Các nước châu Á ngày càng không thoải mái với cơn sốt bitcoin

26/12/2017 07:54 GMT+7

Từ Trung Quốc, Úc cho đến Singapore, các nhà quản lý ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng không thoải mái với sự gia tăng của các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Haruhiko Kuroda, hôm 21.12 đã gọi sự tăng giá của bitcoin là “điều bất thường”. Những nhận xét của ông Kuroda một lần nữa lặp lại lời cảnh báo trước đây của các nền kinh tế lớn trong khu vực, bao gồm Úc, Hàn Quốc và Singapore. Thái độ lo ngại này không phải là không có căn cứ vì châu Á chiếm phần lớn trong kinh doanh bitcoin toàn cầu. Biến động giá mạnh mẽ, khó lường của đồng tiền này là một vấn đề được các nhà quản lý quan tâm đặc biệt. Giá trị bitcoin đã tăng hơn 1.000% trong năm nay.
Song, mặc cho cuộc chạy đua giới thiệu các dịch vụ tài chính liên quan đến tiền kỹ thuật số như việc hai sàn giao dịch CBOE, CME phát hành hợp đồng tương lai bitcoin, hay việc Goldman Sachs đang lên kế hoạch mở phòng giao dịch tiền tệ số, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn không hoan nghênh loại tiền này. Dưới đây là cái nhìn khái quát về những gì các nhà chức trách trong khu vực đã cảnh báo, theo CNBC tổng hợp.
Trung Quốc - Muốn kiểm soát hoàn toàn
Các nhà quản lý Trung Quốc đã nhanh chóng kiềm chế các hoạt động giao dịch tiền tệ số khi đưa ra lệnh cấm kinh doanh bitcoin và ICO, hoạt động kêu gọi vốn của các doanh nghiệp thông qua đợt phát hành tiền kỹ thuật số lần đầu, hồi tháng 9.2017. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho rằng nếu không kiểm soát thị trường tiền ảo thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những rủi ro tài chính nghiêm trọng. Song, mặc dù có lập trường khá cứng rắn với bitcoin, PBOC cho biết họ vẫn đang nỗ lực để phát hành loại tiền kỹ thuật số riêng.
Nhật Bản - Chưa có kế hoạch phát hành tiền số riêng
Nhật Bản là nước tiên phong trong việc hợp pháp hóa bitcoin. Các nhà lập pháp Nhật Bản hồi tháng 4.2017 đã cho phép sử dụng bitcoin và một số loại tiền kỹ thuật số khác để thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có kế hoạch phát hành đồng tiền số riêng của mình. Gần đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tham gia vào “dàn hợp xướng” lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng về mật độ giao dịch cũng như giá trị của bitcoin. Thống đốc Kuroda nói rằng bitcoin “đang được giao dịch cho mục đích đầu cơ” hơn là hoạt động như một phương tiện thanh toán.
Ấn Độ - Lo ngại về việc sử dụng bất hợp pháp
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro trong kinh doanh các loại tiền ảo. Giới quản lý cũng lo ngại rằng sẽ có trường hợp dùng tiền tệ số để trốn thuế, rửa tiền hoặc khủng bố tài chính. Tuần trước, chính quyền nước này đã mở rộng điều tra về những hành vi sai trái có liên quan đến tiền kỹ thuật số.
Hàn Quốc - Giám sát các định chế tài chính
Hàn Quốc đã cấm các tổ chức tài chính trong nước kinh doanh tiền ảo, bao gồm việc mua, sở hữu hoặc nắm giữ loại tiền này như tài sản thế chấp. Hoạt động ICO cũng sẽ bị cấm, theo tuyên bố hồi đầu tháng này của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc. AFP cho hay Hàn Quốc chiếm khoảng 20% lượng giao dịch bitcoin trên thế giới. Ước tính khoảng một triệu người nước này, đa số là các nhà đầu tư vừa và nhỏ, sở hữu bitcoin.
Úc - Bitcoin là “cơn sốt đầu cơ”
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc, ông Philip Lowe, đã gọi sự bùng nổ các loại tiền ảo là “cơn sốt đầu cơ” và cho rằng bitcoin có xu hướng hấp dẫn những người giao dịch trong nền kinh tế bất hợp pháp hơn là người có nhu cầu dùng nó để thanh toán. Ông Lowe cũng đề cập tới khả năng Úc sẽ phát hành một hình thức kỹ thuật số cho nội tệ trong thời gian gần.
New Zealand - Bitcoin là “trường hợp bong bóng điển hình”
Theo ông Grant Spencer, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ New Zealand, giá trị bitcoin biến động rất khó lường và là “trường hợp bong bóng điển hình”. Ông Spencer cho rằng tiền tệ số có thể đóng một vai trò nào đó trong tương lai, nhưng ông tin nó sẽ không phải ở dạng bitcoin.
Đông Nam Á - Cảnh giác trước những rủi ro tiềm ẩn
Đông Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Hiện các nhà chức trách đã ban hành một số cảnh báo mạnh mẽ nhất về những rủi ro tiềm ẩn của tiền ảo. Theo tờ Jakarta Post, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, có kế hoạch sẽ cấm các giao dịch tiền tệ số bắt đầu từ năm 2018 nhằm bảo vệ nội tệ rupiah.
Singapore, một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới, cho biết trong một thông báo hồi đầu tuần rằng các nhà đầu tư “có nguy cơ mất toàn bộ vốn” do tính đầu cơ của tiền ảo. Trong khi đó, các sàn giao dịch chứng khoán ở Thái Lan có khả năng sẽ hình thành bong bóng trong không gian tiền kỹ thuật số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.