Bán nhiều, mua không ít
2016 được coi là năm bứt phá của ngành rau quả VN khi giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt qua lúa gạo (2,2 tỉ USD) để trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và thâm nhập vào gần 60 thị trường nước ngoài, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... Tiếp đà tăng tốc, báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết giá trị xuất khẩu hàng rau quả 7 tháng qua ước đạt 2,03 tỉ USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm 2016.
Có thể nói, đây là thành tích ngoạn mục của ngành rau quả nội địa. Chỉ có điều, bên cạnh việc xuất khẩu tăng cao, tốc độ nhập khẩu rau quả cũng tăng mạnh, trong đó có rất nhiều sản phẩm là thế mạnh của ngành nông nghiệp VN. Cụ thể, chỉ riêng tháng 7, chúng ta bỏ 216 triệu USD nhập khẩu rau quả. Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu rau quả đạt 852 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan (chiếm 57% thị phần), tiếp đến là Trung Quốc (16,8%). Như vậy trung bình mỗi tháng người Việt chi gần 121 triệu USD để mua rau quả ngoại. Tính chung 7 tháng, rau quả xuất siêu gần 1,2 tỉ USD nhưng số tiền người Việt bỏ ra để mua rau quả ngoại đang tăng chóng mặt.
Khảo sát tại các siêu thị có thể thấy, trái cây nhập ngoại từ Thái, Úc, Mỹ, Hàn Quốc được người tiêu dùng Việt rất ưa chuộng. Thậm chí, nhiều loại trái cây VN có thế mạnh như thanh long, mãng cầu... giờ đây cũng bị cạnh tranh mạnh từ hàng nhập ngoại dù giá cao ngất ngưởng. Đơn cử mãng cầu Đài Loan 500.000 đồng/kg trong khi mãng cầu VN có giá rẻ hơn 10 lần, chỉ khoảng 40.000 - 60.000 đồng/kg, thanh long ruột vàng Malaysia 700.000 đồng/kg...
Rau quả và lòng tin
|
Để giải quyết thực trạng này, TS Ngãi cho rằng vấn đề chính là các doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu chắc chắn, có kênh phân phối đến tay người tiêu dùng một cách rẻ nhất, nhanh nhất, tạo sự tin tưởng cao nhất. “Việc xây dựng lòng tin là cốt lõi, không thể làm một sớm một chiều nhưng là con đường duy nhất để người Việt dùng nông sản Việt, không phải mua hàng ngoại với cái giá đắt đỏ như hiện nay”, ông nhận định.
Từ góc nhìn chuyên môn, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân phân tích người Việt “sợ” ăn rau củ, trái cây Việt là do tâm lý nghi ngại người nông dân VN phun thuốc quá nhiều, thậm chí có tình trạng còn sử dụng các loại thuốc cực độc để trừ sâu, diệt bệnh nhanh. Nhiều nông dân thích dùng phân NPK, phân hóa học để bón cho cây mà không biết chính các loại phân này sẽ làm đất càng ngày càng bị chai và "quyến rũ" các loại sâu bệnh. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần phải khuyến khích bà con nông dân thay thế phân hóa học bằng phân hữu cơ và phân vi sinh để giúp rễ cây phát triển mạnh hơn, tiết ra các chất ngăn sự phát triển của vi khuẩn độc hại. Đây cũng là xu hướng của các nước nông nghiệp trên thế giới như Thái Lan mà VN cần học tập. Việc này không chỉ ngừa sâu bệnh, chất kích thích tăng trưởng sinh học này khi bón vào đất hay phun lên lá sẽ giúp tăng năng suất, tăng chất lượng của sản phẩm. “Vấn đề lừa gạt người tiêu dùng cũng đáng quan tâm. Nhà nước phải có trách nhiệm nâng cao quản lý, cùng doanh nghiệp nâng cao ý thức người bán, nâng cao uy tín các kênh phân phối để tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Xuân khuyến nghị.
Bình luận (0)