạt động đô thị để cung cấp dịch vụ cho con người sinh sống đối với cảnh quan đô thị. Đặc biệt, phải hạn chế đến mức thấp nhất tác động tới cảnh quan tự nhiên sẵn có bằng phương thức xây dựng không tác động môi trường.
Điều đó mới làm cho môi trường sống thứ 2 này ngày càng trở nên có giá trị, con người mới sống nhiều hơn trong không gian cảnh quan, trong thiên nhiên và là cốt lõi của phát triển bền vững.
Các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư lớn của Việt Nam đã và đang tiến đến bước đầu tư cảnh quan môi trường sống, và tập trung vào việc khuyến khích dân cư tương tác với môi trường sống cảnh quan bên ngoài công trình kiến trúc. Lúc đó, giá trị của bất động sản mới tăng lên do sự tăng giá trị bản chất của cung cấp môi trường sống chất lượng toàn diện.
Mình đã có những công trình thực tế khẳng định được thành công cho việc khởi nghiệp về cảnh quan môi trường sống như công viên Sala - Đại Quang Minh (TP.Thủ Đức), Nam Long Waterpoint, Lagoona Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) , Cù lao Tân Vạn… Ngoài ra mình còn có 5 dự án lớn đang thực hiện như dự án Tam Giang Natural Life Floating Resort (Thừa Thiên-Huế), Làng Nhỏ (Khánh Hòa)…
Sống với thiên nhiên, không đơn giản là vào thiên nhiên sống, kiểu trào lưu bây giờ, cũng như các biến tướng, trá hình nhằm mục tiêu khác; mà phải là một kế hoạch, mô hình kinh tế bài bản, đầy đủ, phát triển có mục tiêu và bộ công cụ, hành trang đã được kiểm nghiệm, kiểm chứng, hoàn chỉnh. Từ đó tạo dựng ra cộng đồng làm đúng và phát triển thiên nhiên Việt Nam bền vững.
Hy vọng, rồi đây sẽ nhiều người có cơ hội thực hiện được mơ ước giữ gìn và phát triển thiên nhiên Việt Nam giá trị và bền vững cho tương lai.
HÀNH TRÌNH ĐỊNH VỊ
* Như anh nói, kiến trúc cảnh quan của Việt Nam bây giờ đã được định hình?
- Định hình rất tốt và từng bước tác động đến xu thế phát triển đúng của cảnh quan. Dù tỷ lệ chưa cao nhưng tinh thần cảnh quan môi trường sống hiện có 15 - 20% các nhà đầu tư hiểu biết tốt, đặc biệt là các resort, đô thị sinh thái, định hướng theo tinh thần này và làm đúng ý nghĩa của cảnh quan.
Và bắt đầu có rất nhiều nhà nhà đầu tư nhỏ hơn đến thảo luận về cách nào để không phải cào bằng ủi sạch để xây dựng công trình kiến trúc rồi sau đó mới trang hoàng cảnh quan lại như cách làm trước kia - cách làm cảnh quan "xôi thịt", "quảng cáo", "cảnh quan làm hại môi trường". Đây là dấu hiệu tốt trong giai đoạn 3 - giai đoạn hiểu biết và làm đúng.
* Vậy thì, theo anh, điểm đặc trưng nhất của kiến trúc cảnh quan Việt Nam hiện nay là gì? Tức khi nghĩ đến kiến trúc cảnh quan Việt Nam là nghĩ đến điều gì?
- Cái đó rất khó. Tìm được nét đặc trưng là một quá trình và cần thời gian dài hơn nữa. Tôi cho rằng quy trình thế này: chúng ta cần chọn được một trục, một mạch và làm đúng cái đã, chẳng hạn như tôi đang thực hiện cảnh quan môi trường sống.
