Chỉ duy trì 100% vốn nhà nước tại 17 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng

20/10/2017 15:30 GMT+7

Đây là thông tin do Bộ Quốc phòng cung cấp tại cuộc họp báo giới thiệu về việc triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 diễn ra sáng nay, 20.10.

Theo báo cáo trình bày tại cuộc họp báo, quá trình sắp xếp, đổi mới, kết quả từ trên 300 doanh nghiệp trước năm 2000, đến nay còn lại 88 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý.

Bộ Quốc phòng đánh giá, trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế trong nước, khu vực và thế giới, nhiều doanh nghiệp quân đội vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững thương hiệu trên các lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng.

Tuy nhiên, công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn còn nhiều, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, cùng ngành nghề, hoạt động trên cùng một địa bàn; cơ cấu doanh nghiệp chưa hợp lý; công tác sắp xếp chưa gắn liền với công tác tổ chức lực lượng. Một số doanh nghiệp, qua thời gian qua còn tồn đọng về tài chính; đặc biệt một số doanh nghiệp hoạt động lưỡng dụng, xây dựng, thương mại, dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tài chính…

Về phương án tái cơ cấu, Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), cho biết hiện tại Bộ có 88 doanh nghiệp, theo đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt sẽ chỉ duy trì 100% vốn nhà nước tại 17 doanh nghiệp. Trong đó, giữ nguyên 12 doanh nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đồng thời hình thành 5 tổng công ty có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng trên cơ sở cơ cấu lại các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

Thực hiện cổ phần hóa 29 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là thương mại, xây dựng, dịch vụ; thoái vốn nhà nước tại 20 công ty cổ phần thuộc danh mục nhà nước không cần nắm giữ vốn điều lệ…  Như vậy, đến năm 2020, Bộ Quốc phòng còn 17 doanh nghiệp 100% nhà nước, 12 công ty cổ phần có vốn Bộ quản lý thực sự là các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự.
Để quán triệt toàn quân thực hiện đề án, Bộ trưởng Quốc phòng vừa ban hành một chỉ thị, kế hoạch quyết tâm đảm bảo đúng lộ trình. Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng cho biết, Quân ủy Trung ương thể hiện quan điểm nhất quán đối với các doanh nghiệp ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong trường hợp không cổ phần hóa được, thua lỗ, mất vốn kéo dài thì cho giải thể hoặc phá sản theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, báo cáo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho biết, năm 2017 dự kiến doanh thu đạt 379.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 46.500 tỉ đồng; thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, riêng Tập đoàn Viettel đóng góp doanh thu 241.620 tỉ đồng, lợi nhuận 39.850 tỉ đồng, chiếm tới 85% tổng lợi nhuận các doanh nghiệp, nộp ngân sách 41.000 tỉ đồng. Doanh thu của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đạt 10.160 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 1.340 tỉ đồng, chiếm gần 2,9% lợi nhuận các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.