Kiều hối tăng kỷ lục

19/04/2024 06:25 GMT+7

Lượng kiều hối về TP.HCM trong 3 tháng đầu năm tăng lên mức kỷ lục, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, bất chấp lãi suất ngoại tệ ở VN là 0%.

Tăng cao nhất trong 3 năm

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa công bố lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý 1/2024 đạt 2,869 tỉ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng quý 1 cao nhất trong 3 năm qua.

Dịch vụ kiều hối phát triển tạo thuận tiện cho khách hàng chuyển qua kênh chính thức

Dịch vụ kiều hối phát triển tạo thuận tiện cho khách hàng chuyển qua kênh chính thức

NGỌC THẮNG

Cụ thể, quý 1/2023, kiều hối tăng 19,4%; năm 2022 tăng 14,2%. Con số 2,869 tỉ USD kiều hối trong quý 1 năm nay chiếm 30,3% so với cả năm 2023. Trong năm 2023, lượng kiều hối về TP.HCM đạt mức cao kỷ lục khi lên gần 9,5 tỉ USD, chiếm hơn một nửa trong tổng nguồn cả nước là 16 tỉ USD.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết lượng kiều hối từ khu vực châu Á vẫn cao nhất, chiếm 59,1% trong tổng lượng kiều hối quý 1, tăng trưởng 7,5% so với quý trước và tăng 86,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng kiều hối từ châu Âu và châu Đại dương giảm.

"Với môi trường chính trị ổn định, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, cùng thị trường lao động mở rộng, phát triển là những yếu tố quan trọng tác động đến thu nhập của kiều bào khu vực châu Á trong những năm gần đây và những tháng đầu năm 2024", ông Lệnh nói.

Ngoài ra, theo ông Lệnh, dịch vụ chi trả kiều hối ngày càng tốt hơn đã tạo thuận lợi, an toàn và hiệu quả. Người dân, khách hàng thụ hưởng có thể lựa chọn nhận kiều hối tại nhà; tại quầy giao dịch ngân hàng hoặc chuyển khoản tùy nhu cầu sẽ được các tổ chức tín dụng và công ty kiều hối thực hiện.

Kiều hối tăng kỷ lục- Ảnh 2.

Một lý do quan trọng dẫn đến lượng kiều hối tăng mạnh là lực lượng xuất khẩu lao động gia tăng những năm gần đây. Đơn cử, năm 2023, tổng số lao động VN đi lao động, học tập thêm hơn 158.000, tăng hơn 11% so với năm 2022. Có khoảng 650.000 lao động VN đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau.

Ngoài ra, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao, hiện có 6 triệu người Việt sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là các nước phát triển. Riêng tại TP.HCM có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại các nước. Kiều hối khu vực châu Á gồm 3 thị trường lao động lớn nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đối với thị trường Mỹ, châu Âu đối mặt lạm phát cao, bất ổn do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, Hamas - Israel nên lượng ngoại tệ của kiều bào gửi về VN dù có tăng nhưng không bằng châu Á.

Với môi trường chính trị ổn định, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, cùng thị trường lao động mở rộng, phát triển là những yếu tố quan trọng tác động đến thu nhập của kiều bào khu vực châu Á trong những năm gần đây và những tháng đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Đức Lệnh (Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM)

Đón đầu bất động sản

Hàng chục tỉ USD kiều hối chuyển về nước sẽ chảy vào các kênh nào ngoài chi dùng gia đình luôn là câu hỏi nhiều người đặt ra. Những năm trước, một trong những kênh thu hút kiều hối về VN là gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn các nước. Nhưng từ năm 2015 đến nay, các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất USD ở mức 0% trong khi ở thời điểm hiện tại, lãi suất ở Mỹ lên tới 5,5 - 6%/năm, Nhật cũng dự kiến chấm dứt lãi suất âm sau gần 2 thập niên...; thế nhưng bất chấp tất cả, kiều hối vẫn chảy về VN.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng kiều hối trong đó có cả phần tiền từ xuất khẩu lao động chuyển về nước, nên ngoài tính toán mức sinh lời thì yếu tố an toàn đặt lên hàng đầu. Lãi suất tiết kiệm một số nước hiện nay cao hơn VN nhưng mức độ rủi ro cũng cao hơn. Một số nước, đặc biệt là Mỹ cho ngân hàng phá sản như cơm bữa. Vì thế, người gửi tiền sẽ phải cân nhắc lựa chọn ngân hàng nào để gửi. Trong khi đó, VN chưa có tiền lệ này, người gửi tiền được đảm bảo an toàn cho tiền gửi. Dù lãi suất USD của chúng ta hiện nay bằng 0% nhưng tỷ giá mỗi năm tăng 3%, một số thời điểm tăng cao hơn cũng giúp bù đắp phần nào so với lãi suất. Thêm vào đó, VN có môi trường kinh tế cũng như địa chính trị ổn định, sự thuận lợi về văn hóa, ngôn ngữ đã thu hút lượng kiều hối về VN ngày càng nhiều.

Trên thực tế, cách đây hơn 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM có làm một cuộc thống kê về số tiền kiều hối chảy vào đâu. Kết quả cho thấy, tỷ lệ kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 70 - 72%, vào bất động sản khoảng 22%, và còn lại là hỗ trợ người thân.

TS Lê Đạt Chí nhận định, rất khó có một thống kê về lượng kiều hối sẽ đổ vào kênh nào khi đây là nguồn vốn đơn phương, các nước khác cũng tương tự, không có thống kê cụ thể. "Tuy nhiên, có thể thấy dòng tiền này ngoài việc hỗ trợ người thân trong cuộc sống thì đa số đổ vào các kênh đầu tư dưới dạng tài sản, chẳng hạn như bất động sản, vàng… Một vài năm trở lại đây, kênh bất động sản giảm cũng đã tạo cơ hội tốt cho người có tiền tham gia", TS Chí nói.

Khảo sát một số Việt kiều cho thấy, đón đầu các kênh đầu tư tiềm năng trong nước là chủ ý của nhiều người. Đơn cử trường hợp chị B.T (Việt kiều Mỹ) tranh thủ đợt về VN thăm nhà hồi tháng 2 vừa rồi đã đi xem một khách sạn mini rao bán với giá khoảng 50 tỉ đồng và một số mảnh đất tiềm năng. "Có nhiều lựa chọn vào thời điểm hiện nay nên tôi đang cân nhắc về lại Mỹ gom cho đủ tiền chuyển về đầu tư nhà đất ở VN", chị B.T cho biết.

TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết một số người thân của ông ở Mỹ cũng đã và đang chuyển tiền về để đầu tư vào bất động sản vì nhận thấy giá đang rẻ hơn. Tiêu chí họ chọn mua đều là nhà đất có giấy tờ rõ ràng.

"Dự báo trong thời gian tới, lượng kiều hối chuyển về VN sẽ tăng hơn nữa để đón đầu luật Đất đai mới có hiệu lực với quy định "người VN định cư ở nước ngoài là công dân VN" có thể được nhận quyền sử dụng đất, được trực tiếp tham gia giao dịch bất động sản trong nước… mà không cần phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng", TS Huân nói.

Theo Đối tác Tri thức toàn cầu về di cư và phát triển (KNOMAD), VN nằm trong top 20 quốc gia nhận nhiều kiều hối nhất năm 2023; sau Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc, Philippines, Pháp, Đức, Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.