Kiều bào kiến nghị gỡ vướng về quốc tịch, đầu tư

08/01/2023 06:45 GMT+7

Ngày 7.1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức gặp gỡ 50 đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

“Rất hãnh diện khi sử dụng hộ chiếu Việt Nam”

Tại sự kiện, ông Trần Bá Phúc, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, khẳng định cộng đồng hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời khỏi dân tộc Việt Nam. Cá nhân ông Phúc vừa có quốc tịch Úc, vừa có quốc tịch Việt Nam và ông rất hãnh diện khi sử dụng hộ chiếu Việt Nam trong các giao dịch tại Úc. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ có khoảng 10.000 kiều bào được cấp hộ chiếu Việt Nam và con số này là quá ít.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2023

SỸ ĐÔNG

Trong khi đó, thực tế có người nộp hồ sơ xin lại hộ chiếu Việt Nam phải chờ một vài năm, và khi thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời là “để xác minh lại quý vị có từ bỏ quốc tịch Việt Nam không”. Qua đó, ông Phúc kiến nghị cần có quy định thông thoáng hơn trong việc nhập quốc tịch, cấp hộ chiếu cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: “Đi đâu tôi cũng đưa hộ chiếu Việt Nam hết”

TS Nguyễn Trí Dũng, kiều bào Nhật Bản, kể rằng ông có 2 người con gái sinh tại Nhật Bản, đã đăng ký công dân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật, được cấp hộ chiếu từ nhỏ và đã về Việt Nam sinh sống. “Tuy nhiên, khi về nước, tôi đi xin giấy xác nhận 2 đứa tên thế này, mang hộ chiếu Việt Nam này, là con của tôi, nhưng không đơn vị nào xác nhận”, ông Dũng nói và đề nghị TP.HCM nên kiến nghị T.Ư giao thẩm quyền giải quyết một số vấn đề cụ thể liên quan đến kiều bào cũng như quan tâm nhiều hơn vấn đề quốc tịch cho kiều bào.

Cần chính sách cởi mở hơn về kiều hối

Tại buổi gặp gỡ, nhiều kiều bào đã hiến kế các giải pháp chống ngập, chống kẹt xe, chuyển đổi số, phát triển thương hiệu các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế… Đơn cử, ông Lâm Việt Tùng, chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin tại Hà Lan, cho rằng Việt Nam cần phải có kiến trúc sư trưởng cho hoạt động chuyển đổi số, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu chung, tránh tình trạng thông tin, dữ liệu phân tán ở mỗi bộ ngành.

Trong khi đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), nhấn mạnh vai trò của kiều hối đối với sự phát triển của đất nước (lượng kiều hối gửi về Việt Nam trung bình hơn 10 tỉ USD/năm, trong đó gửi về TP.HCM chiếm hơn 50% - PV). Đây là nguồn tiền mà bà con xa quê hương chắt chiu để gửi về thân nhân làm ăn, qua đó đóng góp cho ngân sách và sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, phía ngân hàng còn “hạch hỏi nhiều quá” về nguồn tiền. Vì vậy, theo ông, Việt Nam cần có chính sách cởi mở hơn về việc chuyển kiều hối về nước.

Tri ân đóng góp của kiều bào

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết năm 2022 là năm TP.HCM và cả nước hồi sinh sau đại dịch Covid-19. Đến nay tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM có nhiều điểm sáng như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,03% so với cùng kỳ, thu ngân sách ước đạt 472.000 tỉ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ông Hiếu nhấn mạnh và khẳng định lãnh đạo TP.HCM luôn dành tình cảm trân quý, tri ân sự đóng góp của kiều bào.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM kêu gọi kiều bào tiếp tục quan tâm, chia sẻ trách nhiệm, thẳng thắn để xây dựng TP.HCM, nhất là những nội dung trọng tâm về định hướng phát triển ngành nghề, xây dựng thể chế kinh tế, thể chế hành chính, cơ chế chính sách tạo động lực, đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực

Vấn đề vướng mắc trong đầu tư đối với kiều bào 2 quốc tịch cũng được doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn đề cập. Ông nói kể từ khi luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi năm 2014, ông và gia đình là một trong những công dân đầu tiên được cấp quốc tịch Việt Nam và song song quốc tịch Mỹ. Chiếu theo quy định của luật Đầu tư năm 2020, người có 2 quốc tịch được làm bất cứ ngành nghề nào ở Việt Nam mà không bị cấm. Tuy nhiên, từ thực tế phát sinh, ông mong TP.HCM kiến nghị T.Ư và các bộ ngành làm rõ ngành nghề nào Việt kiều 2 quốc tịch không được đầu tư làm cơ sở cho nhà đầu tư xây dựng kế hoạch.

Ghi nhận ý kiến của kiều bào, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc về pháp lý, quốc tịch, đầu tư… của kiều bào để có hướng giải quyết hoặc báo cáo, kiến nghị T.Ư các giải pháp tháo gỡ. Ông Hoan cho hay TP.HCM phấn đấu là trung tâm tài chính quốc tế. Hiện TP.HCM đã có nhiều điểm sáng về đô thị, song nhiều vấn đề về xã hội, nhất là các hoạt động văn hóa - giải trí nhằm phục vụ hơn 10 triệu dân vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Vì vậy, thời gian tới, TP.HCM cần một nguồn lực đầu tư rất lớn của tư nhân. Ông Hoan tin tưởng và kỳ vọng kiều bào tiếp tục quan tâm và TP.HCM luôn sẵn sàng tạo điều kiện khi kiều bào đến đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.