Căn phòng nhỏ đâu như chỉ tầm 5-7m2, thậm chí không đủ cho chủ nhân của nó có được một chỗ "ra tấm, ra món" để bày những chiếc cúp và những tấm huy chương. "Đây chính là căn phòng mà hồi bé tôi từng ở, từng tập những điệu múa và điệu nhảy đầu tiên, có hôm tới tận 3 giờ sáng, và giờ thì tôi lại về đây, khác chăng là lần này mang theo cậu con trai nhỏ…" – Nhà vô địch vừa nói vừa lôi những chiếc cúp từ trong tủ ra để phủi bụi, cùng tấm HCV SEA Games thậm chí còn để nguyên trong hộp. "Nếu không dốc tiền tập huấn và thi đấu trong suốt gần 20 năm qua, thì tôi đã có thể mua được nhà lâu rồi…" – Nữ kiện tướng nói, giọng có chút ngậm ngùi nhưng tuyệt nhiên không ân hận.
Nghe nói, khi tìm bạn nhảy mới cho chồng để kịp chuẩn bị cho SEA Games 31, HLV Khánh Thi đã phải năm lần bảy lượt thuyết phục chị?
Thì cũng chỉ là do chưa có duyên thôi: cả 2 lần trước đó chị Thi mời thì tôi đều đang vướng bạn nhảy của mình và lần thứ 3 vào năm 2019 thì tôi lại vừa sinh em bé và cũng chưa có ý định quay lại tập luyện. Mãi tới tháng 10 năm đó, khi em bé được 13 tháng tuổi, thì tôi mới có thể nhận lời để kịp chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia. Vì phải chiến thắng ở giải đó thì chúng tôi mới được dự thi SEA Games. Và kết quả là chúng tôi đã trở thành nhà vô địch, dù thời gian tập luyện đáng ra mới chỉ đủ để "bắt bài".
Trước đó, chồng chị cũng chính là bạn nhảy của chị? Đó có phải là một phần lý do không?
(Giờ thì là… "cựu chồng" rồi!). Đúng là lúc ấy, bạn ấy đã không được thoải mái cho lắm với việc tôi sẽ nhảy với bạn nhảy mới, vì cũng đang mong muốn được đi thi đấu và sợ khó tìm được bạn nhảy hợp cạ. Chưa kể, còn là cái nghề rất dễ nảy sinh tình cảm khi tập luyện với nhau…
Mất bao lâu thì chị thuyết phục được chồng?
Thường tôi làm gì không hay nghĩ quá lâu, vì tính tôi vốn dĩ rất quyết đoán. Nhưng riêng lần đó, tôi đã dành tới 3 tháng để chờ đợi và cân nhắc. Suốt 3 tháng ấy, ngày nào tôi cũng năn nỉ chồng, mềm có, cứng có, đủ kiểu…, nhưng không xoay chuyển nổi. Một "tối hậu thư" gần như được bạn ấy đưa ra: Hoặc bạn nhảy mới, hoặc… chia tay. Buộc lòng tôi phải đưa ra quyết định của mình, khi giải đấu chỉ còn đúng 1 tháng để chuẩn bị.
Vì sao chị phải nhất định thay bạn nhảy, kể cả khi đó là chồng mình?
Trước đó, trong các giải đấu, cặp nhảy của tôi luôn phải xếp sau cặp nhảy của Hiển, Hiển luôn là số 1, và tôi luôn là số 2, 3… Và tôi luôn tự hỏi, vì sao mình luôn không thể thắng bạn ấy. Thì câu trả lời là, trong dancesport, vai trò của người nam rất quan trọng, thậm chí chiếm tới 60%. Thực tế thi đấu cũng như khi tập luyện, HLV cũng luôn nói rằng: Nếu nữ tập 1, thì nam phải tập gấp 2 vì còn phải dẫn bạn nữ… Tập luyện cùng nhau 3 năm, thành tích của tôi và chồng không phải là không cao, nhưng nó vẫn chỉ quẩn quanh trong top 3 chứ không thể bứt lên vị trí đầu. Tôi đã đứng dầm chân trong top 3 ấy quá lâu. Điều đó có nghĩa, tôi rất khó có được cơ hội thi đấu tại SEA Games và chạm được tay vào tấm huy chương mà tôi mơ ước.
