Kiệt tác hội họa 'Tiếng thét' sắp hỏng vì khách tham quan phả... hơi thở

24/05/2020 08:19 GMT+7

Phiên bản hội họa The Scream ( Tiếng thét ) của danh họa Edvard Munch vẽ năm 1910 đối diện với nguy cơ bị hỏng do hơi thở của khách tham quan.

Vẽ nên nỗi bất an, tuyệt vọng của con người thời hiện đại, không thể không kể đến loạt 4 phiên bản của kiệt tác Tiếng thét được vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1893 đến năm 1910 của cố danh họa Edvard Munch. Thế nhưng mới đây, chính tác giả quá cố cũng muốn "khóc thét" khi tác phẩm ông vẽ năm 1910, hiện thuộc bộ sưu tập và đang được trưng bày tại bảo tàng Munch thuộc Oslo (Na Uy) đang đối diện với tình trạng hư hỏng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu hội họa đến từ Bỉ, Ý, Mỹ và Brazil đã bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân khiến phần màu sắc trong tranh không còn tươi sáng như trước, theo The Guardian. Theo đó, những đường nét màu vàng trong tranh, thể hiện ánh hoàng hôn và màu cổ nhân vật nay chuyển sang màu trắng đục. Các nhà nghiên cứu này tin rằng, cường độ ánh sáng tại bảo tàng làm cho màu sắc trong tranh có sự thay đổi nhưng khi họ điều chỉnh ánh sáng, mọi thứ không như họ suy đoán. 

Bức tranh Tiếng thét vẽ năm 1910 của danh họa quá cố Edvard Munch

Ảnh: The Guardian

Mới đây, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Science Advances "gây sốc" cho công chúng khi công bố nguyên nhân thực sự khiến cho bức Tiếng thét năm 1910 bị hư hỏng. Đó là trong quá trình sáng tạo bức tranh để đời này, danh họa sinh năm 1863 đã sử dụng màu sơn cadmium vàng không đảm bảo chất lượng khiến cho màu sắc bị phai và bên cạnh đó, hơi thở của những khách chiêm ngưỡng khiến cho tốc độ bong tróc màu sơn càng diễn ra nhanh hơn.

Bức tranh có số phận hẩm hiu

Trả lời phỏng vấn của báo The Guardian, giáo sư Koen Janssens đến từ trường Đại học Antwerp (Bỉ) cho biết: "Khi mọi người thở, họ tạo ra hơi ẩm tác động không tốt đến bức tranh, do đó không ổn khi để khách tham quan đến quá gần tác phẩm này". Đồng thời ông cũng lý giải thêm về việc Edvard Munch vô tình sử dụng nhầm màu sơn “dỏm” không phải đến từ chủ đích của họa sĩ mà do họa xui rủi chọn nhầm màu chất lượng không tốt trong thời buổi sản xuất màu sơn tràn lan năm 1910. 
Không chỉ có số phận hẩm hiu so với các phiên bản Tiếng thét khác của danh họa tài hoa, phiên bản năm 1910, cùng với kiệt tác khác của Edvard Munch là Madonna, từng bị đánh cắp vào năm 2004. Được lấy lại vào năm 2006, thế nhưng Tiếng thét bản năm 1910 còn gặp "tai nạn" khác sau khi trả về đó là một vết màu nâu nằm ở góc trái, phía dưới của bức tranh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.