Những tiệm net cũ đang... tự đào thải
Mô hình các tiệm net truyền thống đã tồn tại được hơn 10 năm, kể từ thời kết nối internet bằng quay số dial-up “chậm như rùa” đến với Việt Nam. Trong quá trình phát triển, các tiệm net “đi lên” từ ADSL rồi cáp quang, máy móc cũng được trang bị ngày càng mạnh hơn.
Trong suốt khoảng thời gian đó, “trận chiến” chủ yếu giữa các tiệm net vẫn là cạnh tranh về giá và “chạy đua vũ trang” cấu hình máy. Nơi nào máy mạnh, giá rẻ thì đông khách, chỉ đơn giản có vậy. Tất cả mọi thứ khác đều chẳng được ai lưu tâm. Do đó, chẳng khó khăn gì khi có thể tìm thấy những tiệm net có chất lượng không mấy cao về vệ sinh, không khí “trong lành” là một điều quá xa xỉ bởi khói thuốc lá tràn ngập khắp nơi, thoang thoảng đâu đó là mùi “chua” của một ông khách nào đó lâu ngày... chưa tắm.
Những tiệm net kiểu cũ như thế này đang xoay sở rất chật vật để tồn tại
Các game thủ chẳng có nhiều lựa chọn khi đến chơi game tại các tiệm net, ngoài trừ hai tiêu chí để xem xét là giá thành và không gian lớn hay nhỏ (tùy thuộc họ có muốn chơi cùng đông đảo bạn bè hay không). Đó là chưa nói đến những dịch vụ xung quanh như thái độ phục vụ, các dịch vụ cộng thêm nhằm đem lại sự thoải mái cho khách hàng, v.v. Không phải không có phòng máy nào chú ý đến những khoản này, nhưng mức độ đầu tư tập trung, quy củ, chú trọng đến mọi khía cạnh trong cung cấp dịch vụ tiệm net là điều mà chưa ai làm được một cách bài bản.
BoBa Net, một trong những phòng máy đi tiên phong trong việc đầu tư vào môi trường trải nghiệm game
Chưa hết, vấn đề nghiêm trọng hơn nằm ở dư luận xã hội. Từ lâu, dưới mắt nhiều người, tiệm net gần như là… những “ổ tệ nạn”. Họ xem đó chỉ là nơi tụ tập của những kẻ vô công rỗi nghề, nơi những học sinh cá biệt trốn học, trốn gia đình ngồi cày game. Thậm chí là nơi mà thanh thiếu niên dễ bị sa đà vào những độc hại như web đen, thuốc lá hay những thứ còn tệ hại hơn. Nói chung “tiệm net là nơi cần tránh xa” là quan niệm của hầu hết các bậc phụ huynh. Thậm chí có những thời điểm chính quyền phải hạn chế việc cấp giấy phép kinh doanh tiệm net, với những quy định vô cùng ngặt nghèo.
Biết bao nhiêu tiệm net được mở ra, sau đó đóng cửa chỉ vì rập khuôn nhau, chạy đua giảm giá đến mức tự… đào thải mình. Có lẽ, các tiệm net cần tìm cho mình một hướng đi mới, thay đổi tư duy để có thể tồn tại và phát triển.
Hướng đi mới: Trải nghiệm chơi game cao cấp
Trong bối cảnh đó, phân khúc phòng máy cao cấp đang là một thị trường còn bỏ ngỏ, do cuộc cạnh tranh gay gắt về giá đã buộc các phòng máy dù lớn hay nhỏ, cấu hình mạnh hay yếu đều có mức giá tương đồng nhau, dao động từ 4.000 đến 7.000 đồng. Tất nhiên chất lượng dịch vụ từ đó sẽ đi xuống theo.
Tuy nhiên vẫn có những tên tuổi “trong ngành” quyết bứt phá, tìm điểm khác biệt riêng cho mình, đặc biệt là định vị vào phân phúc cao cấp. Đại diện cho mô hình này có thể kể đến loạt phòng máy Pink Cyber Games (PCG).
Tại một phòng máy trong chuỗi PCG nằm trên đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM mà phóng viên Thanh Niên Game (TNG) có dịp đến thăm, số lượng máy tại đây lên đến hơn 100, lúc nào cũng đông kín chỗ và điều đặc biệt là ngoài cấu hình mạnh, mỗi máy được trang bị bàn phím Amaru và chuột Black của thương hiệu gaming gear nổi tiếng Tt eSports.
TNG đã có một cuộc phỏng vấn với anh Trần Vĩnh Phúc, chủ chuỗi phòng máy Pink Cyber Games, về mô hình kinh doanh cao cấp mà anh đang theo đuổi:
TNG: Xin chào anh Phúc, anh đã kinh doanh phòng máy được bao lâu rồi? Tại sao anh quyết định theo đuổi mô hình này?
Anh Trần Vĩnh Phúc: Mình kinh doanh phòng máy đến nay đã được gần mười hai năm, còn chuỗi phòng máy Pink Cyber Games đã hơn một năm tuổi. Thật sự mình đã muốn làm mô hình này từ rất lâu rồi, mình muốn tạo ra một “sự khác biệt”. Trước đây ở Việt Nam ai cũng quan niệm “cao cấp” chỉ là “chạy đua” về cấu hình, “đua” mệt rồi lại thi nhau giảm giá. Đó không phải là cao cấp thực sự. Phúc đã đi thực tế tìm hiểu về các phòng máy thuộc phân khúc cao cấp ở những nước láng giềng như Thái Lan, Singapore… và tham khảo mô hình tại Đức và nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi theo.
