Kiều hối về TP.HCM tăng gấp đôi trong 6 năm qua
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết kiều hối chuyển về của cả nước năm 2024 vào khoảng 16 tỉ USD, riêng tại TP.HCM ước khoảng 9,6 tỉ USD, tăng 140 triệu USD so với năm 2023. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Thực tế, lượng kiều hối về TP.HCM luôn tăng trưởng qua các năm và chiếm tỷ trọng lớn của cả nước trong nhiều năm gần đây, khoảng 55-60%. Nếu so với năm 2018, con số kiều hối về TP.HCM năm 2024 đã tăng gấp đôi.
Lý giải thêm, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay thị trường xuất khẩu lao động ổn định và phát triển tại khu vực châu Á đã giúp nguồn kiều hối tăng trưởng. Một yếu tố quan trọng là thu nhập và việc làm của kiều bào và người Việt đang học tập, làm việc ở nước ngoài cũng khả quan hơn. Trong đó, không thể không nhắc đến hoạt động dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng thương mại và công ty kiều hối ngày càng thuận tiện, ngày càng tốt hơn đã tác động trực tiếp đến lượng kiều hối chuyển về nước.
Đặc biệt, con số kiều hối về TP.HCM năm 2024 càng có giá trị nếu so với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về TP khi cao gấp 3 lần. Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng vốn FDI vào TP trong 11 tháng năm 2024 đạt 2,281 tỉ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chỉ tương đương khoảng 30% so với gần chục tỉ USD kiều hối trong năm nay.
Dù cho rằng so sánh là khập khiễng nhưng chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận lượng kiều hối chuyển về VN luôn tịnh tiến, năm sau cao hơn năm trước. Tại TP.HCM, con số này còn đặc biệt ý nghĩa khi cao hơn, thậm chí gấp 3 lần FDI trong năm 2024. "Mỗi dòng vốn có sự đóng góp khác nhau nhưng có thể thấy một điều là để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì phải có các chính sách như miễn giảm thuế. Hơn nữa đây không phải là nguồn vốn vĩnh viễn ở lại VN. Khi dòng vốn tìm kiếm được lợi nhuận tốt hơn thì có thể sẽ chuyển ra nước ngoài; các nước có chính sách thu hút tốt hơn thì dòng vốn này cũng chuyển dịch đi. Do đó, FDI có giới hạn về thời gian. Trong khi đó, kiều hối thì chỉ có chuyển về, không bị ràng buộc bởi những cam kết chính trị, kinh tế nào. Điều này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, trong đó, cái có thể nhìn thấy rõ nhất đó là góp phần gia tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định tỷ giá cho thị trường", ông Hiếu phân tích.
Dư địa tăng trưởng trên 2 con số
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: "Dư địa tăng trưởng kiều hối trong năm 2025 và những năm tới khả quan. Tôi tin rằng có thể lên gấp đôi con số 16 tỉ USD nếu như có giải pháp đột phá". Chuyên gia này giải thích thêm ngoài số lượng kiều bào đông, số lượng lao động xuất khẩu những năm gần đây cũng gia tăng. Tuy nhiên, VN còn chưa tận dụng tối đa nguồn lực người Việt sinh sống ở nước ngoài. Hiện nay, kiều bào gửi tiền về cho người thân trong nước với mục đích hỗ trợ tương thân tương ái, đưa người nhà đứng tên tài sản chứ chưa có kênh nào thu hút dòng tiền từ kiều bào ở nước ngoài một cách dài hạn. "Vừa qua, TP.HCM mới có đề án thu hút kiều hối thông qua phát hành trái phiếu bán cho kiều bào. Trái phiếu là hình thức vay mượn, không phải nguồn tiền "cho không, biếu không" nên cũng phải có quy trình vì quan hệ giữa các quốc gia, thị trường tài chính, thuế của mỗi nước cũng khác nhau. Kênh này cần thời gian để triển khai thực hiện. Đó cũng là dư địa kiều hối của TP trong thời gian tới", ông Hiếu nhận định.
