Nhà hàng Trung Quốc bán bia Triều Tiên lần cuối trước sức ép lệnh trừng phạt

04/12/2017 14:36 GMT+7

Áp lực thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (UN) đối với Triều Tiên đang diễn ra theo vô số cách ở Trung Quốc.

Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong việc thắt chặt các chính sách đối với nước láng giềng theo quy định từ một loạt biện pháp chế tài mới của UN. Áp lực đó đang diễn ra theo nhiều cách, kể cả ở các nhà hàng nhỏ tại Bắc Kinh.
“Đây là vỏ những chai bia Triều Tiên cuối cùng của tôi. Tôi đã bán hết chúng vào tối qua. Tôi rất cần có hàng lại vào tối nay, nhưng tôi không biết liệu có còn lấy hàng được nữa không. Tôi đã không nhận được hàng mới kể từ tháng 8 khi các lệnh trừng phạt mới được đưa ra”, Cui Chengri, chủ một nhà hàng tại Bắc Kinh, nói với CNBC.
Theo mô tả của CNBC, những chai bia này có màu xanh đậm, dung tích 500 ml. Mặt trước nhãn chai được viết bằng tiếng Hàn và tiếng Anh “Taedonggang Beer”, mặt sau ghi thông tin sản xuất ở Bình Nhưỡng vào ngày 21.6.2017. Chúng được nhập khẩu thông qua biên giới thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) và đã phải đi một quãng đường dài trước khi được bán với giá 30 nhân dân tệ (khoảng 4,54 USD) trong một nhà hàng hải sản nướng tại Bắc Kinh năm tháng sau đó.
Ông Cui nói ông rất thích loại bia này vì nó ngon hơn hẳn các nhãn hiệu đối thủ. Nhà hàng của ông Cui được mở cửa vào năm 2013, chuyên bán hải sản với nguồn gốc phần lớn từ Triều Tiên. Vào những tháng cao điểm trong những năm đầu tiên, nhà hàng của ông đã bán được khoảng 5 tấn tôm cua. Tuy nhiên, thành công này không kéo dài. Các nguồn cung cấp thủy hải sản trực tiếp hằng ngày đã bị cắt giảm đáng kể vào tháng 2.2016 ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, và sau đó bị ngưng lại hoàn toàn sau một loạt lệnh trừng phạt mới của UN hồi tháng 8.2017. Bây giờ số lượng cua nhập khẩu phải đi qua Nga trước khi vào Trung Quốc. Hậu quả là giá cả đã tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba và ông Cui đã mất 90% nguồn cung của mình.
Michael Kovrig, cố vấn cao cấp của tổ chức tư vấn độc lập International Crisis Group, cho biết Bắc Kinh có thể ngăn chặn Triều Tiên bán thủy hải sản ở Trung Quốc nhưng không có gì ngạc nhiên khi mặt hàng này vẫn có thể nhập khẩu vào nước này thông qua các kênh khác.
“Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp trừng phạt tương đối chặt chẽ, nhưng có lẽ họ lo ngại rằng nếu áp dụng lệnh trừng phạt quá nghiêm khắc có thể sẽ gây bất ổn cho Triều Tiên, và họ không muốn nguy cơ này xảy ra”, ông Kovrig cho hay.
Trong năm nay, UN đã áp dụng lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn dành cho Triều Tiên trước các cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của quốc gia Đông Á. Và điều này đã đẩy Bắc Kinh vào thế phải đối mặt với không ít áp lực từ cộng đồng quốc tế nhằm bóp nghẹt các nguồn thu kinh tế, ngăn Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.