Kingston FURY Beast – Nhập môn RAM DDR5, giá hấp dẫn, hiệu năng cao

21/03/2022 12:41 GMT+7

Intel là hãng đầu tiên tung ra nền tảng tương thích với RAM DDR5, và Kingston FURY Beast sẽ là một lựa chọn hợp lý cho những người muốn sở hữu một hệ thống Z690 từ tầm trung lên cao cấp.

Nền tảng Intel Alder Lake có sự thay đổi cực lớn so với thế hệ 11, tái cấu trúc lại loạt vi xử lý nhằm cải thiện hiệu năng, và kết quả nhận được rất tốt. Kết hợp cùng RAM DDR5, sức mạnh của hệ thống được tăng cường đáng kể, và Kingston FURY Beast sẽ là linh kiện đồng hành chất lượng.

Nền tảng Z690 mới nhất của Intel

Với độ khan hiếm của RAM DDR5 ở thời điểm hiện tại thì không có sự kén chọn trong việc lựa chọn mua sắm. Tuy nhiên, các hãng lựa chọn ở phân khúc trung cấp sẽ được quan tâm nhiều hơn, bởi chúng phù hợp với các hệ thống máy tính từ i7 trở xuống. Kingston FURY Beast DDR5 với mức xung nhịp 5200MHz rất phù hợp cho những cỗ máy như vậy.

Kingston FURY Beast-5200 - Nhân vật chính của bài viết

Cần lưu ý là bạn vẫn có thể lựa chọn các bo mạch chủ Alder Lake (Z690 trở xuống) hỗ trợ DDR4, nhưng điều đó sẽ làm cho máy “bớt ngầu” hơn, đồng thời bị giới hạn về hiệu năng so với phiên bản tương đương tích hợp DDR5, bởi giới hạn xung nhịp RAM DDR4 vẫn thấp hơn DDR5 tương đối. RAM DDR5 sử dụng ít điện hơn, và cũng sẽ cải thiện hiệu năng dần trong tương lai khi BIOS của bo mạch chủ có thêm bản cập nhật.

Cận cảnh cặp RAM DDR5 đầu tiên của Kingston

Mặt sau của sản phẩm có ghi thông số kỹ thuật

Mức xung nhịp thấp nhất của DDR5 ở thời điểm hiện tại (thông số do nhà sản xuất cung cấp) là 4800MHz, và cao nhất là 6400MHz. Hiệu điện thế vận hành của RAM DDR5 cũng chỉ 1,1v, thấp hơn 20% so với DDR4. Điều đó giúp ép xung trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn và tránh được tình trạng giật cục khi điện thế thay đổi.

Đồng hành cùng ổ cứng Kingston Renegade PCIe 4.0 tốc độ cao

Về mặt kiến trúc, DDR5 thay đổi ở thiết kế bo mạch, với bảng PMIC và hub SPD, bên cạnh nhiều điểm khác. PMIC – IC quản lý điện – được tích hợp lên RAM giúp cho nhà sản xuất có thể thiết lập thông số trực tiếp trên linh kiện, đồng thời cải thiện tốc độ truyền tải tín hiệu và giảm bớt nhiễu. Bản thân RAM DDR5 cũng được trang bị ECC, dù không được tiên tiến như phiên bản dành cho máy tính, nhưng dù sao, cũng đủ dùng.

Asus ROG Maximus Hero Z690 có nhiều tính năng, khai thác hết sức mạnh của RAM và ổ cứng

Kết hợp cùng sự ra mắt của RAM DDR5 là XMP 3.0, tăng số lượng bộ tùy biến sẵn lên 3 (thay vì 2 trước đó). Người dùng cũng có thể đặt tên những bộ thiết lập XMP sẵn của mình bên cạnh các tên mặc định đầy nhàm chán như “Profile #1” và “Profile #2”. Với việc Alder Lake được tăng cường thêm tính năng Dynamic Memory Boost, cho phép hệ thống đẩy XMP lên cao hơn JEDEC DDR5-4800, máy tính của bạn có thể tải nặng hơn nhưng vẫn không bị giật cục hay giảm hiệu năng như trước.

Vi xử lý đầu bảng hiện tại của Intel - Core i9-12900K

Những chuyên gia ép xung hiện tại đã có thể thiết lập độ trễ của riêng mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất RAM DDR5 có thể tự tạo các bộ thông số riêng để linh kiện chuyển đổi qua lại một cách nhanh chóng giữa nền tảng Intel và AMD. Trước đây, các hãng thường phải sử dụng một bộ thông số chung cho cả 2 hệ thống, khá bất tiện khi tinh chỉnh.

