Chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường

20/02/2016 15:14 GMT+7

Tận dụng nước thải, chất thải rắn trong chăn nuôi phục vụ sinh hoạt và sản xuất đang là một hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Tận dụng nước thải, chất thải rắn trong chăn nuôi phục vụ sinh hoạt và sản xuất đang là một hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Sử dụng biogas trong chăn nuôi làm chất đốt giúp giảm chi phí sinh hoạt và ô nhiễm môi trường - Ảnh Hoài PhongSử dụng biogas trong chăn nuôi làm chất đốt giúp giảm chi phí sinh hoạt và ô nhiễm môi trường - Ảnh Hoài Phong
Cộng đồng cùng hưởng lợi
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), mỗi năm tổng đàn gia súc, gia cầm ở ĐBSCL thải ra môi trường khoảng 5 triệu tấn chất thải rắn và trên 2,5 triệu tấn chất thải lỏng. Để giảm ô nhiễm môi trường do chăn nuôi, những năm qua, từ nhiều nguồn tài trợ, các tỉnh ĐBSCL đã xây dựng 16.533 bể biogas kiên cố và túi ni lông giúp xử lý đáng kể chất thải trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn.
Bà Phan Thị Thu Sương, Giám đốc Ban quản lý Dự án hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (Dự án LCASP) Bến Tre, cho biết tỉnh hiện có khoảng 600.000 con gia súc các loại, với trên 40.000 hộ chăn nuôi có quy mô từ 10 con trở lên. Để giúp người chăn nuôi tái cơ cấu ngành theo hướng giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bến Tre đã được Dự án LCASP hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ xây dựng 3.600 hầm biogas; Ngân hàng NN-PTNT cho vay 80% giá trị hầm trong 3 năm lãi bằng 90% so với hiện hành… Qua 18 tháng triển khai thực hiện, Bến Tre đã xây dựng được thêm 2.380 hầm biogas loại nhỏ từ 50 m3 trở xuống. Qua đó không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà nước thải, chất thải rắn xử lý qua hầm biogas còn dùng tưới và bón cho cây ăn trái đạt hiệu quả rất tốt.
Ông Nguyễn Thái Nghĩa, Điều phối viên Dự án LCASP tỉnh Bến Tre, tính toán với lượng phân thải ra của 5 con trâu bò hay 10 con heo hoặc 100 con gia cầm là nông dân có thể xây dựng một công trình khí sinh học quy mô nông hộ. Giá trị kinh tế mà lượng khí sinh học mang lại chỉ tính riêng trong việc đun nấu sẽ giảm chi phí khoảng 3 triệu đồng/hộ/năm. Còn nguồn nước thải tưới cho cây trồng sẽ thay thế lượng phân hóa học rất lớn. Chỉ sau 2 năm xây dựng có thể khấu trừ đủ vốn đầu tư.
Phát điện bằng khí sinh học
Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, nói Tiền Giang đứng thứ 2 tại ĐBSCL trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại. Theo thống kê sơ bộ của Dự án LCASP, tỉnh có tổng đàn gia súc trên 674.000 con, 7,18 triệu con gia cầm; hơn 220 trang trại, chiếm 24% trong tổng số trang trại ở khu vực ĐBSCL. Tất cả các trang trại này đều xây dựng công trình khí sinh học và được nhiều nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Nhiều trang trại đã vận dụng khí sinh học vào việc chạy máy phát điện giảm chi phí tiền điện thắp sáng, máy bơm nước để tổng vệ sinh chuồng trại; đồng thời chia sẻ miễn phí cho một số hộ dân lân cận sử dụng làm chất đốt.
Ông Bùi Thế Minh (ngụ ấp Long Thạnh, xã Long An, H.Châu Thành, Tiền Giang) cho biết hơn 10 năm qua, ông đã cung cấp, lắp đặt hơn 30 máy phát điện vận hành động cơ bằng khí sinh học cho các chủ trang trại chăn nuôi gia súc. Theo ông Minh, đầu tư một máy phát điện vận hành bằng khí sinh học tốn khoảng 36 triệu đồng, bảo quản tốt sử dụng trong 20 năm, hộ chăn nuôi khoảng 100 con heo xây hầm biogas 26,5 m3 là đủ khí sinh học vận hành máy nổ kéo mô tơ 3 kW phát điện liên tục trong vòng 24 giờ, tùy theo cách vận hành sẽ giảm chi phí điện từ 30 - 40%.
Còn ông Bùi Văn Thường (ngụ ấp Thanh Hưng, xã Định Thủy, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) nói từ khi ông đầu tư xây dựng hầm biogas, lượng khí sinh ra 2 gia đình sử dụng không hết, xả bỏ thấy quá phí nên đầu tư thêm 13 triệu đồng mua máy phát điện chạy bằng khí sinh học để bơm nước vệ sinh chuồng trại. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được khoảng 60% chi phí tiền điện vệ sinh chuồng trại (khoảng 3 triệu đồng) và giảm gần 2 triệu đồng mua gas sử dụng.
Dự án LCASP thực hiện trong giai đoạn từ 2013 - 2018 tại 10 tỉnh Hà Tĩnh, Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 84 triệu USD (trong đó vốn ODA 74 triệu USD, vốn đối ứng 10 triệu USD). Dự án gồm 4 hợp phần: quản lý chất thải chăn nuôi, tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp cacbon thấp và quản lý dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.