Nhân buổi công diễn vở Tình sử Thăng Long - nhạc kịch về chuyện tình vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân vào tối 15.2 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), NSƯT Kim Tử Long đã có những chia sẻ với Thanh Niên xoay quanh quá trình thực hiện vở kịch tâm huyết. Bên cạnh đó, nam nghệ sĩ thẳng thắn đưa ra những góc nhìn về tình hình phát triển, sự tiếp cận của cải lương hiện nay đối với đại chúng nói chung và khán giả trẻ nói riêng.
Sự chỉn chu của Tình sử Thăng Long
* Tại sao anh và nghệ sĩ Hồng Vân quyết định hợp tác để thực hiện vở diễn Tình sử Thăng Long?
- NSƯT Kim Tử Long: Trước hết, tôi và NSND Hồng Vân đã hợp tác qua nhiều gameshow với nhau. Hai anh em có tâm sự là rất muốn thực hiện một vở diễn đề tài lịch sử nhưng chưa biết tìm vở nào để diễn cải lương, vì tôi luôn muốn cải lương có một tác phẩm về lịch sử hay.
Trong lúc nói chuyện, Hồng Vân mới nhớ ra và bảo tôi: “Bên em có một vở rất hay về lịch sử, anh về đây làm với em đi”. Ý tưởng ban đầu chỉ đơn giản vậy thôi. Nhưng chính nhờ những đam mê, ý tưởng chung như vậy mà chúng tôi mới có thể kết hợp được với nhau.
Hồng Vân sau khi tìm kiếm đã đề xuất thực hiện vở Tình sử Thăng Long, cảm tác từ kịch bản Công chúa Ngọc Hân của Lưu Quang Vũ. Lúc đầu nghe vậy tôi cũng khá ngại, vì tôi chưa bao giờ diễn kịch đề tài lịch sử. Bên cạnh đó, tôi là dân cải lương mà, nếu diễn kịch thì không được hát. Hồng Vân mới đề xuất “Bây giờ em sẽ làm ca kịch, anh thấy sao?”. Tôi mới nói đó là ý tưởng hay, vì từ trước đến nay tôi chưa diễn vở nào có sự kết hợp cải lương và kịch.
* Trong quá trình thực hiện anh và đội ngũ đã gặp những khó khăn gì?
- Cái khó nhất để vở kịch này được hình thành không phải nằm ở kinh phí, tác phẩm, mà là ở con người. Tôi và Hồng Vân đã suy nghĩ hoài xem ai sẽ đảm nhiệm vai Ngọc Hân. Nếu như đây là một vở cải lương thì có rất nhiều đào hát phù hợp và nghệ sĩ sẽ hát toàn bộ bằng tiếng miền Nam. Tuy nhiên, với vở kịch chính sử thì mình phải tìm nghệ sĩ có nói giọng gốc của nhân vật...
Cuối cùng, sau thời gian bàn bạc thì hai anh em cũng đưa ra được dàn diễn viên phù hợp. Qua quá trình casting, chúng tôi đã tìm được Hoàng Yến, một gương mặt trẻ, cho vai Ngọc Hân công chúa, Trinh Trinh cho vai Bùi Thị Xuân, nghệ sĩ Bình Tinh cho vai Mai.
Một cái khó nữa là từ xưa đến giờ, toàn bộ anh em nghệ sĩ trong đoàn kịch của Hồng Vân chỉ diễn kịch thông thường. Trong khi để diễn một vở lịch sử phải cần cả kỹ năng vũ đạo. Vì vậy, anh em đàn trên phải dành nhiều thời gian cho các bạn diễn viên trẻ tập võ, vũ đạo nhằm phục vụ cho vở kịch.
* Vai diễn vua Quang Trung lần này có gì khác biệt?
