Anh Reh (bìa phải) nói về tập tục làng mình - Ảnh: Lê Xuân Thọ |
“Ở dơ” để bày tỏ nhớ thương
Mỗi dân tộc đều có những cách khác nhau để bày tỏ nỗi đau, tiếc thương người đã từng một thời đầu ấp tay gối với mình. Với tục kiêng tắm của người Jarai, có lẽ là một cách khó “đụng hàng” với các dân tộc khác trong việc bày tỏ nỗi đau mất vợ hoặc chồng. Anh K’pah Reh (ở làng Chuết), một người khá am hiểu các tập tục của dân tộc Jarai mình, cho biết: Tục kiêng tắm trong tiếng Jarai là Hoăm nơi, chỉ áp dụng cho những người vợ (chồng) nếu chẳng may người kia “khuất núi”.
|
Anh Reh bảo người Jarai không sợ chết, vì khi chết sẽ được về với Yàng, đây là điều ai cũng muốn. Chỉ có điều, người làng chỉ sợ chết “xấu” mà thôi. Chết “xấu” nghĩa là không phải chết bình thường theo quy luật sinh - lão - bệnh - tử mà đó là những cái chết “bất đắc kỳ tử” như tai nạn, đột tử… Cũng vì sợ chết “xấu” mà người Jarai có sự phân biệt trong quá trình chôn cất người chết “xấu” và chết “đẹp”. Nhưng dù người bạn đời chết “xấu” hay chết “đẹp” cũng đều phải kiêng tắm.
“Tục kiêng tắm có từ khi nào? Tại sao phải kiêng tắm?”. “À, kiêng tắm có từ lâu lắm rồi, khi mình lớn lên đã thấy cha mẹ làm vậy nên cũng làm theo. Kiêng tắm là hành động thể hiện thương nhớ người đã chết, vì quá nhiều tình cảm với vợ (chồng) nên không tắm nhằm ý không muốn gột rửa những kỷ niệm, những lúc bên nhau của hai vợ chồng”. Ngoài ra, còn có một “ý nghĩa ngầm” của tục kiêng tắm là vì, khi không tắm thì người đó nhất định sẽ hôi hám, không ai muốn đến gần. Do đó gia đình người chết sẽ yên tâm vì không sợ con dâu (rể) “tranh thủ”… đi bước nữa.
Ngoài không được tắm, họ còn không được chải tóc, cắt móng tay, không được ăn đồ ăn ngon. Trong quá trình kiêng tắm, “đối tượng” sẽ bị người nhà của người chết quan sát và theo dõi rất kỹ. Khi hết thời gian “thi hành án”, người này sẽ được người bên gia đình người chết tắm rửa hay cắt móng tay, móng chân. Sau đó người này phải mổ trâu, bò, heo gà (tùy điều kiện) để mọi người ăn uống no say và chính thức được tự do lập gia đình mới.
Về cái chuyện “đi bước nữa”, già Ak (65 tuổi, ở làng Chuết), cho biết người Jarai có quy định hẳn hoi, tức sau khi làm lễ bỏ mả thì người còn sống được phép cưới chồng (vợ) mới. Tuy nhiên, lễ bỏ mả lại không bắt buộc bao nhiêu năm mới được tiến hành mà tùy vào điều kiện.
“Không tốt, nên thay đổi rồi”
Già Ak nói với tôi như vậy sau khi nghe hỏi ngày nay tập tục này có gì thay đổi không. Rồi già bảo, ngày nay, người làng nhận ra rằng, nếu lâu ngày mà không tắm như thế thì sẽ không tốt, dễ bị bệnh tật nên thời hạn chỉ còn lại… một tháng. Ngoài ra, những quy định xung quanh tục kiêng tắm cũng có nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ hơn như được ăn uống bình thường, có thể được vệ sinh “sơ sơ” cơ thể cho đỡ bẩn…
Chẳng hạn như trước kia, nếu người nào trong thời gian kiêng tắm mà dám nói chuyện với người khác giới, và bị người nhà của người quá cố phát hiện thì sẽ gánh lấy hậu quả nặng nề. Ngoài phải “sạt nghiệp” vì mua trâu, heo, bò, gà, rượu để nộp phạt cho dân làng ăn, họ còn bị đánh đập thậm tệ bởi gia đình phát hiện ra cái tội “léng phéng” của mình. “Trong quá khứ, đã có không ít người bị đánh đến nỗi mang thương tích nặng nề, thậm chí là bỏ mạng nữa. Đau đớn nhất là sau khi bị đánh, họ sẽ bị dân làng ruồng bỏ, xa lánh, không thèm đếm xỉa đến”, già Ak cho hay.
Tôi có ý định nhờ già dẫn đi gặp những người bị đánh vì vi phạm tục kiêng tắm để tìm hiểu thêm, già bảo, chuyện đó qua lâu rồi, lại không tốt đẹp gì nên “chú thông cảm cho”. Rồi già bảo, cái chuyện đánh đập bữa nay hầu như không còn nữa vì dân làng đã nghĩ thoáng hơn. Vả lại, chỉ là một tháng “ở dơ” nên họ hoàn toàn chịu đựng được và chấp hành tốt luật tục.
Lê Xuân Thọ
Bình luận (0)