Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) vừa có công văn đề nghị liên Bộ Công thương - Tài chính một số nội dung có liên quan đến thuế bảo vệ môi trường và chính sách phát triển xăng sinh học trong thời gian tới.
Dẫn ra một vài số liệu cho rằng người tiêu dùng đang không mặn mà với sản phẩm xăng sinh học E5, sản lượng tiêu thụ không như kỳ vọng bảo vệ môi trường của mục tiêu đề ra ban đầu, DN kiến nghị nên cho lưu hành lại xăng A92. Cụ thể, số liệu tham khảo từ những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn có hệ thống phối trộn xăng E5 cho thấy xăng E5 (thay thế cho xăng A92 từ ngày 1.1.2018) chỉ chiếm khoảng 30% tổng tiêu thụ, 70% còn lại là xăng A95. Trong khi trước thời điểm chưa ngưng hoàn toàn kinh doanh xăng A92, lượng xăng A92 tiêu thụ trên thị trường chiếm đến 65%.
Như vậy, 35% còn lại đang chuyển sang dùng xăng A95. Trong khi, theo kiến nghị, DN lập luận, xăng A95 đang có giá bán lẻ cao hơn giá bán lẻ xăng E5 đến 1.600 đồng/lít. Với 35% thị phần từ xăng A92 chuyển sang A95 (khoảng hơn 250.000 m3/tháng), người tiêu dùng đang phải chi thêm ước tính 400 tỉ đồng/tháng.
Thực tế, qua tìm hiểu của Thanh Niên, người vào đổ xăng tại một số cây xăng trên địa bàn TP.HCM, tỉ lệ người dùng xăng E5 đang ngày càng giảm. Tối 11.3, trong vòng 30 phút, có khoảng 27 người vào đổ xăng tại cây xăng ngay ngã 4 đường Lê Đại Hạnh - Bình Thới - Nguyễn Thị Nhỏ (Q.Tân Bình và Q.11), song chỉ có 4 người chỉ cột xăng E5 để đổ, còn lại đều chờ đến lượt để đổ xăng A95. Anh Quang, nhà ở ngay đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.Tân Bình) nhận xét, xăng E5 chạy máy “rì rì” (chậm - PV) quá. “Thử đổ E5 nhiều lần rồi, phải đổ xăng A95 thôi, dù đắt hơn chút. Chiếc Yamaha này trước đổ A92 là ổn”, anh Quang nói.
Ngoài việc cho rằng khiến người tiêu dùng - xã hội tiêu tốn thêm 400 tỉ đồng/tháng, theo DN này, các chi phí của các cửa hàng kinh doanh xăng thu không đủ bù chi, so sản lượng tiêu thụ quá thấp, tồn kho kéo dài ngày, tỷ lệ hao hụt cũng cao hơn…
Bình luận (0)