- Điều khiến tôi hứng thú, tò mò trong vở diễn lần này đó là vai Nguyễn Huệ được xây dựng khác hẳn với các hình tượng Nguyễn Huệ tôi đã từng thể hiện trên sân khấu cải lương trước đây. Trong cải lương, Nguyễn Huệ được khắc họa khá khuôn thước, anh dũng. Đặc biệt, chuyện tình yêu của ông thường chỉ được miêu tả một cách một chiều.
Nhưng ở đây, với ngòi bút của soạn giả Lưu Quang Vũ, nhân vật Nguyễn Huệ có rất nhiều tính cách đa dạng để thể hiện trong vở diễn; ví dụ như: Sự nóng tính, lãng mạn, quyết đoán… Đặc biệt, từ xưa đến nay khán giả không bao giờ nghĩ vua Quang Trung lại nhiều vợ, nhưng trong vở diễn này, mọi người sẽ biết Ngọc Hân không phải người vợ đầu tiên của ông.
Thậm chí, Ngọc Hân công chúa cũng không phải một mối tình đẹp hay là tình yêu được Quang Trung tự mình lựa chọn. Do thời thế, chiến cuộc khiến Ngọc Hân và Nguyễn Huệ gặp gỡ, từ đó làm nảy nở mối lương duyên. Hai người cũng có nhiều xung đột nhưng cuối cùng họ vẫn đến với nhau. Công chúa Ngọc Hân ban đầu không yêu Nguyễn Huệ, nhưng sau này vì cảm mến sự oai phong, đầu óc chiến lược của ông khi giành chiến thắng cho Thăng Long, bà đã thật sự đem lòng ái mộ ông. Đó là điều mà tất cả vở sử cải lương nói về Quang Trung - Nguyễn Huệ chưa từng nói tới. Và hôm nay khi khán giả xem thì chắc chắn họ sẽ bất ngờ với một kịch bản rất khác với những gì họ đã từng xem.
* Anh đã chuẩn bị những gì để có ngoại hình phù hợp với nhân vật?
- Là một nghệ sĩ cải lương, tôi đã quen với những vai diễn hùng dũng. Tôi từng đóng nhiều vai anh hùng như Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, Trần Quang Diệu, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền… Nhưng để thực hiện vai diễn lần này cũng có một số thử thách với tôi.
Ở sân khấu cải lương, trang phục của Nguyễn Huệ thường rất lộng lẫy. Nhưng trong vở diễn này, vai Nguyễn Huệ phải mặc những bộ đồ đơn giản, thô kệch. Chỉ khi ông trở thành nguyên soái của nhà Lê thì lúc đó quần áo mới được thay đổi theo thời điểm và bối cảnh.
Thách thức để cải lương tìm thấy “điểm chạm”
* Chia sẻ với báo chí, anh có nói luôn sẵn sàng tham gia các chương trình phim, cải lương để quảng bá cho loại hình nghệ thuật này. Theo anh, trong năm vừa qua, cái nhìn của đại chúng với cải lương đang thay đổi như thế nào?
- Hiện tại có thể nói cải lương đang chuyển mình, có bước tiến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Đó là điều làm tôi thấy rất vui vì nhiều người nói cải lương không gần với các bạn trẻ, nhưng điều đó không đúng.
Hiện nay, tôi thấy nếu làm đúng, phải nhấn mạnh chữ “đúng”, và làm một cách chỉn chu, có đầu tư thì cải lương vẫn là một loại hình được khán giả rất yêu mến. Một đoàn cải lương thực hiện vở diễn chỉn chu, có nghệ sĩ yêu nghề, đam mê, có sự đầu tư kịch bản và chuyên môn thì chắc chắn khán giả sẵn lòng bỏ tiền ra xem.
* Thực tế thì vẫn có ý kiến cho rằng đây là loại hình nghệ thuật kén khán giả. Bằng chứng là phim Sáng đèn anh cũng tham gia, nhiều người cho rằng phim khi công chiếu sẽ không cạnh tranh nổi. Vậy anh có nhận định thế nào?
