Chuyển hàng ngàn héc ta thành đất dân cư hiện hữu
|
|
Tháng 5.2016, Bí thư Thành ủy TP.HCM trong nhiều lần tiếp xúc cử tri và làm việc với huyện Củ Chi đã yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo quyền lợi của người dân. Đến tháng 6.2016, UBND TP có văn bản chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu đô thị tây bắc. Theo đó, TP yêu cầu giữ lại các khu vực dân cư tập trung hiện hữu với diện tích hơn 1.674 ha để cải tạo, chỉnh trang và công khai cho dân chậm nhất vào tháng 7.2016. Đồng thời hoàn tất thủ tục hồ sơ điều chỉnh chính thức quy hoạch khu đô thị tây bắc vào tháng 12.2016.
Tuy nhiên, đến nay đã trễ 8 tháng so với chỉ đạo của UBND TP nhưng việc điều chỉnh vẫn chưa xong. Theo ông Dũng, việc này cũng khiến huyện bối rối không biết phải trả lời dân thế nào.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Khắc Huy, Trưởng ban Quản lý khu đô thị tây bắc, cho biết ban đã làm xong dự toán vốn để làm tư vấn điều chỉnh quy hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định và ghi vốn với tổng kinh phí để thuê đơn vị tư vấn thực hiện điều chỉnh quy hoạch hết hơn 500 triệu đồng. Theo luật Đấu thầu, nếu dưới 500 triệu thì sẽ được chỉ định thầu còn vượt quá số tiền này thì phải tổ chức đấu thầu. Như vậy, thời gian để ra quyết định điều chỉnh quy hoạch sẽ còn kéo dài.
Tương tự, huyện Nhà Bè cũng đã được TP chấp thuận điều chỉnh khoảng 84 ha dọc theo trục đường Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước trở thành đất dân cư hiện hữu. Lãnh đạo huyện Nhà Bè cho biết, trước khi có quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước, 200 ha đất dọc theo các trục đường chính của xã Hiệp Phước được quy hoạch là dân cư hiện hữu. Từ khi quy hoạch trùm lên thì việc xây dựng gần như bị đóng băng tại những khu vực này. Huyện Nhà Bè đã kiến nghị điều chỉnh 200 ha đất này thành dân cư hiện hữu để chỉnh trang đô thị và đảm bảo quyền lợi cho dân. Tuy nhiên, Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, nếu điều chỉnh hết toàn bộ thì sẽ phá sản toàn bộ quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước nên chỉ xem xét cắt khỏi ranh 84 ha thành đất dân cư hiện hữu.
Phát triển đô thị theo kiểu “hàng ngang”
Giải thích các nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai đầu tư xây dựng một cách ì ạch như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho rằng là do TP.HCM chưa có chương trình phát triển đô thị bài bản nên lâu nay vẫn phát triển theo kiểu hàng ngang, dàn trải. Do đó mới xảy ra những tình trạng làm cầu nhưng thiếu đường dẫn, nhà mọc lên khi chưa hình thành đường giao thông.
Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết TP sẽ phát triển theo ba hướng chính gồm: hướng đông, hướng nam và hướng bắc. Hiện nay, TP đang tập trung phát triển đô thị về hướng đông với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm. Hướng nam và hướng Bắc muốn phát triển cũng cần phải có đòn bẩy là hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, hiện nay các trục đường chính kết nối các khu đô thị này vẫn chưa triển khai. Để đẩy nhanh tiến độ các khu đô thị, theo ông Toàn, trước mắt các khu đô thị phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch. Trong đó, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện, xác định nguồn lực thực hiện, mời gọi đầu tư. Đặc biệt là kiến nghị TP về việc đầu tư hạ tầng khung để kết nối giao thông. Ông Toàn cũng kiến nghị TP chỉ đạo Sở Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP nhanh chóng hoàn thiện chương trình phát triển đô thị để làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện quy hoạch.
Tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong với Quy hoạch - Kiến trúc mới đây (ngày 26.8), ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện nay đề án về chương trình phát triển đô thị đang được Viện Nghiên cứu phát triển thực hiện, Sở Xây dựng là đơn vị thẩm định. Tới đây, Sở sẽ cùng các đơn vị có liên quan thẩm định đề án này để sớm trình TP thông qua.
tin liên quan
Những khu đô thị 'treo'Sở hữu hàng ngàn mét vuông đất nhưng con cái phải đi thuê nhà ở; nhà xuống cấp, tạm bợ mà không thể xây dựng hay sửa sang... Đó là tình cảnh của hàng chục ngàn người dân sống trong các khu đô thị "treo" tại TP.HCM.
Bình luận (0)