Sáng 6.12, tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc triển lãm Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, kéo dài đến 5.1.2017. Các bảo vật được giới thiệu tại triển lãm lần này bao gồm những vật biểu trưng cho quyền lực tối cao của hoàng đế và triều đại. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhằm đưa bảo vật triều Nguyễn về lại cố hương, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của công chúng.
Con đường lưu lạc
Bảo vật của triều Nguyễn bị người Pháp lấy đi khá nhiều từ năm 1885, chỉ còn lại gần 3.000 hiện vật. Theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vào năm 1945 vua Bảo Đại đã chuyển giao toàn bộ bảo vật hoàng cung cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đại diện tiếp nhận là ông Trần Huy Liệu. Sau đó số bảo vật này được chuyển tới cất giữ tại Liên khu 5. Đến năm 1954, số bảo vật được chuyển sang cho Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, rồi chuyển sang Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trong lần trưng bày tại bảo tàng vào năm 1961, đã xảy ra vụ mất chiếc ấn bạc mạ vàng của Nam Phương hoàng hậu. Vì thế số bảo vật lại được niêm phong, chuyển vào trong kho Ngân hàng Nhà nước VN. Sau gần nửa thế kỷ, tới năm 2007 Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới được tiếp nhận lại các bảo vật trên.
|
Những bảo vật quyền uy
Các nhà nghiên cứu lịch sử nhìn nhận, dưới thời nhà Nguyễn, các thợ thủ công giỏi được tuyển chọn từ khắp mọi miền về kinh thành. Nhờ sớm học hỏi kỹ thuật của phương Tây, các loại ấn, trang phục của vua chúa (từ quần áo cho đến mũ), các đồ ngự dụng... đều được làm vô cùng tinh xảo, bài bản. Trong số những bảo vật được giới thiệu tới công chúng, đáng chú ý có chiếc mũ Bình thiên và mũ Thường triều. Mũ Bình thiên được nhà vua đội trong các lễ đăng cơ, lễ tế giao, còn mũ Thường triều vua dùng trong các buổi thiết triều điều hành chính sự.
Tại triển lãm, công chúng được chiêm ngưỡng chiếc ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được xem là bảo vật số 1 trong những đồ làm bằng ngọc trong triều Nguyễn. Khối ngọc chế tác ấn là ngọc do người dân Hòa Điền, tỉnh Quảng Nam tìm thấy và dâng lên vua Thiệu Trị. Rồng trên ấn được chạm khắc kiểu mình uốn khúc, đầu ngẩng cao. Triển lãm cũng giới thiệu ấn Hoàng thái hậu chi bảo (bằng bạc mạ vàng) đúc tháng 4 năm Tự Đức thứ 3 (1849); ấn Hoàng thái tử chi bảo (bằng bạc mạ vàng) đúc ngày 17.1 năm Bảo Đại thứ 14 (1939); ấn Quốc gia tín bảo thuộc niên hiệu Gia Long 1802 - 1820.
Ngoài ra còn có bảo kiếm chuôi nạm vàng, đồi mồi, ngọc và Kim sách Đế hệ thi thời Minh Mạng (năm thứ 4, 1823). Sách bằng vàng, gồm 12 trang khắc chữ Hán, ghi lời tựa cùng các bài Đế hệ thi của vua Minh Mạng. Đế hệ thi là bài thơ dùng để đặt tên và chữ lót cho con cháu thuộc dòng trực hệ của nhà vua. Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, dưới thời nhà Nguyễn có hai cuốn Kim sách về Đế hệ thi, gồm cuốn thời Minh Mạng, về sau đến đời vua Thiệu Trị có bổ sung thêm và làm thành một cuốn mới. Ngoài việc quy định chữ lót cho con cháu trực hệ, Đế hệ thi còn quy định cách đặt tên húy, từ thời Thái tổ (tức Nguyễn Kim) và các phái trước là công họ Nguyễn Hựu đều lấy tên húy là chữ Thủy. Đến Thế Tông Hiếu vũ hoàng đế (tức chúa Nguyễn Phúc Khoát) truyền đến Hoàng Khảo (chỉ Gia Long) trở về sau đều lấy bộ Nhật (chữ Hán) cho từng vị vua.
Bên cạnh các bảo vật hoàng gia, đợt triển lãm này còn giới thiệu một số thẻ bài bằng ngà voi, đồng, đá... cùng những đồ tự khí, những vật dụng phản ánh đời sống sinh hoạt, nghi lễ cung đình triều Nguyễn được làm bằng các chất liệu quý hiếm như vàng, ngọc, đá quý.
Những bảo vật có giá trị rất lớn bởi vậy công tác vận chuyển cũng như bảo vệ được thực hiện vô cùng sát sao. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, để đưa số hiện vật quý này từ Hà Nội vào Huế, công tác vận chuyển đã được giữ bí mật tuyệt đối. Đến khi bảo vật được di chuyển an toàn đến Huế, công an tỉnh đã cử ngay một đội bảo vệ túc trực 24/24 giờ trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.
|
Bình luận (0)