Do được công ty cung ứng cây giống, hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên người dân rủ nhau đầu tư trồng chuối trên diện tích lớn dọc biên giới thuộc xã Tân Đông. Thế nhưng, khi chuối chín rục vườn, công ty hẹn tới hẹn lui rồi tuyên bố ngưng thu mua làm người trồng chuối điêu đứng.
Doanh nghiệp làm lơ, bỏ mặc nông dân
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (58 tuổi), người đại diện 5 hộ dân đứng tên ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chuối già cấy mô Nam Mỹ với Công ty TNHH TM-DV Nông sản Ngọc Đỉnh (trụ sở tại H.Bình Chánh, TP.HCM) tỏ ra rất bức xúc khi tiếp xúc với PV Thanh Niên.
Theo nội dung hợp đồng, Công ty Ngọc Đỉnh cung cấp cây giống và cử người đến trang trại để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trong suốt quá trình sản xuất. Đồng thời, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm theo số lượng giống đã bán và diện tích đất đã triển khai, kể cả sản phẩm không đạt chất lượng. Hai bên thống nhất diện tích trồng 10,5 ha chuối tại ấp Đông Hà. Công ty Ngọc Đỉnh cung cấp tổng cộng 31.500 cây giống với giá 14.000 đồng/cây. Theo thỏa thuận, nông dân trả trước cho công ty 10.000 đồng/cây giống, còn 4.000 đồng sẽ trừ dần sau khi thu hoạch chuối. Về giá thu mua, Công ty Ngọc Đỉnh cam kết mua theo giá thị trường và thông báo bằng văn bản trước thời điểm áp dụng 10 ngày cho nông dân.
tin liên quan
Tuổi trẻ Đồng Nai mở chiến dịch 'giải cứu' chuối cho nông dânNgày 20.2, Hội LHTN VN tỉnh Đồng Nai cho biết đã phát động chiến dịch “Chung tay chia sẻ với những khó khăn của nông dân trồng chuối” tại địa phương. Chiến dịch này nhằm hỗ trợ tiêu thụ chuối già hương.
Ông Nghĩa cho hay trước tết, sau khi thấy chuối có dấu hiệu sắp chín ở vườn mình, ông đã chủ động liên hệ công ty cử người đến thu hoạch. Thế nhưng liên tục gọi hối thúc công ty thì chỉ nhận được câu trả lời kiểu ậm ờ cho qua chuyện. Đến khi vườn chuối chín đồng loạt, nông dân thúc giục thì công ty trả lời “nông dân tự tìm mối bán”.
Từ thời điểm này, cả năm hộ dân chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm thương lái thì các thương lái vào thu mua cũng cầm chừng (2-3 ngày/lần/khoảng được 1 tấn chuối) với giá chỉ còn 2.000 đồng/kg. “Thương lái chỉ mua những quày chuối còn xanh, trái tốt. Số còn lại chín đầy trên cây phải chặt bán lẻ hoặc đổ bỏ”, ông Nghĩa bức xúc.
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Nông sản Ngọc Đỉnh giải thích: “Do tình hình khó khăn chung toàn khu vực chứ công ty không hề trốn tránh trách nhiệm mà luôn tìm đầu ra cho bà con. Mặt khác do nông dân vội vàng trồng sớm, không đúng lịch của công ty đưa ra dẫn đến không đúng nhu cầu thị trường”.
Luật sư Nguyễn Thế Tân, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh, cho rằng trong câu chuyện này rõ ràng Công ty Ngọc Đỉnh đã không thực hiện đúng cam kết hợp đồng ngay từ việc “đảm bảo thu xếp, giao nhận hàng đúng theo thỏa thuận, đúng vụ mùa thu hoạch” cho bà con. Việc công ty đổ lỗi cho người trồng không đúng lịch để không đến thu mua là không thể chấp nhận bởi công ty là đơn vị chủ động cung cấp cây giống và đảm bảo kỹ thuật cho người dân trong suốt quá trình sản xuất.
Ông Nguyễn Duy Ân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, cho biết
hiện toàn tỉnh có 371,1 ha đất trồng chuối xuất khẩu. Ông Ân lý giải
hiện tượng người dân ào ạt trồng chuối xuất hiện từ khoảng tháng 4.2016.
Nguyên nhân do nhu cầu mua chuối của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc quá
lớn (trên 80%). Trước sự hấp dẫn của giá chuối khi thương lái đến thu
mua tại vườn lên đến 11.000 - 12.000 đồng/kg. “Sở dĩ người dân bán được vì
thị trường Trung Quốc dễ tính, không đòi hỏi chất lượng cao. Đó cũng
chính là nhược điểm khiến nông dân không thể bán được sản phẩm cho những
thị trường khó tính khác. Đến thời điểm này, Trung Quốc ngừng thu mua
dẫn đến chuối không tiêu thụ được”, ông Ân nói.
|
Bình luận (0)