Sau đó, rồi làm đủ, tức là đáp ứng nhu cầu môi trường sống chất lượng cho người dân và xã hội. Cuối cùng là làm "đẹp". Cái đẹp ở đây là cái chắc lọc cuối cùng, là cái đặc trưng, là cái hay, cái đặc biệt, bản sắc và sáng tạo, không có cái đẹp nào mà sai và khiếm khuyết cả.
Hiện giờ chúng ta mới làm tới bước đúng thôi và cần đến 10 năm để bước đến cái "đủ". Rồi cần từ 10 - 20 năm nữa để chắc lọc cho ra cái hay đặc trưng của Việt Nam.
Vì vậy, từ bây giờ chúng tôi đã bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chiến lược ngành kiến trúc cảnh quan. Ở đó nhấn mạnh mục tiêu đào tạo thế hệ kế tiếp để làm sao tìm được mạch đặc trưng của kiến trúc cảnh quan Việt Nam thì mới có cơ hội mang ra sánh vai cùng thế giới trong 10 - 20 năm nữa.
Có lẽ tìm đặc trưng kiến trúc Việt Nam sẽ dễ hơn. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng hiện còn nhiều người lẫn lộn giữa đặc trưng và truyền thống. Chúng ta nói đến kiến trúc Việt Nam là cứ nhắc đến truyền thống nhà 3 gian 2 chái, cung đình, đền chùa miếu mạo.
Theo tôi, đặc trưng kiến trúc Việt Nam có được từ đặc trưng bản tính của người Việt Nam. Gốc gác đầu tiên, tôi nghĩ tới nước. Nước là thành tố trọng yếu của người Việt Nam bởi vì dân tộc Việt Nam đã vài ngàn năm sống gắn liền với nước, là một dân tộc bậc thầy về thủy học.
Cũng từ đó mà có nét thứ 2 là bản tính "linh hoạt", "mềm mại", "uyển chuyển" như căn tính của dân tộc. Thứ ba, là dễ dàng thích ứng. Người Việt Nam không cố chấp, dễ dàng hòa nhập, chấp nhận các ảnh hưởng tốt từ bên ngoài.
Người Việt mình du nhập rất nhiều cái hay của thế giới, điều quan trọng là làm sao cho sự du nhập đó phù hợp với đặc trưng "nước" mình và không phá vỡ bản chất của nó. Tính hòa nhập mà không hòa tan. Tôi nhấn mạnh không cổ súy cho việc các du nhập không chọn lựa của kiến trúc thế giới trong hành trình định vị kiến trúc Việt Nam.
Và đó cũng mới là tổng hợp sơ bộ của tôi. Để tìm ra cái cốt lõi đặc tính phải là một quá trình dài của nhiều người và chúng tôi vẫn đang nghiên cứu.
KHÁT VỌNG CHINH PHỤC
* Anh đề cập đưa kiến trúc cảnh quan Việt Nam ra thế giới, đó có phải là khát vọng của anh?
- Đúng vậy. Bằng mọi giá nền kiến trúc nói chung và kiến trúc cảnh quan Việt Nam phải có tên trên bản đồ kiến trúc thế giới. Khi nói đến nền kiến trúc Việt Nam, thế giới phải thấy được chắc chắn nét đặc trưng nổi trội, vượt bậc của kiến trúc sư Việt Nam. Giống như khi nói đến kiến trúc Nhật Bản, kiến trúc sư Nhật Bản, chúng ta ngã mũ với 1 từ - Tinh tế - và đó cũng là bản tính của người Nhật.
Muốn làm được chuyện đó, chúng ta phải tìm cho ra cái mạch, cái triết lý đặc trưng của kiến trúc cảnh quan nói riêng và kiến trúc nói chung của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam mình chưa đầu tư đủ thời gian và chưa có một cái mạch xuyên suốt nên chúng ta đang lai tạp mà không chọn lọc. Chúng ta chỉ dừng lại ở bước mô phỏng, sao chép, học và hiểu, chứ chưa sáng tạo.
