Chiều nay 30.6, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định), Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) cùng 17 ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP bị kém chất lượng để cùng thống nhất thời gian, phương án khắc phục cụ thể đối với từng tàu dựa trên kết luận của Tổ thẩm định.
Không tiền trả nợ ngân hàng
Sáng 30.6, ngồi tựa mạn tàu hoài niệm về cuộc đời đi biển của mình, ngư dân Đinh Công Khánh (54 tuổi, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, H.Phù Cát, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS, bất chợt ứa nước mắt. Tàu cá của ông Khánh và nhiều tàu cá vỏ thép khác đang neo đậu tại cảng cá Đề Gi từ nhiều tháng qua để chờ sửa chữa.
Năm 15 tuổi, ông Khánh bắt đầu đi biển. Sau khi lập gia đình, ông đầu tư đóng con tàu vỏ gỗ 180 CV, tự mình làm thuyền trưởng lái tàu vươn khơi bám biển. Mấy chục năm trời, con tàu vỏ gỗ cứ đều đặn mang về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Làm ăn khấm khá, ông Khánh mua thêm chiếc tàu thu mua hải sản để phát triển kinh tế.
Năm 2015, ông Khánh đăng ký tham gia đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Tháng 5.2015, được ngân hàng cho vay 16,7 tỉ đồng, ông Khánh bán chiếc tàu vỏ gỗ của mình hơn 1,4 tỉ đồng để tập trung vốn ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng). Tháng 9.2016, gia đình ông Khánh hớn hở nhận con tàu cá vỏ thép BĐ 99086 TS trị giá hơn 18,5 tỉ đồng do Công ty Nam Triệu bàn giao.
Tuy nhiên, vào tháng 10.2016 và tháng 3.2017, tàu cá BĐ 99086 TS thực hiện 2 chuyến đánh bắt đều phải quay về bờ sớm do hầm bảo quản lạnh bị lỗi hoặc máy móc bị sự cố khiến ông Khánh chịu lỗ gần 600 triệu đồng. Ông Khánh phải bán luôn con tàu thu mua hải sản được 800 triệu đồng, trả nợ quý 1/2017 (vốn vay đóng tàu vỏ thép) cho ngân hàng 294 triệu đồng, số tiền còn lại tập trung sửa chữa tàu vỏ thép.
“Tàu vỏ thép nằm bờ để khắc phục gần nửa năm, tôi lấy tiền đâu mà trả nợ. Đến thời hạn trả nợ quý 2/2017 (vào tháng 5.2017), tôi không có tiền để trả nên phía ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn, mỗi ngày phải chịu tiền lãi hơn 3 triệu đồng. Cũng là tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, tại sao những con tàu kia mỗi chuyến ra khơi mang về cho chủ vài trăm triệu đồng, còn những con tàu này cũng có giá từ 15 đến 19 tỉ đồng lại nằm bờ suốt nửa năm qua, nợ của chủ tàu ngày càng phình to?”, ông Khánh bức xúc chỉ vào những con tàu vỏ thép trên cảng Đề Gi để chứng minh lời của mình.
Cạnh tàu ông Khánh, các tàu cá vỏ thép BĐ 99179 TS của ông Mai Văn Chương (ở xã Cát Hải, H.Phù Cát) và BĐ 99004 TS của ông Nguyễn Văn Lý (ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ), đều đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) gần như bị gỉ sét hoàn toàn. Vỏ tàu, thân tàu, các thiết bị trên tàu… đều bong tróc, xuống cấp nghiêm trọng. Những con tàu này không thể đánh bắt được vì mỗi khi thả lưới vây trên biển đều bị cuốn vào chân vịt.
