Kiều hối TP.HCM chiếm gần 30% cả nước

30/11/2019 08:45 GMT+7

Lượng kiều hối vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và khả năng sẽ vượt con số 5 tỉ USD trong năm 2019.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối chuyển qua các đơn vị trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã vượt 4 tỉ USD. Lượng kiều hối vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và khả năng sẽ vượt con số 5 tỉ USD trong năm 2019.

Vượt 5 tỉ USD

Theo dữ liệu Kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là nước có lượng kiều hối lớn đứng thứ 9 trên thế giới, ước năm 2019 đạt 16,7 tỉ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng 700 triệu USD so với năm 2018. Dòng kiều hối về Việt Nam qua 26 năm đã tăng khoảng gần 120 lần, từ mức 0,14 tỉ USD năm 1993 lên 10 tỉ USD năm 2012; đến 2018 tăng vọt lên 16 tỉ USD. Việt Nam đứng thứ ba tại châu Á và duy trì trong top 10 thế giới thu hút kiều hối trong nhiều năm trở lại đây. Giai đoạn 2002 - 2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP.
Trong những tháng cuối năm, lượng kiều hối về TP.HCM đã tăng vài trăm triệu USD và chỉ tính riêng quý 4 chiếm khoảng 30% tổng lượng kiều hối của cả năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM nhận định, kế hoạch 5,2 tỉ USD kiều hối năm 2019 sẽ đạt được, tăng khoảng 200 triệu USD so với năm 2018. TP.HCM là địa phương thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng kiều hối. Chẳng hạn năm 2018, cả nước thu hút khoảng 16 tỉ USD kiều hối thì tại TP.HCM vào khoảng 5 tỉ USD, chiếm khoảng 30%. So với con số vốn FDI vào TP.HCM năm 2018 ở mức 7,07 tỉ USD, thì lượng kiều hối 5 tỉ USD xem ra không nhỏ.
Tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về Việt Nam qua TP.HCM mỗi năm tăng khoảng 10 - 15%, có năm chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối cả nước. Một thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM về dòng kiều hối cho thấy, có đến 72% lượng kiều hối đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, gần 22% vào lĩnh vực bất động sản và số còn lại hỗ trợ người thân tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Ưu điểm của lượng kiều hối là tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển kinh tế nhưng không tạo gánh nặng nợ nước ngoài như các dòng vốn khác, giúp kinh tế giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc gia…
Kiều hối TP.HCM chiếm gần 30% cả nước1

Thống kê kiều hối vào VN, 2000 - 2019

Nguồn: World Bank

Đánh giá dòng kiều hối tác động đến nền kinh tế, phát triển tại TP.HCM, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng với tốc độ tăng trưởng kiều hối qua các năm cho thấy nguồn vốn này không chỉ ở mức độ hỗ trợ người thân, mà còn chảy vào sản xuất kinh doanh, bất động sản... “Dù kiều hối vào đâu thì với nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam cũng tốt. Ngay cả vào lĩnh vực đầu tư bất động sản thì cũng thúc đẩy những ngành nghề sản xuất kinh doanh lĩnh vực này phát triển để cho ra sản phẩm. Lượng kiều hối lên đến hàng tỉ USD mỗi năm góp phần làm ổn định thị trường ngoại tệ bên cạnh các dòng vốn khác. Vài năm gần đây, lượng ngoại tệ trên thị trường dư thừa, dẫn đến giá mua USD của các NH thương mại giảm xuống thấp hơn cả giá mua lại của NHNN. Điều này giúp NHNN gia tăng dự trữ ngoại hối, con số công bố hồi đầu tháng 11 lên 73 tỉ USD”, TS Độ nói.

Kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh, bất động sản

Số lượng kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài hiện khoảng 4 triệu người. Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM (UBvNVNONN TP.HCM), trong năm 2018 có hơn 400.000 lượt kiều bào nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Kiều bào còn quan tâm đầu tư kinh doanh, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của TP. Thời gian qua, đã có hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức hợp tác nghiên cứu, khoảng 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỉ đồng.
Ông Trần Hòa Phương, nguyên Phó chủ nhiệm UBvNVNONN TP.HCM, cho hay TP.HCM có đặc thù lượng kiều bào cao so với các tỉnh thành khác, cùng với lực lượng lao động xuất khẩu, đã thu hút dòng kiều hối các năm qua. Ngoài việc hỗ trợ người thân ở Việt Nam, kiều bào còn gửi tiền về đầu tư trong nước qua các hình thức như mua bất động sản, gửi tiền tiết kiệm NH bởi lãi suất tại Việt Nam cao hơn nước ngoài. Hơn nữa, các chính sách những năm gần đây cũng đã thay đổi nhiều, thu hút nguồn kiều hối chuyển về nước. Chẳng hạn cho Việt kiều đứng tên sở hữu nhà; đồng tiền Việt Nam hiện ổn định hơn các nước cũng là điểm thu hút kiều hối.
Thực tế, lãi suất tiền đồng của các NH thương mại trong nước đang ở mức 7 - 8%/năm tùy kỳ hạn, thêm vào đó tỷ giá mỗi năm biến động tăng khoảng 1 - 2% nên lượng tiền gửi về nước vẫn hưởng lợi từ 6 - 7%/năm. Trong khi đó, so với lãi suất USD ở nước ngoài chỉ khoảng 2%/năm, rõ ràng lợi nhuận từ tiết kiệm tiền đồng đã gấp 3 lần. Chị Trần (Việt kiều sống tại bang Texas, Mỹ) cho hay cách đây 3 năm chị về TP.HCM mua một căn hộ ở khu dân cư Trung Sơn (H.Bình Chánh, TP.HCM) trị giá 10 tỉ đồng, sau đó ký với một công ty để họ quản lý cho thuê lại với giá 50 triệu đồng/tháng. Số tiền thuê nhà tích lũy từng đó năm cộng với tiền dư đem từ Mỹ về, chị Trần gom gửi toàn bộ gần 3 tỉ đồng vào NH thương mại trong nước, lĩnh lãi 8,3%/năm. Chị Trần cho hay: “Dự định sau này lớn tuổi, hai vợ chồng sẽ về Việt Nam ở nên quyết định mua nhà. Không những tiền thuê nhà hằng tháng tại Việt Nam cao mà tiền gửi tiết kiệm cũng sinh lời tốt hơn, chỉ tính riêng số tiền lãi hằng năm cũng dư chi phí về Việt Nam chơi”.
Theo đánh giá của World Bank, ngoài mức chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ giúp thu hút dòng kiều hối, chi phí dịch vụ kiều hối tại Việt Nam cũng ở mức khá thấp. Kiều hối chuyển về Việt Nam chịu phí dịch vụ bằng 0,05% giá trị khoản tiền gửi và tối đa không quá 200 USD. Đồng thời, chính sách người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền đồng, ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế đã giúp lượng kiều hối chuyển về gia tăng. Các NH chạy đua trong việc phát triển các dịch vụ chuyển tiền kiều hối, chuyển tiền tận nhà đã áp đảo các loại hình chuyển tiền chui.
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc NH TMCP Phát triển TP (HDBank), cho biết tại HDBank, các thị trường chi trả kiều hối chính là Mỹ, châu Âu, Úc, Đài Loan… Vừa qua, HDBank có triển khai dịch vụ kiều hối tận nhà cho khách hàng, chi trả bằng đô la Úc (AUD) bên cạnh USD và tiền đồng. Thế nhưng với giá trị tiền đồng cộng với chính sách tỷ giá ổn định nên nhiều khách hàng có mong muốn chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng, gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn, điều này phù hợp với xu hướng không khuyến khích nắm giữ ngoại tệ của nhà nước.
Kiều hối TP.HCM chiếm gần 30% cả nước2

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đẩy mạnh biện pháp thu hút kiều hối

Ông Trần Hòa Phương cho rằng kiều hối tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ lực lượng lao động xuất khẩu, hằng tháng hằng năm đều gửi tiền về cho gia đình, người thân. Các chính sách đang ngày càng thu hút kiều bào hơn, cộng với kinh tế vĩ mô ổn định đã giúp kiều hối Việt Nam khá ổn định trong một số giai đoạn khủng hoảng. Thế nhưng tốc độ tăng kiều hối vài năm trở lại đây tại TP.HCM không bằng so với cả nước, dẫn đến tỷ trọng đã có phần sụt giảm. Cụ thể, trước đây có năm chiếm đến 50% tổng kiều hối cả nước vì năng lực tiếp nhận của TP.HCM gần như độc quyền, nay còn khoảng 30% vì sự phát triển của hệ thống chuyển tiền, mạng lưới, dịch vụ NH đến từng tỉnh thành nên dòng kiều hối chuyển thẳng về tận nơi, không còn qua TP. Ông Phương cho rằng để nguồn kiều hối tại TP gia tăng trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh ở khu vực xuất khẩu lao động, nhất là cần tăng chất lượng xuất khẩu lao động trình độ cao.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, khi xác định dòng kiều hối chủ yếu đổ vào đầu tư thì để gia tăng kiều hối cần cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn bên cạnh những yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, cụ thể là cải cách thủ tục hành chính, lạm phát ổn định…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.