Ở vị trí một Việt kiều Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu nói trước đây, khi lãi suất huy động tiết kiệm trong nước cao hơn nước ngoài, lượng kiều hối chuyển về gửi trong nước để hưởng chênh lệch lãi suất gia tăng. Thế nhưng thời điểm hiện nay khi lãi suất trong và ngoài nước không chênh lệch nhiều thì yếu tố này không còn nữa. Cạnh đó, một kênh khác mà nhiều kiều bào quan tâm là bất động sản. Từ nhiều năm trước, kiều hối chuyển về cho người thân đứng tên mua nhà không ít. "Những quy định về nhà ở hiện nay đã thay đổi nhưng việc kiều bào mua nhà trong nước vẫn chưa thực sự thuận lợi. Cần cơ chế thông thoáng hơn để thu hút nguồn vốn này. Đặc biệt, cần nghiên cứu về bảo hiểm nhà ở để người mua được đảm bảo không bị mất tiền khi rủi ro xảy ra, chẳng hạn như chủ đầu tư chưa xây nhà", ông Hiếu đề xuất.
Là công ty có lượng kiều hối chuyển về lên gần 4 tỉ USD trong năm 2024, ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty kiều hối Sacombank, cho biết con số này so với năm 2023 là ổn định. Về cơ cấu, theo ông Khoa, kiều hối một số thị trường giảm nhẹ như từ châu Phi, châu Âu, nhưng các thị trường khác tăng trưởng hơn 10% cũng phần nào bù đắp. Dự báo kiều hối năm 2025, ông Trần Minh Khoa cho rằng tình hình chiến sự Nga-Ukraine, Hamas-Israel cũng như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu chậm lại quá trình giảm lãi suất... là những yếu tố không thuận lợi cho dòng kiều hối từ Mỹ và châu Âu. "Tuy nhiên, các doanh nghiệp kỳ vọng với chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối của UBND TP.HCM, sự kết nối ngày càng sâu rộng của các công ty kiều hối với cộng đồng kiều bào, người VN làm việc ở nước ngoài và tinh thần hỗ trợ người thân phát triển kinh tế thì dự báo dòng kiều hối về VN năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định" ông Trần Minh Khoa nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Đăng Quang, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Kiều hối Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương VN (Kiều hối Vietcombank), thông tin: Doanh số kiều hối qua công ty năm 2024 tương đương 1,9 tỉ USD, chủ yếu vẫn là từ các thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trong 2 quý cuối năm, lượng kiều hối có xu hướng giảm vì yếu tố tỷ giá biến động. USD cao quá so với các đồng tiền như won, yen và TWD dẫn đến đối tác ngại mua USD chuyển về mà có tâm lý để dành. Một phần khác vì lạm phát tăng cao kéo dài nhiều năm cũng đã bào mòn tiền tiết kiệm của mọi người. Tuy nhiên, qua năm 2025, thị trường có những thuận lợi, trong đó, Chính phủ vẫn khuyến khích và tạo điều kiện cho nguồn kiều hối và xuất khẩu lao động phát triển.
"Dù vậy, tình hình địa chính trị của các nước trên thế giới chưa ổn định cũng như chưa rõ chính sách của Mỹ khi ông Donald Trump làm tổng thống sẽ thay đổi ra sao; lạm phát ở các nước có hạ nhiệt hay vẫn ở mức cao là ẩn số. Vấn đề quan ngại nhất là các chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân thì việc sản sinh tâm lý đề phòng, tiết kiệm và ít gửi tiền về hơn là điều rất dễ xảy ra", ông Nguyễn Đức Đăng Quang chia sẻ. Dù vậy, ông kỳ vọng thị trường kiều hối sẽ tiếp tục tăng trưởng nên công ty sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, không những khơi thông nguồn kiều hối quý giá từ không chỉ kiều bào, mà còn là khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực và trên thế giới.
Kiều hối tạo nguồn ngoại tệ ổn định tỷ giá
Trong năm 2024, giá USD trong nước biến động liên tục, tăng hơn 5% và có lúc lên 7%. Kiều hối được xem là một trong những nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ. Với mức lãi suất huy động USD của các ngân hàng hiện nay ở mức 0%, thêm vào đó chênh lệch giữa giá mua USD trong và ngoài hệ thống ngân hàng không lớn dẫn đến người dân nhận kiều hối thường có nhu cầu bán lại cho các đơn vị kiều hối, chuyển đổi sang tiền đồng để gửi tiết kiệm. Điều này hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Bình luận (0)