Kim Tử Long: Đình Văn, Lam Trường được khán giả tặng hoa, riêng tôi được tặng tiền

08/06/2023 13:03 GMT+7

"Bây giờ, mọi thứ đều khó khăn, không còn như ngày xưa nữa. Nhưng khán giả cải lương một khi đã yêu thương ai rồi đó thì yêu thương hoài luôn", Kim Tử Long chia sẻ.

NSƯT Kim Tử Long là một tên tuổi lớn của nghệ thuật cải lương đương đại. Có thời anh nổi tiếng tới mức khắp trong Nam ngoài Bắc vô vàn người ái mộ, diễn ở đâu cũng cháy vé. Cái tên Kim Tử Long như một thương hiệu riêng bảo chứng phòng vé, không ai là không biết tên. Trò chuyện với Kim Tử Long, chúng tôi được anh chia sẻ nhiều kỷ niệm về thời vàng son ấy.

10 giờ sáng đã hết vé, được khán giả tặng tiền - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Kim Tử Long từng là một tên tuổi sáng chói thời hoàng kim của cải lương thập niên 1990

NVCC

Có khán giả 83 tuổi theo chân từ ngày mới vào nghề tới giờ

* Anh có thể chia sẻ một vài ký ức đáng nhớ về thời kỳ vàng son đó? Đến giờ nhìn lại quá khứ ấy, anh có thấy tiếc nuối?

- Nghệ sĩ Kim Tử Long: Đối với tôi, cuộc đời nghệ thuật không có gì khó quên bằng việc có những fan trung thành, sau bao nhiêu năm trời họ vẫn theo mình. Họ vẫn theo dõi tôi, tôi hát ở đâu là họ có mặt, đó là hạnh phúc lớn của một người nghệ sĩ như tôi.

Nói về những ký ức vàng son ngày ấy, điều khiến tôi nhớ nhất là trước mỗi đêm nhạc, cứ 9 - 10 giờ sáng là phòng vé đã bán hết, muốn mua vé mời gia đình coi là phải dặn trước mấy ngày, chứ không phải như bây giờ, phòng vé lúc nào cũng thừa vé. Ở thời kỳ đó, những lớp nghệ sĩ như anh Vũ Linh, Long, rồi Ngọc Huyền, Thoại Mỹ là thế hệ may mắn được sinh trưởng trong môi trường sau năm 1975, được đào tạo trong các đoàn nghệ thuật, được hát rất thoải mái. Nghệ sĩ chúng tôi đi hát mà được ủng hộ là hạnh phúc lớn nhất.

Bây giờ, mọi thứ đều khó khăn, không còn như ngày xưa nữa. Nhưng khán giả cải lương một khi đã yêu thương ai rồi thì yêu thương hoài luôn, giống như chị Lệ Thủy, anh Minh Vương đến giờ có những khán giả bằng hoặc thậm chí lớn tuổi hơn vẫn còn theo dõi họ.

* Được biết khán giả ngày đó rất mê cải lương, đặc biệt là Kim Tử Long. Anh đi tới đâu là cháy vé tới đó. Anh có thể chia sẻ một số kỷ niệm từng có với khán giả ngày ấy?

- Tôi có một người khán giả mà thương tôi từ lúc mới bước vào nghề tới giờ. Lúc đó, tôi diễn vở Phụng Nghi Đình, vào vai Lữ Bố. Đây là vai diễn đầu tiên của tôi và người khán giả ấy lần đầu đi xem đã mê, theo tôi tới tận bây giờ. Người khán giả ấy năm nay là 83 tuổi, ở nhà mà có một phòng riêng chứa băng đĩa của tôi, từ cái băng cassette đến băng video, rồi CD tới VCD, DVD, nguyên một nhà.

Tôi coi căn phòng đó như bảo tàng về mình và gọi người khán giả ấy là má nuôi. Tôi còn bảo, khi nào má qua đời thì cho tôi xin một kỷ vật trong căn phòng đó làm kỷ niệm cho cuộc đời đi hát của mình. Tôi quay cũng mấy trăm tuồng rồi mà tuồng nào má cũng coi hết.

