Vật liệu siêu kỵ nước rất cần cho một số ứng dụng như phòng chống gỉ, chống đóng băng, trong các công trình vệ sinh… Tuy nhiên, các vật liệu kỵ nước hiện nay phải dựa vào lớp phủ hóa học.
Mới đây Giáo sư Chunlei Guo và tiến sĩ Anatoliy Vorobyev của Viện Quang học thuộc Đại học Rochester (Mỹ) đã tạo ra một mô hình phức tạp gồm vi cấu trúc và kích thước nano để cung cấp các đặc tính không thấm nước cho kim loại. Một bài viết đăng trên tạp chí Vật lý ứng dụng (Giáo sư Guo là đồng tác giả) cho biết một trong những lợi thế lớn của quá trình này là những cấu trúc tạo ra dưới tác động của tia laser trên bề mặt kim loại về bản chất vẫn đồng nhất với chất liệu bên trong.
Kết cấu này đẩy bật những giọt nước bám vào nó, hiệu quả hơn nhiều so với teflon là chất bao phủ để chống dính cho chảo, xoong, nồi... Cùng một dụng cụ thì phải nghiêng đến 70 độ lúc đó teflon mới đẩy nước ra ngoài, nhưng với kim loại này chỉ nghiêng 5 độ là đã đạt hiệu quả.
Trang Sci-News cho biết kết cấu bề mặt này còn thế mạnh khác là chống bụi bám. Các nhà nghiên cứu lấy bụi trải lên bề mặt vật liệu, chỉ cần nhỏ vào 3 giọt nước là hơn một nửa bụi bị đẩy bật đi cùng nước. Để khử bụi triệt để cũng chỉ cần 10 giọt nước và bề mặt trở nên khô ráo, sạch sẽ.
Bình luận (0)