Doanh nghiệp chế biến thịt ‘móc túi’ 2 đầu

30/04/2017 10:18 GMT+7

Giá heo hơi giảm xuống kỷ lục, nhưng giá thịt heo giảm nhỏ giọt, thậm chí có mặt hàng còn tăng, cho thấy các doanh nghiệp giết mổ, chế biến và kinh doanh thịt heo đang hưởng lợi lớn trong khi người chăn nuôi khốn khổ.

Để giải cứu thịt heo, trong chuyến công tác tại các tỉnh phía nam mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám có cuộc làm việc với 2 doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong lĩnh vực giết mổ, chế biến và kinh doanh thịt heo là Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) và Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Giá bán thịt gấp 3,5 lần giá heo hơi
Tại cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, cho biết giá thịt heo hiện nay ở mức 72.000 - 77.500 đồng/kg, tùy loại. Mức giá này được điều chỉnh từ ngày 27.4, giảm trung bình 3.000 đồng/kg. Tính từ đầu tháng 8.2016 đến nay Vissan đã giảm giá tổng cộng 4 lần và lợi nhuận của công ty chỉ còn 3,3% (?!) nên không thể giảm thêm.
Ông An còn đưa ra thêm một lý do để không thể giảm thêm giá thịt heo bán ra là: lượng thịt tiêu thụ ổn định, phần phụ phẩm (nội tạng) tăng không tiêu thụ được phải cho công nhân.
Trong khi đó, đại diện Sagri cũng than lỗ vì giá heo xuống thấp mà đơn vị này tự nuôi heo và giết mổ, chế biến lẫn tiêu thụ. Công ty bán ra thị trường tại các cửa hàng lẫn siêu thị liên kết cũng có mức giá theo chương trình bình ổn của TP.HCM.

