Lãng phí 'đất vàng'

09/04/2018 09:12 GMT+7

Bình Thuận có chiều dài hơn 190 km bờ biển. Đất ven biển Bình Thuận được ví như đất 'vàng' bởi giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trải dài theo ven biển hiện nay có nhiều khu đất vàng bỏ hoang, rất lãng phí.

Hầu hết các huyện ven biển như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, La Gi và đặc biệt là TP.Phan Thiết, các dự án bất động sản du lịch chiếm rất nhiều khu đất vàng.
Riêng P.Mũi Né có 15 dự án, trong đó có 12 dự án chậm triển khai, 3 dự án bị UBND tỉnh yêu cầu phải thu hồi (16 ha).
Đủ các lý do để chậm triển khai
Ở vùng đất “quý như vàng” là P.Mũi Né nhưng có những dự án được chấp thuận đầu tư và giao đất từ năm 2001 đến nay vẫn không nhúc nhích. Khi làm việc với cơ quan chức năng, chủ các dự án đều đưa ra các “lý do” nhằm biện minh cho việc chậm triển khai là do ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến hải sản, chưa có quy hoạch chi tiết, do người dân không chịu bàn giao đất...
Tuy nhiên, có những dự án đã được tỉnh giao đất nhiều năm nhưng chỉ có một hộ dân còn đang khiếu nại đền bù với diện tích rất nhỏ cũng là “cớ” để doanh nghiệp “án binh bất động”.
Theo Sở KH-ĐT Bình Thuận, trong số 41 dự án chậm triển khai tại TP.Phan Thiết hiện nay, ngoài các nguyên nhân khách quan như kết cấu hạ tầng giao thông, vướng đền bù còn có nguyên do chủ quan từ chính các chủ đầu tư. Nhiều chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, thiếu thiện chí, xây dựng cầm chừng mang tính đối phó.
Trong số đó có thể kể đến như dự án Goldsand Hill Villa của Công ty TNHH Lộc Tú đã được tỉnh bàn giao đất 8,966 ha/tổng số 9,1 ha. Trong dự án này chỉ còn một hộ dân không chấp nhận giá đền bù với diện tích 1.500 m2 nên còn khiếu nại. Tuy nhiên chủ dự án cho rằng đây là “nguyên do” không triển khai được.
Một dự án án khác (chiếm tới 80 ha đất ở Mũi Né) nhưng chậm triển khai, đó là dự án khu đô thị Mũi Né Marina (KP.12). Dự án này được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007. Hiện nay UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý cho dự án này tiếp tục giãn tiến độ với lý do chưa có đất để di dời các ngôi mộ trong dự án.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất chủ trương giao Sở KH-ĐT thu hồi 3 dự án tại P.Mũi Né (16 ha) đó là các dự án của Công ty TNHH Thanh Loan (9,41 ha); dự án của Công ty Royaume (2,5 ha) và dự án Xuân Thành của Công ty Nam Hoàn Cầu (5 ha).
Lãng phí “đất vàng”
Ngoài 12 dự án tại P. Mũi Né, theo hồ sơ PV Thanh Niên có được, tại trung tâm địa ốc du lịch Bình Thuận là P.Hàm Tiến và P.Phú Hài cũng “đầy” các dự án chậm triển khai, gây lãng phí hàng trăm héc ta “đất vàng”.
Cụ thể tại P.Hàm Tiến, qua rà soát 8 dự án thì có đến 5 thuộc diện chậm triển khai, 3 dự án còn lại chậm đến mức bị UBND tỉnh thu hồi (tổng cộng gần 40 ha). Tất cả các dự án trên đã được Sở KH-ĐT Bình Thuận hối thúc nhiều lần nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ví dụ như khu biệt thự nghỉ dưỡng của Công ty CP Địa ốc Phan Thiết; KDL Cây Bàng, khu khách sạn nghỉ dưỡng Bình An…
Tại P.Phú Hài, nơi có di tích lầu ông Hoàng, Tháp Chăm Pô Sah Inư nổi tiếng cũng còn 6 dự án thuộc diện chậm triển khai. Đó là KDL Thái Thịnh (1 ha); KDL Hải Phú (1 ha); khu sinh thái biển Orient Resort (5 ha); đặc biệt là khu phức hợp lấn biển Phú Hài (rộng tới 442 ha, vốn đầu tư 1.800 tỉ đồng) được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2008. Cho đến nay, sau đúng 10 năm thì dự án này vẫn trên giấy. Hiện nay tỉnh đã giao Sở KH-ĐT thu hồi 3 dự án tại P.Phú Hài là KDL Anh Vũ, KDL công viên Cá Heo và KDL Hoa Biển.
Tại P.Tiến Thành cũng có 9 dự án chậm triển khai. Hiện nay UBND tỉnh đã cho thu hồi 2 dự án là khu phức hợp Đồi Bạch Dương (265 ha) và KDL Hoàng Thủy (6 ha).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.