Làng rau vào vụ tết

02/01/2018 11:06 GMT+7

Trong cái rét căm căm của những ngày đầu năm 2018, nhiều người dân vùng cát Thăng Bình (Quảng Nam) đang tất bật chăm sóc các luống rau màu để kịp thu hoạch phục vụ thị trường tết âm lịch sắp đến...

[VIDEO] Làng quất, làng rau ở Quảng Nam tất bật vào Tết
“Tận dụng” cát bỏ hoang
Vùng cát H.Thăng Bình được ví như “sa mạc” thu nhỏ, bởi diện tích bao quanh toàn cát trắng. Ấy vậy mà khi đi qua khu vực xã Bình Sa, lại thấy hiện lên màu xanh tươi mơn mởn bắt mắt của những luống rau. Bình Sa được biết đến là “vựa” rau lớn của H.Thăng Bình, nơi cung cấp các loại rau sạch cho địa phương và các vùng lân cận. Về Bình Sa thời điểm này, rau đã lên luống thẳng tắp, xanh non; người dân đang tất bật chăm sóc, chuẩn bị cho vụ tết. Rau tại Bình Sa trồng quanh năm nhưng tết là vụ lớn nhất, nhu cầu tiêu thụ cao nên lượng rau trồng phải gấp 2 - 3 lần so với những ngày thường.


Trồng theo tiêu chuẩn VietGAP
Chính quyền xã Bình Sa vừa tổ chức lớp tập huấn đào tạo trồng rau sạch theo phương pháp VietGAP, giúp người dân nắm được các kỹ thuật trong cách trồng, chăm sóc, đặc biệt là đảm bảo chất lượng nguồn rau. Theo ông Hà Như Diêu, Phó chủ tịch UBND xã, địa phương luôn khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rau sạch bởi nguồn thu nhập mà rau quả mang lại khá ổn định. “Định hướng sắp tới sẽ kết nối để các hộ dân trồng rau trên địa bàn với các công ty để họ vừa cung ứng giống cây trồng vừa thu mua sản phẩm sau thu hoạch. Điều này sẽ tạo được chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch và khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ”, ông Diêu nói.


Đang cặm cụi làm cỏ cho những luống rau, bà Hứa Thị Huyền (50 tuổi, ở xã Bình Sa) cho biết từ đầu tháng 10 âm lịch, người dân địa phương đã lo làm đất, xuống giống cho lứa rau cuối cùng của năm cũ. Trên các vườn rau, từ sáng sớm cho đến chiều tối tấp nập người trồng, chăm sóc. “Giá rau tết dù không cao hơn ngày thường bao nhiêu nhưng bù lại lượng rau bán ra nhiều gấp 2 - 3 lần. Từ đầu tháng 10, các nhà vườn luôn phải bám sát thời vụ “canh” thời gian sinh trưởng của từng loại rau để thu hoạch đúng dịp”, bà Huyền chia sẻ.
Người dân vùng cát đã biết cách cải tạo, đầu tư để cho những luống rau phát triển nhanh, xanh mởn. Để đảm bảo đủ độ ẩm ướt ở vùng cát, người dân tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp phối trộn cát, đất, phân chuồng và nước tưới để bón cây. Bà Huyền bảo, vùng rau mà gia đình bà đang trồng trước kia là rừng phòng hộ ven biển. Từ khi có dự án xây dựng tuyến đường ven biển 129 đi qua, nhiều diện tích bỏ hoang, người dân đã tận dụng và “đánh thức” vùng cát trắng này thành những vựa rau xanh mướt. “Gia đình tôi có gần 1 ha trồng đủ loại rau như rau cải, nén, dưa leo… Vào vụ tết, gia đình tôi phải tận dụng từng khoảnh đất nhỏ lẻ trong vườn để gieo hạt. Với diện tích này, nếu thời tiết thuận lợi thì vụ rau tết năm nay sẽ cho thu hoạch gần 20 triệu đồng”, bà Huyền nhẩm tính.
Tết tươm tất
Đang tưới nước cho vườn rau của gia đình mình, bà Lê Thị Hoa (51 tuổi, ở xã Bình Sa) cho hay để có vụ rau đạt chất lượng thì sau mỗi vụ, gia đình nào cũng dành một khoảng thời gian nhất định để phơi đất, cho đất “nghỉ ngơi” 5 - 7 ngày trước khi bắt đầu vụ mới.
Vụ rau năm nay thời tiết se lạnh, thỉnh thoảng có kèm theo chút nắng ấm rất thuận lợi để cây rau sinh trưởng nhanh nên không mấy lo ngại. Mỗi loại rau quả có thời kỳ sinh trưởng khác nhau, thông thường su hào xuống giống trước tết gần 2 tháng, cải ngọt trước 25 - 30 ngày, rau xà lách khoảng 1 tháng, ngò hành khoảng 20 - 25 ngày.
“Ngày thường tôi trồng đủ loại rau, nhưng vào vụ rau tết tôi chú trọng trồng rau cải, su hào, xà lách… Vì các loại rau này được chuộng hơn”, bà Hoa nói. Tuy giá cả bấp bênh, không ổn định qua từng năm nhưng cơ bản đây là vụ rau chính và cho thu nhập cao hơn ngày bình thường. “Cứ vào vụ tết hằng năm, với 5 sào đất trồng rau gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng, đủ để sắm tết tươm tất”, bà Hoa nhớ lại.
Ông Hà Như Diêu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Sa, cho biết toàn xã có khoảng 100 hộ dân chuyên trồng rau sạch với gần 70 ha, trong đó hơn 10 ha “bố trí” dọc tuyến đường ven biển 129. Để có được những luống rau xanh mơn mởn, người dân đã khai hoang phục hóa nhiều khoảnh cát trắng, biến đất cằn thành chân ruộng màu mỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.