Sôi động nhất từ trước đến nay
Ông Trần Đình Phúc, TGĐ Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) nhận định: "Tình hình đầu tư, xây dựng và khai thác cảng biển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện vào thời kỳ sôi động hơn bao giờ hết". Hầu hết các nhà khai thác cảng biển hàng đầu thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam, hình thành các liên doanh với các đối tác trong nước nhằm đầu tư và vận hành khai thác cảng biển. Có thể kể ra hàng loạt tên tuổi lớn như: Hutchison Ports (Hồng Kông) - nhà khai thác vận hành cảng container hàng đầu thế giới; PSA (Singapore); P&O Ports - Dubai World (Anh và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất), APM Terminal (Maersk A/S - Đan Mạch), SSA Marine (Mỹ)...
Chỉ khoảng 2 năm trở lại đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng như nghiên cứu thị trường; hình thành các liên doanh; lập dự án đầu tư, xây dựng và khai thác cảng. Đầu tiên là sự ra đời của Công ty cảng container trung tâm Sài Gòn vào cuối tháng 6.2006. Đây là liên doanh giữa P&O Ports - Dubai World với Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (TP.HCM), đầu tư xây dựng cảng container có quy mô lớn nhất TP.HCM tọa lạc tại bờ tây sông Soài Rạp, trong KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) với tổng vốn đầu tư là 245 triệu USD. Theo Công ty cổ phần tư vấn Portcoast, đơn vị lập dự án đầu tư xây dựng cảng container trung tâm Sài Gòn, sau 1 năm rưỡi nữa, đây sẽ là cảng container có công nghệ tiên tiến và thiết bị bốc dỡ hiện đại nhất Việt Nam, với tổng công suất của cảng đạt 1,5 triệu TEU/năm (1 TEU tương đương với container 20 feets).
Việt Nam có sức hấp dẫn rất cao
Ông Paul Hoogwaerts, TGĐ Công ty Maersk Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc Tập đoàn A.P.Moller - Maersk (Đan Mạch) đánh giá: "Thị trường Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, hơn cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á". Tập đoàn A.P.Moller - Maersk đã xác định Việt Nam là thị trường chiến lược, trong đó Maersk Line đơn vị vận tải biển chủ lực của Tập đoàn A.P.Moller - Maersk đã công bố kế hoạch tăng trưởng kinh doanh hơn 200% tại Việt Nam từ nay đến năm 2010 trong lĩnh vực vận tải biển container. Maersk Việt Nam còn mở thêm 2 chi nhánh tại Quy Nhơn và Đà Nẵng, nâng tổng số lên 5 chi nhánh tại Việt Nam.
Sự quan tâm của phần đông các nhà đầu tư đổ dồn về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hutchison Ports Group (Hồng Kông) trước Tết Đinh Hợi đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng, khai thác khu cảng container với thời hạn 50 năm tại Thị Vải với tổng vốn đầu tư khoảng 267 triệu USD. Đầu năm 2007, dự án cảng quốc tế SP - PSA (Cảng Sài Gòn - PSA) được cấp phép với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD; tháng 12.2006 dự án cảng quốc tế Cái Mép (Cảng Sài Gòn - APMT) có tổng vốn đầu tư 187 triệu USD; tháng 10.2006 dự án cảng container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA cũng được cấp phép, với tổng vốn 160 triệu USD. |
Ông Paul Hoogwaerts nói: "Nhu cầu xây dựng cảng là cấp thiết, nhất là cảng nước sâu cho những tàu lớn có thể vào Việt Nam mà không phải trung chuyển qua các nước trong khu vực. Hiện nay, chủ hàng từ TP.HCM muốn chuyển hàng đến Mỹ hoặc châu u sẽ phải sử dụng tàu con chở hàng đến Singapore, Đài Loan hoặc Hồng Kông.
Nếu Việt Nam có cảng nước sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cho tàu lớn cập cảng, thì hàng hóa từ các cảng trong nước như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP.HCM sẽ được chuyển đến cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và đưa thẳng lên tàu lớn để đi châu u, Mỹ. Như vậy, thời gian sẽ được rút ngắn khoảng 1 tuần, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ đến tay người tiêu dùng sớm hơn.
Giá trị hàng hóa của Việt Nam khi đó sẽ được nâng cao, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu như thủy hải sản, nông sản thực phẩm". Cũng chính điều này đã thôi thúc Tập đoàn A.P.Moller - Maersk liên doanh với cảng Sài Gòn đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cái Mép cho tàu container trọng tải đến 80 ngàn DWT, với công suất gần 1 triệu TEU/năm.
Mai Vọng
Bình luận (0)