RAM đạt chứng nhận Intel XMP Certified

Kingston FURY Beast DDR5 có ngoại hình không khác nhiều so với phiên bản DDR4. Tản nhiệt của sản phẩm gọn gàng, không được tích hợp đèn RGB, thích hợp cho các thùng máy kín. Trên hộp đựng của RAM có chứng nhận Intel XMP Certified, cho biết sản phẩm tương thích với XMP mới nhất của Intel.

Toàn cảnh bo mạch chủ Asus ROG Maximus Hero Z690

Hệ thống thử nghiệm:

Vi xử lý: Intel Core i9-12900K
Bo mạch chủ: Asus ROG Maximus Hero Z690
RAM: Kingston FURY Beast DDR5-5200 32GB (2x16GB)
Tản nhiệt: Arctic Liquid Freezer II ARGB 280mm
Card đồ họa: Đồ họa tích hợp Intel UHD 770
Ổ cứng: Kingston Renegade 2TB PCIe 4.0
Nguồn: FSP PTM Pro 1000W
Thùng máy: FSP CMT212

Trong phần thử nghiệm, chúng ta sẽ kiểm tra hiệu năng của Kingston FURY Beast ở 2 mức xung nhịp 4800MHz và 5200MHz để thấy được nền tảng Intel Alder Lake Z690 đem lại sự khác biệt như thế nào khi cho RAM DDR5 hoạt động ở các mức tốc độ khác nhau.

Kết quả thử nghiệm cụ thể của Kingston FURY Beast-5200:

1/ Cinebenchh R20 đa nhân:

4800MHz @ CL40-39-39-70: 10065 điểm
5200MHz @ CL40-40-40-80: 11212 điểm

2/ Cinebench R20 đơn nhân:

4800MHz @ CL40-39-39-70: 725 điểm
5200MHz @ CL40-40-40-80: 741 điểm

3/ wPrime 1024M:

4800MHz @ CL40-39-39-70: 46,211 giây
5200MHz @ CL40-40-40-80: 45,732 giây

4/ SuperPI 32M:

4800MHz @ CL40-39-39-70: 379,12 giây
5200MHz @ CL40-40-40-80: 372,06 giây

5/ AIDA64 Memory Benchmark – Đọc:

4800MHz @ CL40-39-39-70: 72468 MB/giây
5200MHz @ CL40-40-40-80: 77365 MB/giây

6/ AIDA64 Memory Benchmark – Ghi:

4800MHz @ CL40-39-39-70: 68832 MB/giây
5200MHz @ CL40-40-40-80: 76197 MB/giây

7/ AIDA64 Memory Benchmark – Sao chép:

4800MHz @ CL40-39-39-70: 67823 MB/giây
5200MHz @ CL40-40-40-80: 76346 MB/giây

8/ AIDA64 Memory Latency – Độ trễ:

4800MHz @ CL40-39-39-70: 84,7 ns (nano giây)
5200MHz @ CL40-40-40-80: 91,9 ns (nano giây)

9/ Dota 2

4800MHz @ CL40-39-39-70: 188,7 khung hình/giây
5200MHz @ CL40-40-40-80: 195,3 khung hình/giây

10/ Shadow of the Tomb Raider

4800MHz @ CL40-39-39-70: 194 khung hình/giây
5200MHz @ CL40-40-40-80: 205 khung hình/giây

Kết luận

RAM DDR5 hiện tại đang có những mức xung nhịp lên đến 6400MHz hoặc 6600MHz. Sự khác biệt giữa 2 nấc 4800MHz và 5200MHz (400MHz) có thể nhận biết được ở một vài tác vụ liền mạch như sao chép, đọc, ghi và thậm chí là số khung hình/giây khi chơi game. Vì vậy, về lý thuyết, khi nâng các mức xung nhịp lên cao nhất có thể, hệ thống sẽ vận hành mạnh mẽ hơn. Vấn đề quan trọng hiện tại vẫn là mức giá thành để sở hữu sản phẩm. Cặp RAM Kingston FURY Beast 5200MHz được định vị cho phân khúc tầm trung, đang được bán ra xấp xỉ 8 triệu đồng cho phiên bản 32GB, vẫn khá cao so với RAM DDR4. Tuy nhiên, nếu so với những gì linh kiện này đem lại, đó vẫn là món đầu tư hợp lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.