10 giờ sáng đã hết vé, được khán giả tặng tiền - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Kim Tử Long có những khán giả trung thành khiến anh biết ơn và nhớ mãi

NVCC

Má tên là Nguyễn Thị Mai, giới nghệ sĩ thời tôi thường gọi là má Bưởi vì cứ hễ tôi đi hát là má tới sân khấu, đem một cặp bưởi vô, kêu mọi người gọt ra, chấm muối ớt và chỉ để cho thằng Long ăn, không cho ai ăn cùng. Điều tôi muốn nói ở đây là, một khi khán giả đã thương nghệ sĩ cải lương rồi thì sẽ thương mãi.

Còn một kỷ niệm nữa, khi tôi biểu diễn ở nước ngoài, có một cô gái tới nói rằng "Anh ơi, má em muốn chụp hình với anh. Má em rất thần tượng anh, nghe anh hát hoài luôn, hôm nay anh hát ở đây bắt buộc phải mua vé đi coi anh hát bằng được". Tôi đồng ý tới chụp hình thì cô gái ấy dẫn đến một bác lớn tuổi và bảo "cho bác rờ con chút xíu nhé". Nói rồi, bác ấy đưa hai tay rờ lên má, lên trán, lên mũi. Tôi ngạc nhiên hỏi cô gái kia thì cô ấy bảo: "Má em không có thấy đường. Má em bị mù. Ở nhà, má thường mua băng của anh rồi bật lên nghe anh hát. Hôm nay má tới đây vì muốn sờ mặt anh xem anh có đẹp trai không".

Lúc đó, tôi mới cảm thấy tình cảm của khán giả là rất lớn. Họ yêu thương, ái mộ, dành tình cảm bao la cho tôi vì họ chỉ biết tới tôi qua giọng hát, diễn xuất chứ không qua đời tư. Vì thế nên tình cảm ấy mãi nguyên vẹn.

Được khán giả tặng tiền ngay sau sân khấu

* Anh từng tâm sự ngày đó đi hát còn được khán giả dúi vào tay bao lì xì bằng cát xê cả đêm diễn. Theo anh, tại sao ngày đó khán giả lại thân thiết, yêu quý nghệ sĩ đến thế?

- Tôi nghĩ, người khán giả bên sân khấu cải lương họ thật, sống thực tế hơn, không cần hoa hòe. Trong khi đó, nghệ sĩ cải lương thì nghèo nên khán giả thương mà cho tiền.

10 giờ sáng đã hết vé, được khán giả tặng tiền - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Kim Tử Long và nghệ sĩ Ngọc Huyền từng là cặp đôi "tiên đồng ngọc nữ" nổi đình đám

NVCC

Lúc đó, tôi nghèo lắm, mà hầu như các nghệ sĩ cải lương cũng đều như vậy hết. Chẳng hạn, khán giả nhìn chú Minh Sang diễn vai nghèo khổ quá liền lên cho tiền. Hay tôi thường diễn vai nông dân nghèo khổ bị cường hào ác bá đánh, khán giả xem xong thương quá nên lên cho tiền. Tôi nhớ nhất năm 1995, tôi ra Hà Nội diễn với nhiều ca sĩ khác như Đình Văn, Lam Trường… Các ca sĩ khác được tặng hoa còn riêng tôi được tặng tiền.

Sự khác biệt này do khán giả bên sân khấu cải lương họ thực tế và khi thấy nghệ sĩ cải lương diễn thì thương nên thay vì tặng hoa, họ tặng tiền. 

* Anh có nghĩ, do ngày nay mạng xã hội phát triển quá mạnh nên khán giả đối xử với nghệ sĩ không còn như xưa?