“Con tàu của tôi trị giá 15,9 tỉ đồng nhưng mới bàn giao một năm mà trông như con tàu đã bỏ hoang lâu lắm rồi. Tại sao tỉnh Bình Định có 5 con tàu đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương đều gặp sự cố như nhau vậy? Tàu nằm bờ, còn tôi thì đang nợ ngân hàng 13,6 tỉ đồng, sổ đỏ cũng đã đem cắm ngân hàng để vay tiền làm tời kéo lưới trên tàu hết 270 triệu đồng rồi. Giờ lãi quá hạn lấy tiền đâu mà trả? Đường cùng rồi, chúng tôi phải kiện công ty đóng tàu thôi, đây là chuyện chẳng ai muốn. Chúng tôi chỉ mong sớm được đưa tàu ra khơi đánh bắt mà thôi”, ông Lý nói.
Theo các ngư dân, lãnh đạo các Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã nhiều lần hứa sửa chữa tàu cho ngư dân nhưng chưa thực hiện hoặc chỉ thực hiện cho có. “Tàu vỏ thép hàng chục tỉ đồng mà nằm bờ suốt mùa đánh bắt. Bây giờ gần hết năm rồi, công ty đóng tàu cũng chỉ hứa, chưa chịu thực hiện khắc phục. Có khi hết năm nay thì tàu chúng tôi chưa khắc phục xong”, ông Mai Văn Chương lo lắng.
Ngư dân bị ảnh hưởng rất nhiều
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện tỉnh Bình Định có 45 tàu cá vỏ thép đã đi vào hoạt động sản xuất từ 1 - 9 chuyến biển. Trong đó, 24 tàu sản xuất đạt hiệu quả khá, trung bình lãi khoảng 60 - 80 triệu đồng/tàu/chuyến biển, cá biệt có tàu lãi 500 - 700 triệu đồng/chuyến biển, còn lại 6 tàu hoạt động hòa vốn và 15 tàu sản xuất chưa hiệu quả. Sau khi nhận đơn của các ngư dân phản ánh về tình trạng tàu vỏ thép bị kém chất lượng, tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ thẩm định để kiểm tra. Kết quả thẩm định chất lượng 17 tàu cá vỏ thép (5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng và 12 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng), cho thấy có 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng dùng thép Trung Quốc thay vì thép Hàn Quốc, toàn bộ 17/17 tàu cá kiểm tra đều bị gỉ sét vỏ tàu, 9 máy chính trên các tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu không phải là máy thủy đồng bộ, chính hãng Mitsubishi...
“Việc tàu cá vỏ thép nằm bờ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của ngư dân, chủ tàu sẽ không có tiền trả nợ vốn vay của ngân hàng, các thuyền viên không có việc làm và ảnh hưởng đến vấn đề bám biển giữ chủ quyền của Tổ quốc. Tôi cũng khuyên anh em ngư dân, đừng để tàu cá nằm bờ chờ các công ty đóng tàu khắc phục, nếu tàu còn an toàn hãy ra khơi đánh bắt. Khi đơn vị sửa chữa tàu có lịch khắc phục sự cố thì chúng tôi sẽ thông báo”, ông Hổ nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Bình Định, trong thời gian tàu nằm bờ, ảnh hưởng rất lớn đến các chủ tàu và các ngư dân là thuyền viên đi biển. “Đối với họ thì ngày làm tháng ăn, tháng làm cả năm ăn chứ không như các ngành khác, nhất là khi người đi biển là lao động chính để nuôi cả gia đình. Vì vậy, cần có chính sách giải quyết vấn đề này. Tôi nghĩ, nên làm bản cam kết giữa ngư dân, cơ sở đóng tàu và người làm chứng, trong đó phải ghi cụ thể cam kết khắc phục như thế nào. Nếu chúng ta không có biện pháp cụ thể thì sau này rất khó để khắc phục được sự cố tàu vỏ thép kém chất lượng”, ông Hào nói.
tin liên quan
Đăng kiểm viên không phát hiện ra máy tàu vỏ thép đã cải hoánChiều 22.6, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tổ chức công bố kết quả sơ bộ của Tổ thẩm định tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ tại Bình Định.
Bình luận (0)