Kiệt tác 'Cặp song sinh kỳ ảo' trở lại với độc giả Việt Nam

27/11/2024 17:15 GMT+7

Từng ra mắt nhiều thập niên trước dưới dạng 3 cuốn riêng rẽ, mới đây, cuốn sách được đánh giá là kiệt tác của nhà văn Hungary Ágota Kristóf một lần nữa trở lại với độc giả Việt Nam dưới tên gọi chung 'Cặp song sinh kỳ ảo'.

Ra mắt vào các năm 1986, 1988, 1991 và được viết bằng tiếng Pháp, nhiều thập kỷ qua, Cặp song sinh kỳ ảo vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Hungary hiện đại trong cả nội dung và nghệ thuật viết.

Cuốn sách gồm có 3 phần: Quyển sổ lớn, Chứng cứLời nói dối thứ ba. Trong đó, phần đầu xoay quanh 2 anh em sinh đôi (không rõ tên tuổi) được mẹ gửi về vùng quê, nơi có bà ngoại đang sống ở biên giới một quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Kiệt tác 'Cặp song sinh kỳ ảo' trở lại với độc giả Việt Nam- Ảnh 1.

Tiểu thuyết Cặp song sinh kỳ ảo do Book Hunter và NXB Văn học ấn hành, Hiếu Tân dịch

ẢNH: T.D

Tại đây, dưới sự cay nghiệt và bỏ mặt của bà, 2 anh em đã cùng sinh sống và giúp đỡ nhau tồn tại. Chúng đã học cách giả làm người mù, người điếc, học cách trở thành một người ăn xin hay không phản ứng trước những cơn đau... để rồi sau này áp dụng vào những thách thức mà mình gặp phải trên hành trình.

Ở nhà bà ngoại, chúng cũng được gặp một viên sĩ quan nước ngoài, cô phục vụ nhà thờ, vị linh mục và nhiều người khác. Có thể nói, hệ thống nhân vật của Ágota Kristóf trong phần đầu này vô cùng phức tạp. Họ không có những cá tính được xác lập một cách rõ ràng. Họ chính là những ngôi kể không đáng tin cậy, trong khi thiện - ác nơi họ không hề phân tách mà là một công tắc có thể bật mở bất cứ lúc nào.

Đòi hỏi độc giả luôn trong tâm thế tự mình khám phá

Lần theo diễn biến câu chuyện, nữ tác giả dần cho ta thấy những điều không tưởng qua việc hé lộ các góc khuất nhân vật. Với giọng văn sắc lạnh, trung dung và không bày tỏ cảm xúc, nữ tác giả đã không ngại ngần thách thức những motif cổ điển của văn chương, khi trẻ em luôn hồn nhiên hay một linh mục thanh sạch như nước đầu nguồn. Càng tiến sâu vào câu chuyện, bạo lực khi ấy cũng dần lên ngôi, và bằng một cách tái hiện độc đáo, thế giới đầy biến động ấy cũng đã hiện lên một cách khác biệt.

Có thể cũng vì điều này mà không ít nhà phê bình đã so sánh nó với truyện cổ Grimm, khi motif 2 anh em bị bỏ mặc gợi nhắc nhiều đến truyện Hansel và Gretel. Và cũng với cách viết tiết chế, ẩn giấu những sự dữ dội đằng sau một thể loại dành cho thiếu nhi, nữ tác giả Hungary cũng đã đào sẵn "cái bẫy" chờ độc giả đến khám phá.

Tuy không nêu rõ vùng đất ấy ở đâu, thời gian ấy là lúc nào, nhưng qua những chi tiết ít ỏi mà tác giả hiển lộ, ta có thể đoán đó là Thế chiến thứ hai cùng những người Do Thái phải chịu đọa đày.

Kiệt tác 'Cặp song sinh kỳ ảo' trở lại với độc giả Việt Nam- Ảnh 2.

Văn chương của Ágota Kristóf không có sự dư thừa nào, mà ngược lại, đòi hỏi độc giả luôn trong tâm thế phải giải mã nó

ẢNH: THE NEW YORK TIMES

Ágota Kristóf cho thấy bản thân là một tác giả kiểm soát mạch truyện vô cùng chắc chắn. Bà chỉ hé lộ những gì cần kíp và là manh mối duy nhất để độc giả có thể tìm ra.

Cuốn đầu tiên mang tên Quyển vở lớn trong bộ 3 này cũng có cách viết vô cùng đặc biệt, khi gồm 63 đoạn văn nhỏ được cấu thành. Điều này có thể giải thích là bởi tác giả đang viết bằng tiếng Pháp - ngôn ngữ lưu vong mà bà phải chịu bởi những biến động thời thế, nhưng ngay cả khi ấy, nó cũng họa lên những mảnh rời rạc đúng với tâm thế mà bộ tiểu thuyết từ đó được phát triển lên.

2 cuốn sau gồm Chứng cứLời nói dối thứ ba lại được viết bằng thứ văn xuôi uyển chuyển, cho thấy được sự quen thuộc hơn của nữ tác giả với ngôn ngữ mới mà mình sử dụng. Tuy vậy, bí ẩn vẫn luôn còn đó, bất khả xác định đâu là lời đáp.

Ở 2 phần này, nhân diện của 2 anh em lần đầu xuất hiện, họ là Claus và Lucas, mỗi người đều có một cuộc sống riêng. Trong khi cậu em Claus ở lại thị trấn để điều hành một nhà sách nhỏ, Lucas băng qua biên giới, thay đổi chính mình.

Nhưng không dừng ở đó, càng đi sâu thì sự hoài nghi liệu họ có phải là hai anh em song sinh hay chỉ là một và một cái bóng đang tự đối thoại cũng dần thổi phồng. Cho đến sau cuối, Ágota Kristóf không cho ta một cái kết cụ thể nào cả, từ đó mời gọi độc giả tự mình giải quyết. Nhưng trọng tâm lớn nhất về sự cô độc, cái bạo lực và sự cực đoan đã được truyền tải một cách rõ ràng và đầy đặc biệt.

Qua Cặp song sinh kỳ ảo, có thể nói Ágota Kristóf đã tạo nên một câu chuyện vô cùng ám ảnh của một thời đoạn biến động được viết trong chất văn độc đáo và không trộn lẫn. Đúng như tính từ của nhan đề, đây là cuốn sách lướt băng qua những đường biên giữa hiện thực và huyền ảo, giữa bình thường và dị thường, giữa có thể chịu đựng và bất khả vãn hồi.

Ágota Kristóf (1935 – 2011) là nhà văn Hungary sống ở Thụy Sĩ và viết bằng tiếng Pháp. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Prix Europe do Hiệp hội các tác giả nói tiếng Pháp trao tặng, Giải thưởng Gottfried Keller năm 2001 tại Thụy Sĩ và Giải thưởng Nhà nước Áo cho Văn học châu Âu năm 2008.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.