Chiều nay (25.8), lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trong cuộc gặp gỡ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của thành phố. Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ tâm tư, cũng như đề xuất những chính sách hỗ trợ đặc thù với các doanh nghiệp startup.
Theo ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam - Tập đoàn FPT, so với các nước trong khu vực như Indonesia, Singapore vốn có bề dày về công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp và các chính sách ưu việt để hỗ trợ, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng dễ dàng đổ vốn vào, thì Việt Nam chưa có chính sách đột phá cụ thể.
“Nguồn vốn quan trọng nhất để hỗ trợ chính là vốn ngoại. Nhưng nhiều nhà đầu tư ngoại băn khoăn làm thế nào để đầu tư và rút tiền ra, hay thuế quá cao”, ông Đức nói và cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn mạnh, chính quyền cũng cần có cơ chế ưu tiên đặt hàng, đấu thầu lựa chọn sản phẩm, giảm bớt các điều kiện kinh doanh.
Một doanh nhân trẻ khác thì chia sẻ từng sinh sống ở nước ngoài và về Việt Nam cách đây 6 năm. Bản thân anh đã startup 2 lần, mang mô hình ở nước ngoài về nhưng đều thất bại. Doanh nhân này đề xuất thành phố hỗ trợ về môi trường kinh doanh, pháp lý để các doanh nghiệp startup sau khi ra khởi “vườn ươm khởi nghiệp” sẽ đủ sức để lớn lên.
Nhiều người trẻ gây ấn tượng và thành công trong khởi nghiệp khi biết khai thác từ những điều bình thường nhưng ở một góc nhìn khác, không giống ai.
“Hà Nội đã tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nước như Mỹ, Isarel, Singapore… và giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư xây dựng đề án hỗ trợ. Đề án sẽ hỗ trợ cho 3 nhóm chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể muốn lên doanh nghiệp và các doanh nghiệp startup”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết thành phố sẽ xây dựng cổng thông tin startupcity.vn, là sân chơi kết nối tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp. “Thành phố sẽ là 'bà đỡ' cho các doanh nghiệp startup, nhưng để lớn mạnh thì phụ thuộc vào chính doanh nghiệp”, ông Chung nhấn mạnh.
Bình luận (0)