Những hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đem lại kết quả khá bất ngờ trên một số lĩnh vực: thuế, bảo hiểm xã hội... Nhưng bước sang năm 2015, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại hội thảo về vấn đề trên (do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM tổ chức ngày 18.6), đã xuất hiện nhiều trở lực đi ngược lại xu hướng này.
Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa
|
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Phó ban Cải cách môi trường kinh doanh (MTKD) và năng lực cạnh tranh của CIEM, những hoạt động cải thiện MTKD của VN nhằm đạt các tiêu chuẩn trung bình của 6 nước dẫn đầu ASEAN đã đạt nhiều kết quả rất khả quan. Ví dụ, thời gian nộp thuế của VN từ mức trên 900 giờ/năm theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), sau một năm, đã giảm 380 giờ/năm; thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm 100 giờ/năm... Một số chỉ số còn đạt và vượt yêu cầu, như: Chỉ số khởi sự kinh doanh đã cải thiện được 72 bậc, cao hơn mức trung bình của ASEAN 6 hay chỉ số bảo vệ nhà đầu tư đã cải thiện 105 bậc, đạt mức trung bình của ASEAN 6.
Tháng 3.2015, Chính phủ tiếp tục ban hành nghị quyết về cải cách MTKD với những yêu cầu cho năm 2015 rất cao: thời gian nộp thuế và BHXH không quá 171 ngày (nộp thuế 121,5 giờ/năm; BHXH không quá 49,5 giờ/năm); thời gian thông quan qua biên giới tối đa 13 ngày với hàng xuất khẩu và 14 ngày với hàng nhập khẩu; thời gian tiếp cận điện năng tối đa 36 ngày...
Các chỉ tiêu trên còn chặt hơn nữa vào năm 2016 (như thời gian thông quan xuống dưới 10 ngày với xuất khẩu và 12 ngày với nhập khẩu...). Đây là những chỉ tiêu rất khó và thậm chí có nhiều khả năng không đạt được khi đã gần hết tháng 6.2015 nhưng mới có 11/26 bộ và 11/63 tỉnh, thành phố có chương trình hành động. “Trì trệ như vậy, trong khi nhiều chỉ tiêu cũ còn chưa hề được thực hiện thì làm sao đạt mục tiêu. Nhất là triển khai nghị quyết này không có bộ máy, không có chế tài”, tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển bình luận.
Nhận xét về việc triển khai Nghị quyết 19, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại - Công nghiệp VN), cho biết nghị quyết dường như nặng về quy định mà chưa có nhiều hiệu ứng thay đổi ở thực tế. “Từ miệng nói đến tay làm là rất khác nhau. Địa phương nào, ngành nào cũng nói cải thiện nhưng thực tế, doanh nghiệp họ có ghi nhận chuyển biến không mới là vấn đề. Tôi đi họp ở địa phương hỏi mấy trăm doanh nghiệp có biết Nghị quyết 19 không mà không thấy cánh tay nào giơ lên”.
“Hiện nay địa phương rất lúng túng, không biết là có tới 2 Nghị quyết 19. Nếu không chú trọng chính quyền tỉnh là việc cải cách MTKD đã bỏ qua một mắt xích quan trọng”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, Nghị quyết 19 lần 1 và lần 2 là cuộc cải cách quan trọng, có tư duy mới nhưng đáng lo có khả năng chết yểu nếu như không làm tốt, mất đà cải cách và sau này, nhiều người không còn động lực thực hiện.
Ông Phạm Thanh Bình (chuyên gia tư vấn cho dự án hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 19), nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho rằng, những cải cách ban đầu mới làm cho bộ máy hành chính một số nơi “dịch nhưng chưa chuyển”. Như ở ngành hải quan, tuy thực hiện kê khai điện tử nhưng doanh nghiệp vẫn phải in ra hàng trăm giấy nộp tiền. “Hay như việc kê khai giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D, hải quan không cấp tờ khai có xác nhận nữa nhưng lại yêu cầu cái khác như giấy cam kết nên thực tế không giảm được gì. Khâu giám sát của hải quan hiện nay không hề giảm thủ tục nào, doanh nghiệp gần như qua cửa nào cũng phải có chút gì đó. Cải cách mới trên ý tưởng chứ chưa đưa vào thực tế”, ông Bình nói. |
Bình luận (0)