Người tiêu dùng lên tiếng
Phản ứng quyết liệt đầu tiên từ thị trường được khai pháo từ hệ thống siêu thị Co.op Mart. Qua thông tin từ các phương tiện truyền thông về hiện trạng gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan, Saigon Co.op đã quyết định ngưng kinh doanh sản phẩm của công ty này từ ngày 5.8. Theo đó, siêu thị Co.opMart sẽ không kinh doanh sản phẩm bột ngọt, hạt nêm mang nhãn hiệu Vedan, đồng thời Saigon Co.op cũng buộc Công ty Vedan phải có biện pháp thu hồi sản phẩm cho đến khi khắc phục xong sự cố và giải quyết thỏa đáng cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op khẳng định: “Saigon Co.op ưu tiên thu mua và phân phối sản phẩm của những nhà cung cấp có đầu tư hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo chất thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường và được cơ quan chức năng chứng nhận. Saigon Co.op cũng đã ký kết hợp tác với chương trình giải thưởng Doanh nghiệp xanh (do Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND TP.HCM). Theo đó, những doanh nghiệp nào được chứng nhận Doanh nghiệp xanh sẽ được ưu tiên phân phối sản phẩm trong hệ thống Co.opMart. Đây cũng là động thái tích cực của Saigon Co.op nhằm ủng hộ nông dân TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang trong quá trình khởi kiện Công ty Vedan”.
Một hệ thống siêu thị khác tại TP.HCM là Big C cũng đang có những động thái tương tự. Mặc dù lãnh đạo Big C từ chối đưa ra những tuyên bố chính thức nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại các hệ thống phân phối của Big C, các sản phẩm của Vedan đã được đưa xuống và thay thế bằng các sản phẩm khác. Trước đó, vào năm 2008, Big C đã từng ngưng cung cấp sản phẩm Vedan trong 6 tháng sau khi vụ xả nước thải gây ô nhiễm môi trường của Vedan bị phát hiện. Tại chợ Bình Tây (TP.HCM), những sạp bán hàng gia vị cũng đã không bày bán bột ngọt Vedan. Tại các hệ thống siêu thị khác, sản phẩm Vedan vẫn còn trưng bày nhưng tiêu thụ rất chậm.
Ủng hộ tẩy chay Vedan
|
Việc các siêu thị, hệ thống phân phối đưa ra quyết định ngưng cung cấp sản phẩm Vedan cũng là một kết quả tất yếu từ phản ứng bức xúc của người tiêu dùng. Trên các diễn đàn mạng, rất nhiều ý kiến kêu gọi tẩy chay hàng hóa Vedan ngay từ lúc vụ Vedan gây ô nhiễm được phanh phui. Anh D.V.K (TP.HCM) cho biết: “Chúng ta đã và đang phải chịu đựng sự ô nhiễm môi trường do một số công ty nước ngoài cố tình gây ra vì lợi nhuận mà họ thu được trên tính mạng của chúng ta. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tiêu thụ hàng hóa của các công ty này tức là đã hậu thuẫn cho những kẻ mang bệnh tật, chết chóc đến cho đồng bào mình”. Bà H.D (Tây Ninh) chia sẻ: “Sông Thị Vải không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tôi nhưng vì quá bức xúc với việc kinh doanh của Vedan nên từ nay gia đình tôi sẽ không bao giờ dùng sản phẩm của Vedan nữa”. Q.T |
Thực tế trên đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng phải sử dụng đến sức mạnh của mình để phản ứng trước những biểu hiện tiêu cực của nhà sản xuất. Tại Mỹ năm 1996, hãng Nike nổi tiếng bị người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm sau khi hãng này bị phát hiện sử dụng lao động trẻ em. Tại Ấn Độ, từng diễn ra biểu tình phản đối tập đoàn nước ngọt toàn cầu Coca-Cola đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Tại Nhật Bản năm 1950, một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra nhằm phản đối Công ty Chisso - một công ty hóa chất lớn - đã đổ thẳng ra biển chất thải công nghệ có thành phần thủy ngân hữu cơ không qua xử lý. Cuộc biểu tình của người dân và sức ép của chính quyền đã buộc doanh nghiệp này phải bồi thường.
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM cho biết: “Xu thế phát triển xanh, phát triển bền vững đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững thì không có cách nào khác phải tự cải thiện hình ảnh của mình. Bởi nếu không làm như vậy, doanh nghiệp không chỉ bị xử lý theo Luật Bảo vệ môi trường mà đáng lo ngại hơn là sản phẩm của họ sẽ bị người tiêu dùng trong nước và thế giới tẩy chay. Đó sẽ là áp lực lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường”.
Đại diện Văn phòng luật sư Lê Vi (Đồng Nai): “Trường hợp các siêu thị tẩy chay không bán sản phẩm của Vedan, theo Luật Thương mại cũng như Luật Doanh nghiệp, là không vi phạm. Bán hay không bán sản phẩm của một doanh nghiệp nào dù sản phẩm đó có tốt đến mấy đi chăng nữa là quyền của siêu thị. Các siêu thị có quyền định đoạt hàng hóa được bán trong hệ thống của mình, huống chi đây là sự tẩy chay có cơ sở, dựa vào các yếu tố: hưởng ứng sản xuất kinh doanh sạch để bảo vệ môi trường, giữ uy tín trong kinh doanh hàng hóa... Quan điểm của tôi, việc tẩy chay sản phẩm Vedan của các siêu thị là một hành động rất đáng hoan nghênh. Bởi qua sự vụ này, những doanh nghiệp sản xuất vi phạm bảo vệ môi trường sẽ ý thức được rằng, nếu anh vi phạm thì hàng hóa cũng sẽ bị tẩy chay như vậy”. N.T.Tâm (ghi) |
Quang Thuần - N.Trần Tâm
Bình luận (0)