tin liên quan

Ảm đạm ở 'thủ phủ' heo
Giá heo xuống thấp và kéo dài trong 6 tháng qua khiến hầu hết người chăn nuôi ở Đồng Nai, nơi được xem là 'thủ phủ' chăn nuôi lớn nhất nước rơi vào cảnh lao đao, phá sản, thậm chí còn phải cầm cố sổ đỏ, bán đất để trả nợ ngân hàng.
Thực tế các doanh nghiệp trên địa TP.HCM đồng loạt giảm giá bán thịt không phải là hành động tự nguyện mà do áp lực từ Sở Tài chính TP.HCM. Đơn vị này đã gửi thông báo điều chỉnh giá mặt hàng thịt gia súc của các doanh nghiệp tham gia bình ổn tại thị trường thành phố xuống khoảng 3.000 đồng/kg. Trong tuần này Satra và Vissan sẽ khuyến mãi giảm thêm 5 - 10%; tương đương 5.000 - 7.000 đồng/kg để kích cầu.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ KH-ĐT), nhận xét giá heo hơi giảm hơn 50% trong khi giá thịt chỉ có 5 - 10% vì mục tiêu của DN là lợi nhuận. “Họ không dại gì giảm giá đầu ra tương xứng với nguyên liệu đầu vào. Cuối cùng nông dân và cả người tiêu dùng đều chịu thiệt. Vậy ai được lợi? Những người giết mổ, phân phối, bán buôn, bán lẻ, những DN làm cả chuỗi thì họ là người được lợi lớn nhất”, ông Long phân tích.
Phân tích của ông Long hoàn toàn có cơ sở. Thực tế từ tháng 11.2016 đến nay giá heo hơi liên tục giảm nhưng giá bán thịt của các DN hầu như vẫn giữ nguyên. Trong cuộc làm việc của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Đồng Nai ngày 25.4, đại diện hiệp hội chăn nuôi ở đây cũng cho rằng giá heo hơi 23.000 - 24.000 đồng/kg thì chỉ cần bán thịt 50.000 đồng/kg doanh nghiệp đã lãi lớn. “Nhưng các DN này vẫn bán trên mức 70.000 đồng/kg nên người tiêu dùng thấy bất hợp lý là đương nhiên”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói trong cuộc gặp với Vissan.
Theo TS Long, vai trò của các DNNN là để bình ổn khi thị trường xảy ra những sự cố như hiện nay. Nhưng trong trường hợp này các DN đã không làm như vậy mà chỉ hô hào và giảm từ từ để đạt lợi nhuận tối đa. Nhà nước cần rà soát lại xem giá thành ở khâu nào vẫn còn cao; bán buôn hay bán lẻ để có giải pháp phù hợp.
Giảm ít, tăng nhiều
Khảo sát bảng giá bán thịt của Vissan (từ tháng 7.2016 đến tháng 4.2017) và ghi nhận thực tế cho thấy, bên cạnh một số mặt hàng có giảm giá nhẹ, có mặt hàng gần như giậm chân tại chỗ. Đơn cử, thịt ba rọi giảm 500 đồng/kg; sườn non giảm 600 đồng/kg, cá biệt xương ống ngược chiều tăng giá 3.000 đồng/kg; sườn già tăng 15.500 đồng từ mức 84.500 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg…
Ở góc độ tổng quan, ngoại trừ sườn non có giá đặc biệt cao; hồi tháng 7.2016, các sản phẩm thịt nhìn chung có giá cao gấp đôi giá heo hơi, nhưng đến tháng 4.2017 giá thịt các loại trung bình cao hơn 3 - 4 lần giá heo hơi.
Theo ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng giám đốc Vissan, vấn đề heo mất giá rất phức tạp và là hệ quả đã dự báo trước. Muốn giải quyết tình trạng hiện nay, trước mắt cần thống kê đàn để biết dư bao nhiêu con heo, tổ chức giết mổ và hạn chế phát triển theo hạn mức. Nên phân loại, heo 40 - 50 kg mổ cấp đông dự trữ để xuất khẩu; heo lớn giết mổ để pha lóc cấp đông, dự trữ cho Tết 2018. Loại bớt số lượng heo nái có chất lượng giống không tốt, tài trợ tài chính chi phí giết mổ chứ không nên khuyến khích phong trào giải cứu vì chỉ có tính động viên mà không thiết thực và trách nhiệm thực hiện.
"Khó khăn hiện nay cũng là cơ hội rất lớn để tái cấu trúc ngành chăn nuôi, làm thế nào để xuất khẩu thịt được thì giá cả sẽ ổn định, góp phần phát triển kinh tế. Cần lưu ý là phát triển đồng bộ giữa chăn nuôi, giết mổ công nghiệp, định hướng tiêu dùng, chế biến…", ông Mười nói.
Bộ NN-PTNT lập đường dây nóng, phát động giải cứu thịt heo
Ngày 29.4, Bộ NN-PTNT cho biết Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ký văn bản mở đầu mối tiếp nhận thông tin, kế hoạch đề xuất của mọi tổ chức, cá nhân, kết nối giữa các đối tác để triển khai hiệu quả chương trình giải cứu thịt heo, hỗ trợ người chăn nuôi sớm vượt qua khó khăn. Cụ thể, thông tin phản ánh gửi về Cục Chăn nuôi, số 16 Thụy Khuê, Q.Tây Hồ, Hà Nội, hoặc gửi về email: [email protected]; gọi điện theo số máy 04.37345447.
Bộ NN-PTNT cũng phát động chương trình: Chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi heo bằng những việc làm cụ thể. Theo đó, các DN triển khai ngay các chương trình giảm giá nguyên liệu đầu vào cho người chăn nuôi; người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thực phẩm từ thịt heo sản xuất trong nước; hỗ trợ tín dụng cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; tăng cường giết mổ chế biến, cấp đông dự trữ các sản phẩm thịt heo.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, DN, các hiệp hội cùng tuyên truyền, hưởng ứng chương trình này bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ người chăn nuôi sớm vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
P.Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.