Muốn sáng tạo, chúng ta phải phân tích, tổng hợp và đúc kết được cái cốt lõi, rồi sau đó sáng tạo được giá trị riêng. Vì thế, chúng tôi tập trung đầu tư rất nhiều vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
Thế hệ của tôi là cố gắng xây dựng hoàn chỉnh trung tâm nghiên cứu chiến lược phát triển kiến trúc cảnh quan ở Làng Nhỏ - Khánh Hòa và hy vọng tương lai sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu chuyên ngành của tư nhân lớn nhất ở Đông Nam Á; làm cơ sở cho việc tập hợp, góp sức của những bộ óc kiệt xuất, những ước mơ, niềm đam mê cháy bỏng trong việc khắc tên kiến trúc Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Với ngành kiến trúc, hiện chúng ta chỉ mới được thế giới vỗ tay ca ngợi ở một vài cá nhân kiệt xuất, những điểm sáng có màu sáng của kiến trúc thế giới. Để ra bản đồ thế giới, chúng ta phải tạo ra một "đám cháy", và để tạo ra một "đám cháy" thì phải cùng "cháy" chung một nhịp điệu, "một màu lửa" duy nhất của Việt Nam. Như vậy, thế giới mới thấy rõ và trường tồn.
Hiện giờ, chúng ta đang có rất nhiều cái đã khẳng định thương hiệu Việt Nam rồi, chẳng hạn như bóng đá, cà phê, nông sản... có sự góp sức của nhiều người tâm huyết. Và bây giờ chúng ta tham vọng đến kiến trúc. Khó chứ không không phải dễ.
* Mục tiêu của kiến trúc cảnh quan, cuối cùng là phục vụ cho đời sống con người. Còn quan điểm của anh thế nào về tác động của cảnh quan môi trường sống tới cuộc sống của người Việt. Nó có trở thành phổ thông trong cộng đồng không?
- Bản chất công trình kiến trúc hay là công trình kiến trúc cảnh quan là vật thể lớn nhất do con người tạo ra và giá trị rất cao, như Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp… Nếu chúng ta có tên trên bản đồ thế giới thì chúng ta tự tin, tự hào. Trong nước, chúng ta tạo nên một khuynh hướng.
Tôi lý giải thêm. Chúng ta rất khó hướng mọi người về cái "mỹ", tức là cái đẹp được. Nhưng nếu chỉ toàn nhìn thấy cái đẹp thì con người đẹp. Nếu luôn nhìn thấy những giá trị đẹp của thiên nhiên thì con người sẽ rất yêu thiên nhiên. Hiện giờ, mình đi khen những công trình đẹp nhưng là của nước ngoài. Đó chỉ là cái đẹp thưởng thức chứ không phải là cái đẹp yêu thương. Nhưng nếu nó là công trình do người Việt làm thì đó là cái đẹp của yêu thương.
Chúng ta không thể nào dạy chung chung rằng "con ơi con phải yêu đất nước" nhưng chúng ta có thể hỏi "con ơi có nhớ nhà không". Con nhớ đi trên công viên bờ sông. Công viên bờ sông đó do kiến trúc sư nào đó của Việt Nam làm. Nó gợi lên những cái nét của hồn phách Việt Nam. Đó là tình yêu.
Tôi khẳng định kiến trúc và kiến trúc cảnh quan phải tạo dựng ra cái đẹp, mà cái đẹp đó không phải là cái đẹp của quốc tế đem về, mà đó phải là cái đẹp của hồn phách Việt Nam. Cái đẹp đó là giá trị mà chúng ta sẽ có nếu chúng ta kiên trì, vững tin tạo ra cái đẹp Việt Nam: cái đẹp đặc trưng, cái đẹp sáng tạo.
