8 giờ sáng, anh Nông Đức Hiền đánh chiếc xe công nông chở trên 5 tấn sắn khô bươn bả vượt hơn 10 km đường đầy bụi, từ xã Đắk Rông để ra bán ở xã Nam Dong, cùng huyện Cư Jút. Hỏi anh sao không bán gần nhà cho tiện, anh giải thích: “Chịu khó chở ra đây thì được 1.500 đồng/kg. Còn ở vùng sâu Đắk Rông thì khoảng 1.200 đồng/kg thôi”.
Một lát sau, anh Hiền tỏ vẻ thất vọng, lái cả xe sắn khô còn nguyên ra khỏi đại lý. Hỏi anh Đinh Văn Điền, một thanh niên cũng đến từ xã Đắk Rông, chúng tôi mới biết xe sắn của anh Hiền chất lượng kém, sắn bị đen do gặp mưa nên chủ đại lý chê, không mua.
Anh Điền cho biết, sắn củ phơi khô mà mắc mưa xem như bỏ đi, vì giá mua rớt thê thảm, chỉ còn 300 - 500 đồng/kg. Năm ngoái, giá sắn khô cao gần 3.000 đồng/kg, thế mà năm nay chỉ còn khoảng một nửa. Giá thấp khiến nhiều nông dân thua lỗ méo mặt, do chi phí cao hơn giá bán. Nhà anh Điền trồng 2 ha sắn, mất 7 - 8 tháng mới thu hoạch được 38 tấn củ tươi, tiền công thuê nhổ sắn gần 6 triệu đồng, ngoài ra còn công chuyên chở, băm củ, phơi khô..., tính ra không có lời. Anh Điền kể, nhiều nhà ở Đắk Rông làm tới 3 - 5 ha sắn chỉ biết khóc ròng vì lỗ thấy rõ khi thu hoạch. “Thế mới đắng! Năm trước thấy giá sắn cao, bà con ào ào trồng sắn, có nghĩ giá xuống thảm thế này đâu” - anh Điền chép miệng.
Giá sắn khô thấp trong khi giá nhân công cao khiến nhiều người cứ để sắn ngoài rẫy, không thèm thu hoạch. Những năm trước, các đại lý vào tận rẫy mua nông sản của nông dân, giờ thì ngược lại, nông dân chở đến tận nơi nhưng đại lý vẫn không mặn mà. Ông Phạm Văn Kiều, chủ một đại lý nông sản, phân trần: “Năm nay sắn khô nhiều quá, thu mua không kịp. Chúng tôi phải thuê kho của chợ đầu mối nông sản Nam Dong gửi gần 5.000 tấn để chờ vận chuyển ra Bắc. Muốn mua cho nông dân nhưng đành chịu vì không tiêu thụ kịp”.
Ông Lê Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Jút (Đắk Nông), cho biết: diện tích sắn trồng trong năm qua trên địa bàn huyện tăng đột biến, lên tới 1.830 ha, gấp 3 lần năm trước, trong khi huyện chỉ đề ra kế hoạch trồng 200 ha. Không chỉ Cư Jút mà nhiều huyện khác của Đắk Nông và Đắk Lắk đều tăng diện tích trồng sắn. Vì vậy, sản lượng sắn khô quá lớn dẫn đến “dội chợ” là điều không tránh khỏi.
Ông Công nói thêm, trong năm qua, huyện Cư Jút đã khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng sắn vì dễ làm đất bạc màu, thị trường tiêu thụ không vững chắc. Nhưng, cơ quan quản lý cũng bó tay, khó có thể ngăn chặn kiểu sản xuất phong trào của người dân khi thấy giá cả loại nông sản nào đó đột nhiên tăng cao. “Năm nay có lẽ không cần khuyến cáo, nông dân cũng sẽ giảm trồng sắn. Bài học thị trường như vậy quá đủ!” - ông Công kết luận.
Bài, ảnh: Trần ngọc quyền
Bình luận (0)