Theo Reuters, điều này cho thấy ba nước Đông Á vừa có lập trường cứng rắn hơn các nước lớn thuộc khối G20 trong việc chống lại chính sách chủ nghĩa bảo hộ do Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ. Thông cáo báo chí sau cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ba nước cho biết: “Chúng tôi đồng ý rằng thương mại là một trong những động cơ quan trọng nhất cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, tạo việc làm. Chúng tôi sẽ chống lại tất cả các hình thức bảo hộ”.
Thông cáo trên giữ đoạn “chống lại tất cả hình thức bảo hộ” từng bị G20 loại bỏ trong thông cáo hậu cuộc họp của khối diễn ra vào tháng 3 vì áp lực từ Washington. Trung Quốc đã và đang định vị bản thân là nước ủng hộ tự do thương mại sau khi ông Trump kêu gọi đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu và dọa rút khỏi nhiều hiệp định thương mại đa phương.
Thông cáo sau cuộc họp ba bên cho hay ba nền kinh tế châu Á kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng mạnh nhờ sự hồi phục chu kỳ sản xuất và thương mại được chờ đợi từ lâu. Dù vậy, họ cũng cảnh báo về rủi ro, kêu gọi giới hoạch định chính sách “sử dụng tất cả công cụ chính sách cần thiết” để đạt tăng trưởng bền vững và cân bằng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi thông tin và hợp tác ở mức cao giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó tình trạng bất ổn tài chính có thể xảy ra giữa cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu và căng thẳng chính trị lên cao”, lãnh đạo tài chính ba nước cho biết. Cuộc họp ba bên được tổ chức bên lề buổi họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Yokohama, miền đông Nhật Bản.
tin liên quan
Châu Á cần chi 26.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng đến năm 2030Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay các nước châu Á phải chi 26.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng trước năm 2030 để chiến đấu với đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)