TIÊN PHONG NHÀ LẮP RÁP
* Chúng ta bàn rất nhiều về các triết lý, giá trị... Xin anh chia sẻ thêm về các giải pháp để thực hiện công trình kiến trúc cảnh quan mà anh và công ty đã tiên phong triển khai…
- Nguyên tắc đầu bản trong việc kiến tạo cảnh quan môi trường sống là hạn chế tối đa tác động vào môi trường tự nhiên. Xây dựng công trình là tất yếu vì đó là không gian kiến trúc phải có để đáp ứng cho nhu cầu sống của con người, nhưng quan trọng là làm sao để xây dựng các công trình mà không tác động đến môi trường.
Từ đó, để phát triển đúng trục định hướng xuyên suốt về kiến tạo môi trường sống, chúng tôi thành lập công ty giải pháp xây dựng New House.
Giải pháp nhà lắp ráp hạn chế tác động môi trường bằng việc sản xuất trước với thiết kế chính xác và ứng dụng các công nghệ vật liệu nhẹ với 4 hệ xây dựng tiêu chuẩn The LOG, The KARO, The SLAB và The DOME. Có những ưu điểm toàn diện nổi bật là lắp ráp được trên mọi địa hình, xây dựng được bất kỳ thiết kế nào của kiến trúc sư, mà giá thành chỉ bằng xây dựng truyền thống.
Chúng tôi là đơn vị duy nhất tới thời điểm này giải quyết triệt để các quan tâm của khách hàng về chi phí, thiết kế riêng biệt và đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng cho công trình lắp ráp. Tuy vậy, ở Việt Nam, vẫn còn tâm lý hoài nghi với phương pháp xây dựng này so với thói quen ăn chắc mặc bền của xây dựng truyền thống.
Ở góc độ chiến lược phát triển, chúng tôi đang tập trung thị trường các khu du lịch và công trình thương mại, vì các nhà đầu tư này với góc nhìn đầu tư là hiệu quả về chi phí tiết kiệm và thời gian rút ngắn thuyết phục hơn.
* Còn ở góc độ dân dụng - giữa một nhà lắp ráp và một nhà truyền thống, người sử dụng hoài nghi khả năng chống chọi thiên tai và độ bền của nhà lắp ráp… Liệu đó có phải là sai lầm rất cơ bản?
- Chúng ta đang nói đến cùng một tiêu chuẩn xây dựng. Ví dụ tiêu chuẩn nhà cấp 4, là những loại nhà có diện tích nhỏ, không quá 1 tầng, thời gian sử dụng không được vượt quá 30 năm. Trong khi đó, công trình cấp 1 được coi là công trình kiên cố phải thỏa mãn các tiêu chuẩn kiên cố và thời gian sử dụng của nó an toàn là trên 50 năm.
Giả sử chúng ta đang xây dựng công trình cấp 1, cấp 2 thì cho dù xây dựng truyền thống hay xây dựng lắp ráp cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng, chứ không thể quan điểm xây dựng lắp ráp là nhẹ nên tạm bợ, không bền vững. Vì đã là hoạt động xây dựng thì bằng phương thức nào thì đầu tiên phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn.
* Khuynh hướng kiến trúc cảnh quan môi trường sống và quan điểm xây nhà lắp ráp của anh có được phổ biến rộng rãi không?
- Có. Nhưng cản trở lớn nhất không phải là công nghệ mà là thái độ, văn hóa tiêu dùng. Điều đó quyết định liệu nhà lắp ráp có trở thành một hoạt động xây dựng phổ biến hay không.
Ở bên Mỹ suốt bao nhiêu năm nay họ xây nhà lắp ráp. Ví dụ, có sẵn 100 mẫu nhà, người Mỹ đặt một trong những mẫu đó. Nhà thầu chỉ có trách nhiệm chọn. Họ không phải sản xuất nữa mà sẽ "DIY", tức là tự chọn mua nguyên liệu, cắt gọt cho đúng để ráp lại và mang ra thi công. Chỉ khoảng 15 ngày sau sẽ xong nhà.
