Sụt giảm mạnh
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM những năm qua chiếm từ 30% tổng giá trị kiều hối cả nước, có năm tỷ lệ này lên trên 50%. Nhưng năm nay, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng toàn cầu nên lượng kiều hối chuyển về hỗ trợ người thân, đầu tư, sản xuất kinh doanh… giảm mạnh. Anh Tuấn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết có chị gái sống ở Mỹ cứ vài tháng hỗ trợ sinh hoạt phí cho gia đình ở VN 1.000 USD. Từ hơn 1 tháng nay, dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, công việc làm nail (làm móng) cũng phải dừng lại vì giãn cách xã hội khiến thu nhập của chị gái anh giảm sút nghiêm trọng nên việc gửi tiền cũng đã dừng lại. “Nghe nói mỗi tiệm nail được hỗ trợ một số tiền nhưng cũng chỉ đủ chi tiêu trong lúc không có doanh thu. Bên này gia đình chỉ mong chị tôi mạnh khỏe chứ không cần gửi tiền về nữa”, anh Tuấn nói.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối tháng 3 giảm khoảng 8% do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên tính cả quý 1, lượng kiều hối vẫn tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1,2 tỉ USD do lượng tiền chuyển về dịp Tết Nguyên đán tăng.
Đại diện Công ty kiều hối Sacombank cho hay lượng kiều hối tháng 3 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường kiều hối truyền thống (gửi hỗ trợ người thân), lao động xuất khẩu đều giảm. Những nước nào chống dịch Covid-19 tốt, lượng kiều hối đỡ bị ảnh hưởng hơn. Chẳng hạn kiều hối từ Đài Loan ảnh hưởng giảm không nhiều bằng các nước như Mỹ, Canada… “Các nước thực hiện giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 nên những hoạt động sản xuất kinh doanh đều đóng cửa, người lao động phải lo kinh phí sinh hoạt. Hy vọng tháng 5, việc kiểm soát dịch tốt hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại như trước, lúc này kiều hối sẽ hồi phục, đặc biệt lượng kiều hối từ khu vực lao động xuất khẩu”, vị này nói. Theo thống kê từ một số công ty kiều hối, giảm mạnh nhất là thị trường châu Âu, kế đến là Mỹ, Canada, Úc và các thị trường xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Sẽ phục hồi vào năm 2021
TP.HCM những năm qua thu hút hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, khu công nghệ cao, các bệnh viện; khoảng 3.000 công ty có vốn đầu tư của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đồng. Đặc biệt, mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại TP.HCM. Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2019 lên 5,3 tỉ USD và là một trong những nguồn cung ngoại tệ quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội thành phố trong những năm qua. Đây cũng là một trong những nguồn ngoại tệ góp phần làm ổn định thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối thời gian qua. Thế nhưng với mức sụt giảm lượng kiều hối trong tháng 3 và tháng 4, khả năng dòng ngoại tệ này sẽ còn tiếp tục giảm mạnh do dịch bệnh tại các thị trường kiều hối, lao động chính vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh vẫn khó khăn.
Dự báo năm 2021, lượng kiều hối vào khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ phục hồi và tăng 7,5%. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng triển vọng này chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của dịch Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo báo cáo Di cư và kiều hối do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, năm 2019, Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về nhận kiều hối và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về nhận kiều hối, với mức tăng trung bình từ 10 - 15% mỗi năm. Trong năm 2019, lượng kiều hối gửi về Việt Nam lên tới 17 tỉ USD, chiếm 6,5% GDP.
Dự báo lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 sẽ giảm mạnh khoảng 20% do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và nhiều hoạt động bị đình trệ.
|
Bình luận (0)