Thay đổi lớn trong hành vi tiêu dùng

12/04/2009 11:00 GMT+7

Giá cả đã mất ngôi số 1 của nhiều năm trở về trước trong việc quyết định đến hành vi tiêu dùng của người dân Việt. Điều này đã được khẳng định cả trong hai cuộc điều tra gần đây, một của Thời báo Kinh tế VN và Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) thực hiện, một do Trung tâm Thông tin thuộc Viện Chính sách chiến lược (Agroinfo), Bộ NN&PTNT tiến hành.

Chất lượng quan trọng nhất

Trong cuộc điều tra thứ nhất, với mười tiêu chí được đưa ra, tiêu chí chất lượng được nhiều người chọn lựa nhất (27%), sau đó là tiêu chí uy tín sản phẩm (22%), thương hiệu (14%), vấn đề giá cả chỉ xếp thứ tư (13%). Điều đáng lưu ý qua cuộc điều tra này là ngày càng có nhiều người coi trọng những gợi ý, tư vấn từ kinh nghiệm của những người đã từng sử dụng sản phẩm dịch vụ.

Trong bài bản marketing, hình thức này còn được gọi là "marketing truyền miệng" (Word of Mouth Marketing), thường xuyên được các DN áp dụng. Ngày nay, marketing truyền miệng không chỉ được thực hiện thông qua lời rỉ tai từ người này sang người kia theo cách cổ điển, mà còn được thực hiện qua phương thức điện tử lan toả nhanh và rộng hơn, như blog cá nhân.

Hành vi tiêu dùng đối với ngành hàng thực phẩm cũng đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Tuy nhiên, vì đây là mặt hàng thiết yếu được sử dụng hàng ngày, và trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc số đông, cho nên tiêu chí ATVSTP là yếu tố số 1 chi phối người tiêu dùng (NTD) chọn mua thực phẩm. Các tiêu chí quan trọng sau đó là nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; giá cả; hạn sử dụng; giá trị dinh dưỡng.

 

Trong các siêu thị, việc cho dùng thử sản phẩm ngay tại chỗ đã góp phần làm cho NTD thay đổi thói quen mua sắm. 

Cũng theo điều tra này của Agroinfo, dịch bệnh đã có những tác động quan trọng đến hành vi tiêu dùng. Cụ thể, vì điều này khiến nhiều NTD giảm tần suất tiêu dùng so với ngày thường (61,3%), trường hợp vẫn mua loại thực phẩm hay dùng thì chọn sản phẩm rõ nguồn gốc và uy tín thương hiệu (59,1%), tỉ lệ NTD vì e ngại dịch bệnh nên chuyển sang dùng một loại thực phẩm khác thay thế cũng không nhỏ (35,4%)...
 
Tình hình biến động giá theo hướng tăng cũng đã điều chỉnh sự chi tiêu: 50,2% NTD trả lời cho biết giảm lượng mua, trong khi chỉ có 33,7% chấp nhận chi thêm tiền để mua đủ khối lượng thường dùng. 

Định hình rõ kênh tiêu thụ thực phẩm

 

Tuy nhiên, sạp hàng ở chợ vẫn chiếm ưu thế về bán thực phẩm tươi sống, rau xanh, gây nên nhiều lo ngại về ATVSTP. 

Điều tra của Agroinfo cho thấy một thói quen phổ biến là NTD VN khi mua thực phẩm tươi sống vẫn chọn các quầy sạp trong chợ có quy hoạch làm kênh mua chính, xếp thứ hai mới là siêu thị nhưng khoảng cách biệt tỉ lệ khá xa. Tuy nhiên, với thực phẩm chế biến và đóng gói, lại có sự hoán đổi ngôi cho nhau giữa hai kênh bán hàng này.

Các kênh như đại siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng ven đường đóng vai trò thứ yếu. Có một điểm đáng lưu ý, nếu kênh bán hàng chợ tạm, chợ cóc vẫn lấn lướt các kênh đại siêu thị, cửa hàng ven đường, cửa hàng tự chọn và siêu thị mini trong việc bán thực phẩm tươi sống thì nó đã gần như không còn vai trò trong việc phân phối các loại thực phẩm chế biến và đóng gói.

NTD ngày nay bước chân vào siêu thị an tâm hơn về chất lượng và vấn đề ATVSTP. Trên thực tế, nhiều siêu thị lớn đã kiểm soát vấn đề này khá nghiêm. Do đó khi đã quyết định mua thực phẩm tại siêu thị, NTD lại đặt  tiêu chí giá cả lên hàng đầu (97,4%), tiêu chí chất lượng xếp ngay sau. Đáng chú ý nữa là, các tiêu chí như gần nhà, giao thông thuận tiện, có bãi đỗ xe rộng, phương thức thanh toán nhanh gọn nhận được sự quan tâm khá cao của NTD.  

Lý Trường Chiến - Chuyên gia cao cấp tư vấn chiến lược quản trị & kinh doanh:

Tiếp thị nói chung có tác động đến việc hình thành hành vi tiêu dùng, đặc biệt đối với giới trẻ. Trong quảng cáo luôn phải chứa đựng hai thông điệp: Thông điệp về chức năng nhằm nói lên lợi ích của sản phẩm và thông điệp cảm xúc (thể hiện qua hình ảnh). Đối với tầng lớp thu nhập cao, giàu có, thông điệp cảm xúc rất quan trọng vì họ có đủ tiền để mua những thứ hàng hiệu để khẳng định hình ảnh, chính vì đối tượng này đòi hỏi thông điệp cảm xúc nhiều hơn.

 

Siêu thị là kênh bán lẻ chiếm ưu thế về thực phẩm chế biến. 

Trong lĩnh vực tiếp thị chuyên nghiệp (Profesional Marketing), các Cty làm cho thương hiệu của mình lớn lên cùng với NTD: Họ định hướng từ lúc NTD còn trẻ, chưa có nhu cầu tiêu dùng nhiều, cho đến khi người ta lớn lên, có nhu cầu tiêu dùng thường xuyên.

Đoàn Đình Hoàng - Chuyên gia quản trị, tiếp thị, sáng lập chuỗi Passio Coffee:

Cần xác định rõ định hướng tiêu dùng. Passio Coffee chú trọng đến hai sứ mạng: Một là trả càphê trở về giá trị thuần khiết của nó, không pha trộn. Thứ hai là yếu tố hành vi-gọi là mô hình càphê "đi ngay" (to go) định hướng hành vi tiêu dùng mới: Có chỗ cho khách ngồi nhưng khách vào uống chớp ngoáng rồi đi ngay, hoặc sà vào mua và "mang đi" nơi khác uống.

Mô hình này đặt trọng tâm phục vụ tầng lớp NTD ở lứa tuổi THPT, SV và những người mới ra trường là các đối tượng dễ thích ứng với cái mới, có tác phong công nghiệp, hiện đại. Hai năm qua chúng tôi hơi vất vả vì mô hình càphê này rất mới ở VN, nhưng nay thì chúng tôi chuẩn bị nhân rộng.

Thế Lâm ghi

Theo Diệu Tiên / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.