Tất nhiên đó là văn hóa tiêu dùng của người Mỹ, chỉ có những người rất giàu hoặc có nhu cầu làm riêng những sản phẩm thì họ mới thuê kiến trúc sư rồi xây nhà theo ý mình. Việt Nam đang làm giống như những người nhà giàu của Mỹ vậy.
Văn hóa tiêu dùng người Việt Nam khi xây nhà là phải hơn nhà hàng xóm, phải để đời. Nhiều người vẫn còn quan niệm nhà lắp ráp là nhà tạm.
Vì vậy, để giải quyết bài toán "phổ cập" nhà lắp ráp ở Việt Nam, tức là giúp tăng số lượng người sử dụng thì cần thay đổi thái độ tiêu dùng, song song đó là người ta thấy được lợi ích kinh tế thuyết phục thì mới làm theo. Tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm được tiền, tiết kiệm được quy trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo bền vững, thẩm mỹ, tiện ích…
Đó là lý do tại sao bây giờ chúng tôi tập trung vào resort, bởi vì nó giải quyết được bài toán "một cụm có chung một kiểu" nên giá tiết kiệm. Chưa kể, nhóm khách hàng này có khả năng lan tỏa đến người dân nhanh nhất. Người dân đến resort hưởng thụ thì họ thấy tại sao chúng ta không làm như resort này mà chúng ta cứ xây nhà cực quá, xây đến "bạc tóc". Lúc đó, người ta mới bắt đầu thay đổi quan điểm tiêu dùng.
TÂM GÌN GIỮ THIÊN NHIÊN
* Anh đề cập đến vấn đề yêu thiên nhiên cho tất cả các hoạt động, năng lực về xây dựng, đầu tư của mình. Thưa anh, từ bao giờ anh phát hiện ra tình yêu đó trong anh…
- Tình yêu thiên nhiên nằm trong tiềm thức của mình. Khi mình ngồi chiêm nghiệm lại cái gì mình yêu nhất ngoài gia đình, thì mình mới thấy là mình yêu thiên nhiên nhất, và mình chỉ thích hạnh phúc khi mình ở trong thiên nhiên. Nếu ở trong một cái gì đó không phải là thiên nhiên thì mình thấy không hạnh phúc, mình cảm thấy bực bội, khó chịu, nặng nề.
Sau này khi làm ngành cảnh quan chuyên nghiệp, mình làm nhiều nơi, nhiều dự án du lịch có vị trí và có phong cảnh rất đẹp. Khi đến đó, mình cảm nhận được vẻ đẹp nguyên thủy của nó, vẻ đẹp chưa bị tàn phá. Đó là một vẻ đẹp mê mẩn, làm cho mình cực kỳ hạnh phúc. Có chủ đầu tư nói mình tại sao khảo sát ăn dầm ở dề cả 2 - 3 tuần. Vì chỉ đơn giản là mình cảm nhận nét đẹp đó.
Khi xây dựng, mình phát hiện khi thực hiện một lát cắt vào thiên nhiên thì làm mình khó chịu, trăn trở và thấy bản thân rất nặng nề. Mình đặt câu hỏi: người ta đổ rất nhiều tiền để thay đổi thiên nhiên xong, rồi tốn một đống tiền nữa để khôi phục thiên nhiên. Nhưng làm sao khôi phục được thiên nhiên trọn vẹn như hồi xưa được. Vậy là chúng ta đang làm sai.
Nhất định phải có một phương thức nào đó để giải quyết bài toán đưa con người vào thiên nhiên mà vẫn giữ gìn được giá trị cốt lõi thiên nhiên tại vị trí danh lam thắng cảnh đó. Thế là có Nguyễn Mạnh Bình San bây giờ, có Natural Life, có New House…
NGUYỄN MẠNH BÌNH SAN
Chủ tịch HĐQT các công ty: TNHH MCA, CP LANDSCAPE ASSOCIATION, CP NATURAL LIFE HOLDING, CP NEWHOUSE SOLUTION.