Chồng tôi kém tôi 3 tuổi, tuổi nghề thi đấu dancesport với VĐV nam là trong khoảng 37-40, có nghĩa bạn ấy vẫn còn 6-7 năm để tập luyện; trong khi tuổi nghề thi đấu của VĐV nữ là dưới 35, có nghĩa, ở thời điểm đó, tôi chỉ còn 2 năm cuối cùng để hy vọng.
Ước mơ mãnh liệt tới nỗi không thể… "nhịn cho lành"?
Nếu đây là một giải đấu bình thường, tôi sẽ sẵn sàng từ bỏ. Bằng chứng là hai lần trước đó, tôi đều dễ dàng từ chối lời mời của chị Khánh Thi. Nhưng đây là tấm vé đưa tôi tới SEA Games – cơ hội cuối cùng trước khi tôi hết tuổi thi đấu. Tôi thật sự đã phải chờ đợi nó quá lâu. Trong suốt 18 năm đó, đã không biết bao nhiêu là mồ hôi, tiền của, là hàng bao nhiêu giờ dạy của tôi, suốt từ 2005, ròng rã tuần 6 buổi; phải chắt bóp chi tiêu đủ thứ để có tiền đi học, đi thi đấu… Mỗi cuộc tập huấn ở nước ngoài tiêu tốn chừng vài trăm triệu, tiền tỷ thực sự đã vứt qua cửa sổ…
18 năm đó, nó là TOÀN BỘ THANH XUÂN của tôi!
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, vợ chồng Phan Hiển - Khánh Thi đã phải chi tới hơn 3 tỷ cho các cuộc tập huấn để thuê những HLV tên tuổi kèm cặp, tại những địa chỉ uy tín. 3 tỷ ấy với tôi, nó là cả cuộc đời vì bố mẹ tôi rất nghèo, có thương con mấy cũng không cách gì giúp con được. Nhảy với Hiển, có nghĩa tôi sẽ có cơ hội được tập huấn nhiều hơn, được học thầy giỏi hơn, tại những lò luyện thi "số má" hơn, thì mới mau chóng bứt lên được. Cái môn này nó là thế, muốn giỏi phải… có tiền, và nhiều tiền là khác, vì nó thực sự là cái máy ngốn tiền; còn như trong điều kiện của tôi và chồng tôi lúc đó, sau 18 năm vắt kiệt, phải nói, khó vô cùng…
Là người quyết liệt, tôi cũng đọc được cái quyết tâm ngùn ngụt ấy ở một HLV dạn dày kinh nghiệm như Khánh Thi, khi chị khẳng định như đinh đóng cột: mục tiêu 3 HCV SEA Games là điều hoàn toàn nằm trong tầm với của tôi và Phan Hiển. Nhìn vào thế chân kiềng đó, tôi cảm thấy rất tự tin và càng thêm phần quyết liệt.
Dù biết trước, rất có thể sẽ phải đánh đổi cả tổ ấm?
Khao khát được đứng trên bục vinh quang trong tôi là rất lớn. Không giây phút nào tôi không nghĩ tới nó. Tôi thường nằm mơ được lên bục nhận HCV SEA Games và đúng là 3 tấm huy chương luôn. Tôi luôn nghĩ đời này mình chỉ được sống một lần thôi, phải sống với những gì mình mơ ước và khao khát, đó là cống hiến cho dancesport Việt. Rằng, nếu như tôi không quyết liệt đến cùng thì chắc chắn sau này tôi sẽ phải ân hận vì tôi biết khả năng của mình lớn hơn thế, tôi tin tôi có thể làm tốt hơn thế một khi có cơ hội…
Nhưng tôi không nghĩ đây là sự đánh đổi. Trong kỳ vọng trước đó của tôi về hôn nhân, thực tế quả thật đã khác xa so với tưởng tượng. Nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận mọi gánh vác lo toan vì dù sao đó cũng là lựa chọn của mình, vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của mình. Nên là, cho tận tới lúc đó, tôi vẫn không làm gì sai với tư cách người vợ, người mẹ cả, vẫn chu toàn hết sức với chồng con, chỉ duy nhất lần này vì đây là sự nghiệp của tôi, là khát vọng cháy bỏng của tôi. Và tôi cũng chỉ định xin chồng cho tôi được thi đấu cùng bạn nhảy mới cho tới khi SEA Games kết thúc mà thôi. Chỉ duy nhất lần này mà thôi, vì đây là cơ hội lớn nhất và cuối cùng trong sự nghiệp của tôi, sao người ta lại không thể hy sinh cho mình được nhỉ?...