“Cao cấp” không có nghĩa chỉ là cấu hình máy mạnh, mà còn nhiều thứ khác phục vụ cho việc trải nghiệm của các game thủ. Trước mắt, Phúc quyết định thí điểm tại chi nhánh Thành Thái, trang bị chuột và bàn phím Tt eSports cho toàn bộ phòng, kết quả thu được rất khả quan.
* Anh có thể nói rõ hơn về các bộ gaming gear mà anh trang bị cho phòng máy?
- Mỗi máy tại tiệm đều được trang bị “full set” gaming gear của Tt eSports gồm: bàn phím Amaru giá 700.000 đồng, chuột Black giá 1.300.000 đồng và lót chuột Dasher Mini giá 300.000 đồng.
"Full set" gaming gear bàn phím - chuột - lót chuột của Tt eSports.
* Khi đầu tư bộ gear xịn cho cả tiệm như vậy đồng nghĩa với việc tăng giá, anh có gặp phải khó khăn gì không?
- Có chứ! Lúc đầu khi tăng giá lên 10.000 đồng, một lượng khách đã phản ứng, chuyển sang quán khác rẻ hơn, nhưng mình lại có một lượng khách mới “trám” vào. Đây là đối tượng khách hàng sẵn sàng chi thêm tiền để có trải nghiệm tốt hơn. Điều thú vị là những khách cũ kia sau một thời gian “ly khai” cũng đã quay về tiệm (cười).
Mình tăng giá nhưng trang bị gear xịn, đồng thời phục vụ khách thật tốt thì giá không còn là trở ngại nữa. Khách hàng ở các chi nhánh PCG khác sau khi biết được việc nâng cấp cũng “la” ầm trời lên đòi mình trang bị chuột và bàn phím xịn.
* Ngoài đầu tư về gear, anh còn làm những gì để thể hiện sự khác biệt và cao cấp cho PCG?
- Đương nhiên đầu tiên vẫn là máy mạnh và gear xịn. Nhưng chưa hết, mình còn chú trọng vào dịch vụ, nâng cao thái độ phục vụ của nhân viên. Hút thuốc và chửi bậy ở PCG bị cấm hoàn toàn, các dịch vụ cộng thêm như phục vụ các món ăn thức uống đa dạng… Ngoài ra, PCG còn thường xuyên tổ chức các giải đấu định kỳ theo tuần, tháng, quý. Nói chung, mình làm hết mức có thể, nhằm đem lại cho game thủ một trải nghiệm chơi game thực sự cao cấp.
Đầu tư nhiều, hiệu quả kinh doanh cũng cải thiện thấy rõ. Nếu như trước đây, khi tiệm hết máy, khách hàng sẵn sàng qua những quán kế bên để chơi thì bây giờ câu chuyện đã khác. Họ sẵn sàng ngồi đợi đến khi có máy vì khách đã quen với việc sử dụng chuột, bàn phím xịn và được phục vụ “tận răng” rồi (cười).
* Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện
Anh Phúc còn chia sẻ với TNG, từ góc độ một người tâm huyết lâu năm trong nghề “phòng máy”, là anh hy vọng có thể góp phần làm thay đổi cái nhìn không mấy thiện cảm của nhiều người đối với nghề kinh doanh này.
“Ngày trước, ai hỏi mình làm gì, mình cứ xấu hổ, đâu dám nhận là chủ tiệm net. Vì nó giống như một nơi có quá nhiều “tệ nạn” kiểu như: con nít trốn học, hút thuốc lá, nói tục… Mọi thứ nay đã khác, mình quy định rõ ràng trẻ em không được chơi quá lâu, để còn trở về nhà học hành. Còn không gian thì như đã nói, sạch sẽ đúng nghĩa, không khói thuốc, không chửi bậy… Khách có biểu hiện không đúng sẽ được nhắc nhở, nếu không tuân thủ sẽ được lịch sự “mời” ra ngoài”, anh Phúc cho biết.
“Vì vậy hiện tại việc kinh doanh của các phòng PCG rất thuận lợi, nhà quản lý địa phương rất yên tâm khi làm việc với mình, thậm chí còn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi tổ chức giải đấu,” Anh vui vẻ nói. “Người dân xung quanh cũng không phàn nàn gì vì họ biết tiệm mình kinh doanh đàng hoàng, không xảy ra những vấn đề có thể ảnh hưởng đến họ”, anh Phúc nói thêm.
Phòng máy cao cấp: thị trường tiềm năng
Việc đầu tư lớn vào chuột và bàn phím, cùng việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ có thể gây trở ngại không nhỏ với các chủ phòng máy vì tâm lý cạnh tranh về giá đã ăn sâu trong tiềm thức họ một thời khá dài. Nhưng ví dụ điển hình từ hệ thống Pink Cyber Games cho thấy được tiềm năng của phân khúc phòng máy cao cấp đúng nghĩa vẫn đang bị bỏ ngỏ và chờ được khai thác.
Mô hình các phòng máy cao cấp ở thành công ở nước ngoài là chuyện không phải bàn cãi. Câu hỏi đặt ra rằng các phòng máy tại Việt Nam có vượt qua được trở ngại tâm lý cũ kỹ vốn đã đeo đuổi họ dai dẳng bấy lâu nay để tự làm mới mình, thay đổi để thành công hay không?
Bình luận (0)