LANDSCAPE ASSOCIATION: Là một tổ chức chuyên nghiệp trong ngành tư vấn quy hoạch, thiết kế và thi công cảnh quan các dự án đô thị - resort. Landscape Association tập trung chuyên sâu về đô thị sinh thái, hạ tầng xanh, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, với triết lý thiết kế Nature & Smart và với sứ mệnh: Khẳng định năng lực sáng tạo kiến trúc sư Việt Nam.
QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC
1994: Khởi nghiệp sớm khi là sinh viên năm 2 Trường đại học Kiến trúc TP.HCM.
1998 - 2000: Làm việc tại 3 công ty chuyên về vật liệu công nghệ xây dựng và nội thất: XYPEX, CT, A&B.
1999 - 2013: Thành viên sáng lập Công ty TNHH Mạnh Cường An.
2013 - nay: Tập trung chuyên môn vào ngành quy hoạch và thiết kế cảnh quan, tham gia thực hiện trên 100 dự án cảnh quan, trên 10 dự án quy hoạch với các vị trí cố vấn chiến lược phát triển dự án, giám đốc dự án, chủ trì đề tài.
DẤU ẤN NGUYỄN MẠNH BÌNH SAN
- Thành công tính toán cân bằng đào đắp trong xây dựng hạ tầng khu vực địa hình đồi, núi, tiết kiệm cho chủ đầu tư lên đến 30% chi phí như: Dự án Hòn Tằm Biển Nha Trang 2007, Laguna Huế - 2010 và ứng dụng công nghệ Geocell gia cố mặt mái kết hợp cảnh quan: công viên Sala - Đại Quang Minh 2014.
- Xây dựng thành công chiến lược quản trị nước tự nhiên, bảo vệ tài nguyên nước trong công trình cảnh quan tự nhiên và đô thị: Dự án Tokyu Bình Dương 2013, công viên Sala - Đại Quang Minh 2014, Trường đại học Việt - Đức 2015.
- Nghiên cứu phát triển và được cấp bằng sáng chế về kết cấu lá mỏng, hệ Foam Panel không gian, áp dụng thực tiễn cho sản xuất Foam Panel, nhà lắp ráp Newhouse.
- Nghiên cứu - phát triển dự trữ năng lượng tái tạo.
- Áp dụng các dự án không kết nối hạ tầng chính: Naturalife Nha Trang - Hydro Pumped Storage, Solar Engergy, dự án Bãi Cây Mến - Nam Du.
- Là thành viên đề xuất - nghiên cứu và phát triển 2 đề tài quan trong của Liên minh Kiến trúc cảnh quan (Landscape Association Alliance): Đề tài NATURE & SMART, đề tài GREEN INFRASTRUCTURE (Hạ tầng xanh).
- Đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp tự nhiên - du lịch nông nghiệp - du lịch văn hóa như: Vườn nông trại FAMILY GARDEN, Làng văn hóa thế giới KN PARADISE, Làng văn hóa nông nghiệp NATURALIFE Nha Trang, SILK Ninh Bình.
DỰ ÁN NỔI BẬT
Với 20 năm kinh nghiệm trong ngành tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan, Landscape Association thực hiện trên 200 dự án cảnh quan và quy hoạch: Khu đô thị Sala - Đại Quang Minh; Khu đô thị Tokyu Bình Duơng; Khu đô thị Water Point - Nam Long; Khu đô thị Eco Lakes - Mỹ Phước; Khu đô thị Celadon City; Khu đô thị Cù Lao Tân Vạn; Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm; Resort Laguna Huế; Resort Hamlton Hồ Tràm; Resort Novaworld Hồ Tràm; Resort Lagoona Bình Châu; Resort Pullman Đà Nẵng; Villa - Resort Furama Đà Nẵng; Tòa nhà trung tâm thương mại Đà Lạt; Tòa nhà Bảo Lộc Landmark…
Bình luận (0)