18 năm chắt bóp tằn tiện, thậm chí phải hy sinh cả tổ ấm, để đổi lại 3 tấm huy chương mang về… cất tủ, liệu có đáng?
Đáng hay không, nó còn nằm ở chỗ sự đánh đổi ấy nó to đến cỡ nào. Tôi sẽ chỉ tiếc, nếu cái mất đó thực sự là một vòng tay ấm áp và bệ đỡ bình yên. Cái cột mốc SEA Games ấy, thật ra nó chỉ là một giọt nước tràn ly mà thôi, vì trước đó cũng đã có những bất đồng, rạn nứt. Thật ra, lúc bạn ấy đưa đơn ly hôn, tôi đã cố "câu giờ" không ký vì vẫn hy vọng mong manh là sau SEA Games, biết đâu bạn ấy có thể nghĩ lại, và tôi sẽ hỏi: Liệu còn có thể cho nhau một cơ hội được không, vì như bạn cũng thấy đấy, mọi thứ đã diễn ra đúng như dự định, không hề xảy ra việc gì như bạn ấy đã nghi ngại, và tôi sẽ giữ lời hứa của mình: Chỉ cần hết SEA Games… Nhưng tiếc là chỉ 3 tháng sau khi tôi tập với Phan Hiển, thì bạn ấy cũng đã có ngay bạn nhảy mới, rất trẻ; họ thậm chí còn ở cạnh nhau để xem trận chung kết đó và rời đi khi tôi bước lên bục nhận giải… Có nghĩa, tới đó, chữ duyên coi như đã hết…
Nếu có tiếc chăng, là tôi chỉ tiếc đã không giữ được cho con một mái nhà có đủ bố đủ mẹ. Còn thì, đời tôi, tôi sẽ không sống chỉ vì một thứ. Quan điểm của tôi là không có đàn ông cũng không chết, nhưng chắc chắn tôi sẽ sống không bằng chết, nếu như không theo đuổi được đến cùng giấc mơ đẹp nhất của mình.
Vì sao nước mắt chị chỉ rơi khi ôm con mình, mà không phải là lúc đứng trên bục nhận tấm huy chương bấy lâu mơ ước?
Khi nhìn thấy bạn nhảy của mình khóc như mưa trong giây phút vinh quang, tôi thậm chí còn tự hỏi: Ơ, sao lại khóc nhỉ, sao mình không thấy gì nhỉ, mình chỉ thấy xứng đáng thôi, và rõ ràng là thắng thuyết phục mà?
Nhưng tới khi bước xuống ôm con thì tôi quả thực đã không kìm được. Trước đó, tôi đã gần như cách ly con, vì không muốn bị sao nhãng tinh thần trước hôm thi đấu. Tại, không hiểu sao, cứ ôm con là tôi lại thấy lòng mình chùng lại, chỉ muốn vứt hết tất cả để được ôm con nhiều hơn. Nên tôi mới nhất định phải xa con thì mới có thể tập trung thi đấu tốt nhất được.
Giọt nước mắt ấy có lẽ thiên về tự hào, và hãnh diện thay cho con mình vì con đã có được một người mẹ mạnh mẽ đến như vậy, đã làm được một điều mà không phải ai cũng làm được, mà nói như chị Khánh Thi là "em đã bước vào cuộc chơi này với một tinh thần thép". Tôi mong và tin là sau này con cũng có thể học được từ mẹ điều ấy để trở thành một người đàn ông đủ mạnh mẽ bao dung và che chở được cho người phụ nữ của mình. Như hôm kia, con nhảy phăm phăm từ giường xuống, và vênh mặt lên hỏi mẹ: "Con có dũng cảm không mẹ?". "Có, con có dũng cảm. Thế con dũng cảm giống ai?". "Con dũng cảm giống mẹ Hương!".
Bình luận (0)