Theo Bloomberg, điều này phản ánh sức mạnh ngày càng tăng của châu Á trong kinh tế thế giới.
Cuộc khảo sát chi phí sinh hoạt toàn cầu do Economist Intelligence Unit thực hiện cho thấy thủ đô Nhật Bản, thành phố từng đắt đỏ nhất thế giới đến năm 2012, tăng bảy bậc lên vị trí thứ tư năm nay. Osaka (Nhật Bản) thì tăng chín bậc lên hạng 5. Cả hai đô thị Nhật đều thăng hạng nhờ yen Nhật tăng giá.
|
Singapore và đặc khu Hồng Kông vẫn giữ hai vị trí đầu bảng còn thủ đô Hàn Quốc Seoul thì đứng hạng sáu. Zurich (Thụy Sĩ) là đô thị đắt thứ ba thế giới và là thành phố ngoài châu Á duy nhất trong top 5. Ngược lại, các thành phố ở Trung Quốc - cường quốc kinh tế khu vực - lần lượt giữ nhiều vị trí từ hạng 5 đến hạng 16 vì tiêu dùng suy yếu và nhân dân tệ trượt giá. Các nước châu Á chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo từ nay đến năm 2020, khu vực này sẽ chiếm 2/3 nền kinh tế thế giới.
Châu Âu có bốn thành phố thuộc top 10 là Geneva (Thụy Sĩ), Paris (Pháp), Zurich (Thụy Sĩ) và Copenhagen (Đan Mạch). Thủ đô Pháp là thành phố duy nhất trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) góp mặt trong top 10, được đánh giá là nơi “cực kỳ đắt đỏ về cơ bản, chỉ có giá thức uống có cồn và thuốc lá là ngang ngửa so với các đô thị châu Âu khác”.
|
New York (Mỹ) là đại diện duy nhất đến từ Bắc Mỹ. Thành phố này đứng vị trí thứ bảy năm nay vì USD giảm giá nhẹ. Việc đồng bạc xanh và euro tương đối ổn định đồng nghĩa với việc các đồng tiền của Canada, Úc và New Zealand tăng giá. Vì vậy, Sydney (Úc) lên hạng thứ 14 còn Melbourne (Úc) đứng thứ 15. Hai đô thị của Úc hiện đắt đỏ hơn Thượng Hải.
Singapore là thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm thứ tư liên tiếp chủ yếu vì chi phí sở hữu một chiếc ô tô tại đây là cao nhất hành tinh. Ngoài ra, giá quần áo ở Singapore cũng cao thứ nhì thế giới.
|
Báo cáo chi phí sinh hoạt toàn cầu so sánh giá cả của hơn 150 mặt hàng tại 133 thành phố. Giá hàng hóa tăng trở lại tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt ở các nước phụ thuộc vào các loại hàng hóa. Chi phí sinh hoạt của thành phố Sao Paulo và Rio de Janeiro ở Brazil tăng nhanh nhất, đi lên lần lượt 29 và 27 bậc.
Dù châu Á có nhiều thành phố đắt đỏ nhất thế giới, khu vực này cũng là nơi có nhiều đô thị có chi phí sống rẻ nhất. Các đô thị Nam Á như Bangalore, Chennai, Karachi, Mumbai và New Delhi của Ấn Độ có chi phí sống rất rẻ. Năm nay, Almaty, trung tâm kinh doanh của Kazakhstan và Lagos, thủ đô Nigeria là hai đô thị có chi phí sống rẻ nhất thế giới.
tin liên quan
21 nước và vùng lãnh thổ đắt đỏ nhất thế giớiDanh sách các nước, vùng lãnh thổ có mức sống đắt đỏ nhất hành tinh vừa được công bố trong báo cáo của MoveHub, công ty chuyên giúp khách hàng ra nước ngoài sinh sống.
Bình luận (0)