- Điều đó là đúng, vì bây giờ làm cải lương trên sân khấu đã khó rồi, giờ lại đưa sang điện ảnh là rất khó để cạnh tranh. Về điện ảnh, lấy ví dụ như phim của Trấn Thành, ngoài việc đầu tư kinh phí thì mấu chốt để bộ phim thành công nằm ở kịch bản. Và phải nói kịch bản của Trấn Thành rất “chắc”, đánh đúng vào tâm lý hiện thời, những vấn đề mà phần lớn mọi người, các gia đình đều đang gặp phải nên rất thu hút khán giả. Đó là điều mà Trấn Thành đang thành công.
Còn với tác phẩm Sáng đèn, khán giả đi xem là vì muốn xem lại ký ức của bộ môn sân khấu cải lương. Các bạn trẻ đến rạp xem phim là để hiểu vì sao ông bà cha mẹ mình thích.
Nhưng phim ra mắt vào thời điểm chưa phù hợp khi đụng phải nhiều phim mạnh, giống như một diễn viên trẻ mà đi so sánh với ngôi sao thượng thặng thì không thể được. Phim của Trấn Thành đang là một ngôi sao, thì dù Sáng đèn là một phim chỉn chu, sở hữu kịch bản hay cũng sẽ khó cạnh tranh. Phim dời lịch chiếu lại vào ngày 22.3 là một quyết định đúng đắn. Vào ngày công chiếu 22.3 này, tôi tin Sáng đèn sẽ được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
* Theo anh, nhằm quảng bá các giá trị của nghệ thuật truyền thống như cải lương đến với giới trẻ thì điểm chạm cần thiết để khán giả thấy thân quen là gì?
- Đầu tiên, sân khấu cải lương vốn là môn nghệ thuật dân tộc của Việt Nam, nghệ sĩ chỉ cần làm đúng, đưa vào các kịch bản hay, gần gũi với xã hội.
Ví dụ nếu như lấy kịch bản phim Mai chẳng hạn, chuyển thể thành cải lương thì tôi tin khán giả sẽ rất thích. Khâu kịch bản là quan trọng trước hết, sau đó mới là sự đầu tư vào diễn viên. Bởi diễn viên dù diễn hay đằng trời mà kịch bản không hay thì vẫn thất bại.
Nếu như kịch bản Bố già, Nhà bà Nữ, hay Mai được đem chuyển thành cải lương với đội ngũ nghệ sĩ gạo cội, tôi tin chắc chắn là “com-lê” (chỉn chu) ngay, khán giả sẽ thích ngay. Mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có khán giả riêng và sân khấu cải lương vẫn có những khán giả rất đam mê, ghiền xem cải lương.
Nhưng hiện tại mình vẫn thiếu kịch bản hay. Các vở diễn vẫn xào nấu lại kịch bản cũ, kinh điển chứ kịch bản hoàn toàn mới vẫn còn rất hạn chế. Nếu như có đội ngũ biên kịch hay như bên Trấn Thành, chắn chắn sân khấu cải lương sẽ trở nên thu hút và lôi cuốn với khán giả hơn nữa.
* Cá nhân anh đang ấp ủ dự án nào nhằm quảng bá cải lương tới giới trẻ?
- Với tôi, cái gì có hai chữ cải lương thì ai mời là tôi sẵn sàng tham gia ngay. Còn về dự án cá nhân, tôi cũng đang ấp ủ một sấn khấu riêng cho cải lương nhưng ý tưởng này đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Thứ nhất là do chưa có mặt bằng, thứ hai là chưa có đủ kinh tế để làm một sân khấu riêng cho cải lương. Thời gian tới, khi tôi không còn đứng trên sâu khấu hát nữa thì tôi mong rằng sẽ có một sân khấu cải lương riêng để sản xuất ra các chương trình, tiếp tục gầy dựng và gìn giữ bộ môn nghệ thuật của dân tộc.
* Xin cám ơn anh đã chia sẻ!
Bình luận (0)