Lạm phát Nhật Bản không tăng vì 'nặng gánh' an sinh xã hội

29/09/2017 10:36 GMT+7

Khoản đóng góp bắt buộc vào chương trình bảo hiểm xã hội dành cho nhân viên của các doanh nghiệp đang ngày càng tăng ở Nhật Bản, xét theo cả khía cạnh danh nghĩa lẫn tỷ lệ phần trăm sản lượng kinh tế.

Theo Bloomberg, giới doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng phải trả nhiều tiền hơn cho người lao động. Song vấn đề ở đây là số tiền trả thêm lại đi về các khoản thuế thu cho an sinh xã hội thay vì thực lương nhân viên nhận được. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực kéo cao lạm phát.
Các doanh nghiệp lo ngại rằng họ sẽ phải gánh thêm phần lớn gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu của chính phủ trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt tình trạng dân số thì già đi nhanh chóng, còn chính phủ thì chật vật xoay sở gánh nặng nợ lớn nhất thế giới.
Kenji Yumoto, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhật Bản kiêm cựu chuyên gia kinh tế tại Văn phòng nội các cho hay: “Chi phí lao động gia tăng đang ngày càng là nỗi lo của các doanh nghiệp. Nhân khẩu học đang lão hóa sẽ chỉ khiến chi phí vận hành doanh nghiệp đi lên trong lúc giới doanh nghiệp thiếu chắc chắn về triển vọng kinh tế nước nhà”.
Giới doanh nghiệp Nhật Bản chi tiền cho an sinh xã hội nhiều hơn là đóng thuế thu nhập doanh nghiệp Ảnh: Bloomberg
Tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ là thiếu sót lớn trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế, ngay cả khi chương trình kích thích kinh tế Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã và đang giúp doanh nghiệp thu lợi nhuận kỷ lục. Đôi khi, ông Abe buộc một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trả lương lao động cao hơn song ông không thành công. Hiện tại, trước cuộc bầu cử sắp diễn ra, Thủ tướng Nhật cho hay ông dự định chuyển một phần khoản tiền thuế dành cho an sinh xã hội sang mảng giáo dục. Điều này làm dấy lên câu hỏi về nghĩa vụ an sinh xã hội trong tương lai sẽ được xoay sở ra sao.
Dù lương bổng ở Nhật trì trệ trong nhiều năm, đôi khi còn sụt giảm, khoản tiền mà doanh nghiệp phải chi trả cho an sinh xã hội lại tăng 11% trong thập niên tính đến năm tài khóa 2015, theo hãng vận động hành lang doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản Keidanren. Theo Viện Nghiên cứu Daiwa, khoản thanh toán cho an sinh xã hội chiếm một phần trong nền kinh tế suốt nhiều thập kỷ và gần đây vượt quá số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vì lợi nhuận hiện thời, giới doanh nghiệp Nhật Bản có lẽ đang quá thận trọng trong việc tăng lương. Phí bảo hiểm xã hội là lý do lớn khiến các hãng Nhật muốn tuyển lao động không thường xuyên, tạm thời.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu NLI, chi phí dành cho một nhân viên thường xuyên cao gấp 2,4 lần so với chi phí trả cho một nhân viên không thường xuyên. Hiện số lao động không thường xuyên chiếm 38% lực lượng lao động, hưởng lương và mức độ bảo đảm trong nghề nghiệp thấp hơn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến tiêu dùng và lạm phát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.