Rau sạch vùng biên

17/11/2017 14:31 GMT+7

Một số hộ nghèo ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) theo đuổi mô hình kinh tế trồng rau sạch , bước đầu cho hiệu quả cao.

Bà Lê Thị Nga (tổ 2, TT.A Lưới, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) vốn có nghề trồng lúa, nhưng nay đã nghiễm nhiên trở thành chủ trang trại trồng hoa và rau sạch. “Trồng lúa, thu nhập không đủ để ăn chứ nói gì đến nuôi con ăn học. Nhưng mấy năm gần đây, khi chuyển qua trồng rau sạch, thu nhập ổn định hơn nên vợ chồng tôi có điều kiện cho còn học hành, đứa nhỏ vừa mới tốt nghiệp đại học”, bà Nga khoe.
Sở hữu diện tích khoảng 3.000m2, gia đình bà Nga trồng rau sạch xen lẫn với một số loài hoa thích hợp với khí hậu miền núi. Các loại rau như xà lách, bắp cải đều được bón phân tự nhiên (phân chuồng), không sử dụng phân hóa học và các loại thuốc trừ sâu.

Chúng tôi đã làm việc và ký biên bản hợp tác với các cửa hàng, siêu thị ở TP.Huế, đảm bảo đầu ra để người dân an tâm sản xuất

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.A Lưới


Tại các vườn rau, hằng ngày tự tay vợ chồng bà thay nhau tưới tiêu, chăm sóc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, theo bà Nga, các loại rau sạch hiện nay có vẻ bề ngoài không “bắt mắt” bằng các loại rau sử dụng thuốc hóa học nên người tiêu dùng địa phương ít chuộng. Rau tuy sạch và chất lượng, nhưng giá bán có khi lại thấp hơn.
“Nhiều khi ra chợ thấy người ta bán rau có phun thuốc mà lại “được giá” hơn rau sạch của mình, tôi cũng thất vọng lắm. Rau của họ dùng thuốc nên màu sắc rất tươi, nên được ưa chuộng hơn”, bà Nga tâm sự. Mặc dù vậy, vợ chồng bà vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình rau sạch. Tất cả vì mục tiêu đảm bảo chất lượng và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tìm đầu ra tại siêu thị
Giờ đây, mỗi ngày vườn rau sạch mang lại cho gia đình bà Nga khoản lợi nhuận xấp xỉ 300.000 đồng, sau khi trừ hết các chi phí. Đây là nguồn thu không lớn, nhưng ở địa bàn vùng biên như A Lưới thì lại rất ấn tượng. Con trai út của bà Nga sau khi học hết đại học cũng ấp ủ ý tưởng về quê cùng cha mẹ mở rộng mô hình trồng rau sạch. Không chỉ có rau sạch, trang trại của bà Nga còn mở rộng quy mô và diện tích trồng hoa. Hiện một số loài hoa như cúc, ly ly… cũng tạo nguồn thu nhập kha khá.
Trang trại của bà Nga chỉ là “điển hình” ở vùng cao A Lưới, bởi có thêm nhiều hộ dân thuộc diện nghèo khó đã mạnh dạn theo đuổi mô hình nông nghiệp này, sau khi nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn của chính quyền địa phương.
Trước đây, cũng như trường hợp bà Nga, nhiều hộ dân tại A Lưới chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, làm rẫy nên thu nhập rất bấp bênh. Giờ đây, nhiều thửa ruộng đã được đầu tư chuyển đổi thành những khu vườn trồng rau sạch, trồng hoa màu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.A Lưới, khẳng định địa phương vẫn đang tạo điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện mô hình kinh tế mới nhằm cải thiện đời sống vật chất.
“Hiện tại, mô hình rau sạch A Lưới cho ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Chúng tôi đã làm việc và ký biên bản hợp tác với các cửa hàng, siêu thị ở TP.Huế, đảm bảo đầu ra để người dân an tâm sản xuất, đồng thời nâng cao giá trị nông sản của các trang trại trên địa bàn huyện”, ông Hùng nói.

tin liên quan

Rau trồng thủy canh đắt hàng
Nhiều loại rau trồng thủy canh tại TP.Cần Thơ đang đuợc bán giá sỉ với mức cao: xà lách mỡ 45.000 đồng/kg, xà lách cầu vồng 60.000 đồng/kg, rau muống 35.000 đồng/kg, cải ngọt 35.000 đồng/kg, cải thìa 35.000 đồng/kg… (cao gấp 3 - 5 lần so với rau trồng thổ canh truyền thống).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.