Doanh nghiệp Trung Quốc đổ tiền thâu tóm ngành y tế nước ngoài

07/07/2016 17:47 GMT+7

Các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đang “tưng bừng mua sắm”, cố gắng mở đường vào nhiều thị trường quốc tế hơn bao giờ hết.

Theo dữ liệu từ hãng tin Bloomberg, các công ty Trung Quốc công bố hơn 3,9 tỉ USD thương vụ mua bán ở nước ngoài trong ngành dược phẩm, công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe trong năm nay, trên đà vượt mốc kỷ lục của cả năm ngoái và tăng gấp 10 lần số tiền đã chi hồi năm 2012.
Mức tăng trưởng trên được dẫn dắt bởi nhiều doanh nghiệp và tỉ phú Trung Quốc hiện tìm cách đa dạng hóa, xoay sở trước tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại ở nước nhà còn chính phủ thì thúc đẩy thương hiệu “Made in China”.
Tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc với gần 5.000 nhà sản xuất tích cực cạnh tranh, đẩy giá thuốc đi xuống. Thành công ở nước ngoài sẽ giúp họ mở rộng danh mục đầu tư, tìm kiếm khu vực mới cho tăng trưởng và dọn đường tiến vào các thị trường phát triển vốn có nhiều tiêu chuẩn quy định cao.
Trụ sở chính của Shanghai Fosun Pharmaceutical Group Reuters
Tiêu biểu trong các thương vụ gần đây là việc Creat Group của doanh nhân người Hoa Zheng Yuewen đồng ý mua hãng Bio Products Laboratory của Anh với giá 1,2 tỉ USD hồi tháng 5. Đây là thương vụ thâu tóm hãng dược phẩm quốc tế lớn nhất của một công ty Đại lục. Cũng trong tháng 5, Shanghai Fosun Pharmaceutical Group với sự hậu thuẫn của tỉ phú Guo Guangchang đề nghị mua 96% cổ phần công ty Ấn Độ Gland Pharma, hãng tập trung sản xuất các loại thuốc tiêm.
Ngành công nghiệp này của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động ở nước ngoài. “Có ít doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào các sản phẩm ngành dược đang nhận được sự phê duyệt ở Mỹ và châu Âu. Nếu các doanh nghiệp đó được chấp thuận, người Trung Quốc có thể sẽ hăng hái hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu hải ngoại, trong các lĩnh vực có sự liên kết chiến lược”, chuyên gia George Lin tại Bank of America cho hay.
Chen Qiyu, chủ tịch hãng Fosun Pharma, một trong những khách mua tích cực nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Đại lục, kỳ vọng sẽ tăng được doanh thu ngoại quốc lên đến 40% trên tổng số doanh thu trong 5 năm tới thông qua các thương vụ thâu tóm. Năm ngoái, Fosun Pharma nằm trong nhóm các nhà đầu tư mua lại hãng Ambrx chuyên nghiên cứu, phát triển protein trị liệu ở Mỹ với mức giá không được công khai.
Đối tác Franck Le Deu của hãng McKinsey & Co. cho hay các hãng dược Ấn Độ với chuyên môn sản xuất loại thuốc không có tên thương mại và hiện diện nhiều ở các thị trường phát triển là nền tảng tốt cho quá trình toàn cầu hóa của giới doanh nghiệp Đại lục.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng quan tâm đến việc thâu tóm bệnh viện ở Đông Nam Á, Úc, Singapore... AFP
Không chỉ mua các doanh nghiệp dược, công ty Trung Quốc cũng để mắt đến việc thâu tóm bệnh viện nước ngoài. Chủ tịch Luye Group Liu Dian Bo cho hay công ty ông đang tìm kiếm các thương vụ bệnh viện ở thị trường ngoại quốc, bao gồm Úc, Đông Nam Á, Singapore, Mỹ và châu Âu. Công ty này đặc biệt quan tâm đến các bệnh viện với khả năng đặc trị có thể hữu ích cho Đại lục.
Ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, doanh nghiệp Đại lục có xu hướng nhắm đến các công ty với doanh số từ 100 đến 300 triệu USD, có giá trị khoảng 300 triệu đến 1 tỉ USD, ông John Wong, chuyên gia hãng Boston Consulting Group cho biết. Các công ty Trung Quốc cũng có xu hướng tìm kiếm các doanh nghiệp bổ sung cho sự hiện diện trong mảng chuyên môn của họ.
Dù hăng hái “mua sắm”, ngành công nghiệp dược phẩm của Đại lục vẫn đang tuột xa sau nhiều lĩnh vực cũng như ngành công nghiệp dược phẩm ở các nước khác khi xét đến quy mô thâu tóm quốc tế. Trong lúc vội vã tìm kiếm chỗ đứng ở nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể mua nhầm các hãng “có doanh mục đầu tư yếu và đội ngũ quản lý địa phương biến mất sau khi công ty được bán”, chuyên gia Wong nhận định
Ngoài việc thiếu kinh nghiệm điều hành các tài sản nước ngoài của giới doanh nghiệp Trung Quốc, ngành y tế cũng là một lĩnh vực được quy định khắt khe, đôi khi là ngành nhạy cảm mà chính phủ các nước có thể lo ngại về việc khách mua Đại lục thực hiện thương vụ thâu tóm lớn, theo chuyên gia Le Deu ở hãng McKinsey.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.