Phất lên từ nuôi rắn ráo trâu

26/12/2017 08:46 GMT+7

Bắt đầu triển khai từ năm 2014, đến nay mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình bà Trần Thị Linh (52 tuổi, xã Tân Lập, H.Kon Rẫy, Kon Tum) thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

[VIDEO] Nuôi rắn ráo trâu kiếm hàng trăm triệu giữa núi rừng Tây Nguyên
Đưa tôi đến trại nuôi rắn ráo trâu nằm dưới tán rừng cao su tại thôn 6, xã Tân Lập, bà Linh cho biết sau nhiều lần chăn nuôi heo, bò thất bại, gia đình chuyển sang nuôi rắn. Cuối năm 2014, gia đình bỏ ra 60 triệu đồng xây trại và 200 triệu đồng mua 150 con rắn ráo trâu về nuôi. Trại chia thành nhiều ô chuồng để thả rắn, mỗi ô cao khoảng 80 cm, rộng 80 cm, nền tráng xi măng, lót đất khô, đệm lót sinh học, xung quanh xây bằng gạch, bên trên được đậy lưới sắt.
Tranh thủ lúc nông nhàn, cả nhà bà Linh đi bắt nhái cho rắn ăn. Ngoài nhái, bà còn cho rắn ăn ếch và mua vịt con bị các lò ấp vịt thải ra. Rắn hơn nửa năm trở lên, thời gian cho ăn là 5 ngày một lần, hằng ngày phải dọn phân do rắn thải ra. "Gia đình tôi còn xây hồ nuôi ếch để làm thức ăn cho rắn và chuẩn bị hai tủ đông lạnh chứa thức ăn cho rắn”, bà Linh nói. Điều đáng mừng là rắn ráo trâu nuôi 3 năm nay nhưng chưa thấy chúng bị bệnh tật.
Đến một chuồng rắn mẹ nặng 3 kg, bà Linh cho biết con giống đã nuôi 3 năm nay và đẻ trứng rất nhiều. Mỗi lần rắn đẻ hơn 20 quả trứng, mỗi năm đẻ hai lứa. Hiện trại nuôi rắn có 100 con giống, con đẻ ít nhất là trên 10 trứng/lứa, từ năm thứ 2 trở lên là gần 20 trứng/lứa. Trên thị trường hiện nay, giá trứng rắn 140.000 đồng/quả nhưng không đủ cung cấp. Cuối năm 2015, bà Linh bán được 80 triệu đồng tiền trứng rắn và 20 triệu đồng tiền rắn thương phẩm. Ngoài ra, da rắn được gia đình thu gom bán cho các đại lý để làm thuốc, phân rắn cũng được gia đình chị tận dụng bón cây trồng.
Thành công đã khuyến khích bà Linh phát triển thêm đàn rắn. Đến nay trại nuôi có 250 con rắn, trong đó có 100 rắn sinh sản từ 2 - 3 năm tuổi, nặng 2,5 đến 3 kg, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ tiền bán rắn và trứng rắn, riêng năm 2017 thu lãi hơn 240 triệu đồng.
Ông Ngô Nguyễn Sâm, cán bộ phụ trách kinh tế của xã Tân Lập, cho biết bà Linh là người đầu tiên của xã nuôi rắn. "Hiện chính quyền đang khuyến khích chị Linh phát triển mạnh nghề nuôi rắn và hỗ trợ cho người dân trong vùng cùng nuôi để phát triển kinh tế gia đình”, ông Sâm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.