- Ngày nay có quá nhiều công nghệ hiện đại nên khi khán giả muốn, họ chỉ cần lên mạng là thấy nghệ sĩ, chẳng hạn như vào xem livestream của nghệ sĩ, xem ảnh cá nhân trên Facebook. Ngày xưa, để thấy được nghệ sĩ khó lắm chứ không phải như bây giờ. Bây giờ cứ lên mạng là biết rõ nghệ sĩ đi đâu, làm gì, nghệ sĩ không tự khoe thì cũng bị chụp trộm, quay trộm.

Ngày xưa làm gì có chuyện đó, muốn biết Kim Tử Long làm gì khó khăn lắm. Hay muốn gặp Kim Tử Long hay anh Vũ Linh thì khó lắm, chỉ có tới sân khấu thôi. Bởi vậy nên khán giả háo hức, mong chờ nghệ sĩ hơn.

Ngày xưa ở sân khấu hay ngồi ghế sắt, vừa kết thúc tuồng, nhạc vang lên, màn kéo lại là tôi nghe tiếng lẻng kẻng người ta đứng dậy vội vàng để chạy ra ngoài giành chỗ đứng nhìn nghệ sĩ đi ra. Bây giờ công nghệ 4.0 quá nhiều, người ta nhìn thấy nghệ sĩ khắp nơi, mở điện thoại lên là thấy, thì còn gì háo hức ra sân khấu nữa. Ngày xưa không có đâu, nên mỗi người khán giả đến với người nghệ sĩ nào là họ tới bằng cái tâm, tới bằng tình cảm thật sự.

10 giờ sáng đã hết vé, được khán giả tặng tiền - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Kim Tử Long mang ơn NSND Phùng Há, người được ví là Tổ nghề sống của cải lương Nam bộ

CHỤP MÀN HÌNH

* Anh có cảm thấy tiếc nuối về thời điểm ấy không?

- Tôi không tiếc nuối mà quá mãn nguyện với thời cải lương hoàng kim ấy, khi tôi được khán giả yêu thương trọn vẹn. Thật tiếc khi các bạn trẻ bây giờ không như hồi đó. Nhưng bù lại, các bạn có công nghệ, có internet, có cộng đồng mạng để theo dõi mình và tiếp cận công chúng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, để có được cảm xúc mở màn ra khán giả đầy khắp khán phòng, tối nào cũng vậy, thì chắc chắn không còn nữa.

Các bạn trẻ bây giờ cũng không có các vai diễn hay như thời trước. Chúng tôi ngày xưa tập một tuồng từ 4 đến 5 tháng mới ra, diễn dở cũng được đến 400 suất, còn tuồng nào hay là cả ngàn suất. Như vở Sida, vở Tô Ánh Nguyệt là diễn cả ngàn xuất. Bây giờ đâu có chuyện đó, nghệ sĩ toàn vào thu âm, có công nghệ lo, nên không còn những cái trải nghiệm như ngày xưa.

Kỷ niệm đáng nhớ với NSND Phùng Há và các đồng nghiệp

* Trong các đồng nghiệp, anh diễn cặp thành công với nghệ sĩ Ngọc Huyền. Anh có thể hé lộ một số kỷ niệm giữa mình và cô ấy?

- Ngọc Huyền là một cặp ăn ý với tôi, thường gọi là "tiên đồng ngọc nữ". Tiếc là sau này Ngọc Huyền lập gia đình và định cư tại Mỹ cho nên hai anh em gián đoạn, không được hát chung.

Bây giờ Ngọc Huyền thỉnh thoảng về nước và cũng hát với tôi, nhưng hát tuồng thì ít, mà đi show, đi lẻ thì nhiều. Ngọc Huyền là một nghệ sĩ đa tài, chịu khó tìm tòi, học hỏi những cái mới để đưa vô cải lương.

Ngoài Ngọc Huyền ra còn có Thoại Mỹ nữa. Thoại Mỹ là một nghệ sĩ mà đến giờ phút này vẫn giữ được khán giả yêu thương, dành tình cảm. Chỉ tiếc là Thoại Mỹ sức khỏe không được tốt. Nếu sức khỏe của Thoại Mỹ tốt thì Thoại Mỹ sẽ có nhiều vai diễn hơn.

