"Chúng tôi muốn đổi đất !"
Bà Nguyễn Thị Bé - ngụ ở P.An Khánh (Q.2, TP.HCM) cho biết vừa đổi 1.700m2 đất nông nghiệp cho chủ đầu tư một dự án để lấy 2 nền đất có diện tích 160m2 ở khu tái định cư. Bà và nhiều người dân tại địa phương đều cảm thấy hài lòng. Trước đó, dù đã nhiều lần hiệp thương giá đền bù bằng tiền, cả chủ đầu tư và người dân đều không thể thống nhất được vì giá đền bù quá thấp. Sau khi nghe phân tích về cái lợi của việc đổi đất nông nghiệp lấy đất đã có hạ tầng, nhiều người đã nhất trí với Ban quản lý dự án để được tái định cư ngay trong khu vực của dự án.
Ông Vũ Trọng Đắc - Phó giám đốc Công ty Phát triển và kinh doanh nhà TP.HCM, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới An Phú - An Khánh - phân tích: Theo phương án đã được thành phố phê duyệt, đất tại dự án có thể được đổi theo tỷ lệ 7%, 9% hoặc 11% (tùy theo dạng đất ruộng, đất vườn; có ở mặt tiền đường hay không). Như vậy, 1.000m2 đất ruộng tại đây, nếu theo phương án đền bù bằng tiền thì người dân có thể chỉ nhận được 200 - 300 triệu đồng nhưng nếu quy đổi ra tỷ lệ 7% thì với 70m2 đất đã có hạ tầng, theo giá hiện nay tại khu An Phú - An Khánh, thấp nhất là 9 triệu đồng/m2. Như vậy giá trị 1.000m2 đất ruộng ấy có thể lên đến 630 triệu đồng. Không chỉ người dân, mà chủ đầu tư cũng thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông Vũ Trọng Đắc cho biết: "Trong nhiều năm trước đó, khi chưa áp dụng phương thức hoán đổi đất, chúng tôi rất sốt ruột vì tiến độ giải tỏa cứ ì ạch mãi. Dự án với quy mô đến 131 ha mà vướng mắc chuyện giá đền bù khiến công ty không thể triển khai gì được. Từ khi áp dụng phương thức hoán đổi đất, đến nay công ty đã giải tỏa được 114 ha, đạt 86,7% toàn bộ diện tích dự án, số đất nền đã có hạ tầng được đưa ra hoán đổi cho người dân tái định cư trong phạm vi dự án cũng đạt đến 46.352m2".
Nhiều dự án nhà ở tại TP.HCM, tình hình đổi đất cũng diễn ra tương tự. Trong hơn 70 dự án đã áp dụng phương thức hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất có hạ tầng, hầu như khi đền bù bằng tiền thì vấp phải sự phản đối của người dân nhưng khi đưa ra phương án đổi đất thì người dân bằng lòng ngay. Thậm chí, trong một cuộc họp để thống nhất về việc đền bù giải tỏa một dự án ở quận 7, nhiều người dân đã phải đấu tranh với chủ dự án và chính quyền địa phương để được đổi đất.
Nhà nước cũng hưởng lợi
Mới đây, trong một hội nghị về kích thích thị trường bất động sản phát triển, khi đề cập đến tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Văn Đua - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng ngoài phương thức đền bù bằng tiền, các doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc áp dụng phương thức hoán đổi đất để triển khai nhanh các dự án nhà ở. Một văn bản của UBND TP.HCM đề cập đến vấn đề này cũäng xác định: "Đây là phương thức hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thông qua giá trị đất bị hoán đổi với số tiền đền bù chênh lệch tăng hơn so với khung giá chung, có lợi cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, thúc đẩy việc triển khai dự án được nhanh hơn, không bị ách tắc và cũng không ảnh hưởng đến công tác đền bù tại các dự án trên cùng địa bàn".
Ngoài việc có lợi cho người bị giải tỏa và nhà đầu tư, tiến độ các khu đô thị, khu dân cư được triển khai nhanh cũng là một cái lợi cho Nhà nước khi giải quyết được nhiều nhà ở cho người dân một cách nhanh chóng, diện mạo đô thị cũng vì thế mà thay đổi, phát triển.
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)