* Được biết, nghệ danh Kim Tử Long do NSND Phùng Há - huyền thoại của cải lương đặt cho anh. Anh còn nhớ kỷ niệm nào về bà?

- Ngày xưa, khi má Bảy đặt cái tên Kim Tử Long cho tôi thì mấy người bạn học trong trường kêu: "Trời ơi, Kim Tử Long là con rồng chết, Tử là chết, con rồng chết".

Tôi nghe vậy anh mới nói "Má ơi má, má coi đặt lại dùm con cái tên đi, Kim Tử Long là con rồng chết đó má".

Má lập tức giải thích: "Bậy quá, đứa nào nói bậy quá. Không phải, Kim là vàng, Tử là con, Long là một con rồng vàng. Kim Tử Long là con rồng vàng nhỏ. Cuộc đời con nếu chăm chỉ, ham học hỏi thì con sẽ trở thành một con rồng lớn". Tôi về hỏi ba thì ba cũng bảo má Bảy nói vậy là đúng.

Trong sự nghiệp, vai diễn giúp tôi được khán giả biết tới là vai Gia Đồng trong vở Nàng Tiên Mẫu Đơn, cũng là má bảy Phùng Há đã động viên tôi nhận vai đó.

Lúc mới ra trường, ai cũng muốn giành vai hát kép chánh hết, không ai chịu đóng vai hề hết, cuối cùng đẩy qua đẩy lại là đẩy qua tôi. Má Bảy thấy thế mới hỏi: "Thằng Long nó đang hát kép mà, sao đưa nó vai hề?". Đạo diễn bảo hết người rồi. Khi ấy, tôi cũng buồn, nhưng má Bảy động viên: "Đừng con, đừng có buồn, cứ làm đi. Con làm vai này má thấy sẽ thành công". Và đúng thật, khi tôi hát vai hề đó thì bắt đầu khán giả biết đến Kim Tử Long.

* Nhạc sĩ Minh Vy là một trong những người lăng xê thành công cho anh, anh hãy chia sẻ đôi lời về ông bầu quyền lực này?

- Minh Vy là một nhạc sĩ rất có tài, có trí. Cậu ấy biết khai thác và biết đãi cát tìm vàng. Năm 1994, Minh Vy chính thức mời tôi về hợp tác với Hãng Phim Trẻ và ký hợp đồng cho tôi làm tất cả về cải lương, hồ quảng, cho tôi đóng chính.

Một năm sau, Minh Vy lại bảo mời tôi qua lĩnh vực ca nhạc. Lúc đầu, tôi từ chối vì không biết hát ca nhạc. Minh Vy nghe vậy mới động viên tôi: "Em tin tưởng ở anh, anh qua đi, em làm và em dựng cho anh".

Nhờ Minh Vy, tôi vượt khỏi cải lương, lấn sân thành công ca nhạc, với những bài như Xin anh đừng hái hoa, Ra giêng anh cưới em…

* Anh từng chia sẻ rằng gần đây sức khỏe giảm sút, có nhiều vấn đề. Hiện tại, sức khỏe của anh thế nào?

- Tôi đã ổn rồi, sức khỏe rất tốt, chỉ bị gút thôi. Tôi bị gout do ăn nhiều, đặc biệt mê ăn hải sản. Một mình tôi có thể ăn 2kg ghẹ. Chính vì vậy, tôi bị dư acid uric, chất đạm nhiều quá cho nên mới bị gout. Bác sĩ mới bảo tôi là nếu muốn khỏe thì phải ngưng ngay việc ăn nội tạng động vật, không được ăn hải sản nhiều, không được ăn nhiều thịt đỏ. Tôi kiêng cữ nên giờ sức khỏe ổn rồi.

* Xin cám ơn anh và chúc anh thật nhiều sức khoẻ!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.