Vỡ mộng xe giá rẻ

29/01/2018 07:12 GMT+7

Đừng nói tới xe giá rẻ khi thuế nhập khẩu về 0%, ngay cả mong muốn của người tiêu dùng mua xe vi vu tết gần như không thể khi các đại lý không có xe bán.

Khan hiếm xe


Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu năm nay, cả nước chỉ nhập 60 ô tô các loại, trong đó xe con nhập được 6 chiếc. Cùng kỳ năm ngoái, lượng xe con nhập trong nửa tháng đầu năm 2017 lên đến 3.700 chiếc. Hoặc nửa tháng cuối năm 2017 lượng xe con nhập cũng xấp xỉ 2.900 chiếc, chiếm gần 43% tổng lượng xe nhập trong tháng 12.2017.

Anh Phạm Thanh Tùng (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết anh đã chạy thử một số dòng xe của Ford, Toyota và Mazda tại một số đại lý xe hơi trên địa bàn thành phố, cuối cùng chọn chiếc Altis cách đây hơn 1 tháng rưỡi. “Đa số đại lý đều báo có khả năng sau tết mới có xe, nhưng cũng có đại lý bảo chờ cận tết xem thế nào. Sáng 28.1, đại lý trên đường Điện Biên Phủ đã chính thức nói không thể có xe kịp. Tôi cũng chấp nhận trả thêm vài chục triệu để kịp có xe, nhưng họ bảo chịu thôi”, anh Tùng nói.
Anh Ngô Thành, chủ đại lý xe trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), lắc đầu chán nản: “Bây giờ có hàng để bán mới quan trọng chứ giá mua không còn là vấn đề. Ngay sáng nay, có hai vợ chồng đến đòi trả thêm 50 triệu đồng để lấy kịp xe trước 20 âm lịch, nhưng đành chịu. Tình trạng khan hàng xảy ra với đa số các mẫu xe được người tiêu dùng ưa chuộng và phổ biến chứ không xảy ra với xe sang hay xe cũ”.
Anh Tùng tỏ ra tiếc nuối khi đã từng có kế hoạch mua xe từ mùa hè năm ngoái, nhưng cứ chần chừ vì nghĩ sang năm 2018 xe nhập từ ASEAN về với thuế suất 0%, giá sẽ giảm đáng kể. Dẫn chứng chiếc Corolla Altis vào tháng 7.2017 đại lý bán cho anh giá 740 triệu đồng nay lên 800 triệu đồng cũng không có để mua, anh Tùng buồn bã nói: “Kế hoạch chờ đợi để mua xe giá rẻ năm nay phá sản rồi. Nay muốn có xe đi trước tết cũng không có. Nguyên do của tình trạng khan hàng là Nghị định 116 với nhiều quy định ngược đời gây bất lợi cho nhà kinh doanh lẫn người tiêu dùng”.
Cũng trong tháng 1, hai hãng xe lớn của Nhật là Honda và Toyota tuyên bố ngưng nhập khẩu xe vào thị trường VN do chưa đáp ứng được một số quy định mới từ VN.
Xe lắp ráp trong nước cũng không có hàng kịp bán. Cũng trong tháng 1 này, một số hãng lắp ráp xe trong nước cũng phát thông báo cho các đại lý tạm ngưng nhận đơn đặt hàng. Thaco thông báo các đại lý ngưng giao dịch với 2 mẫu xe đang bán chạy là Mazda CX-5 và Kia Cerato. Dòng City của Honda lắp ráp trong nước cũng treo bảng ngưng nhận đặt hàng trong tháng nay.
“Điều bất thường”
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định đây là một hiện tượng bất thường đến từ chính sách chứ không phải từ thị trường. “Nghị định 116 với thông điệp ban đầu là bảo vệ người tiêu dùng và bảo hộ nền công nghiệp ô tô trong nước. Song đến lúc này có thể nói là đang bị phản tác dụng. Chúng ta đang làm giả tính cạnh tranh trên thị trường, thậm chí không cẩn trọng, ta đang “góp phần” làm lùi lại nền công nghiệp ô tô mà nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng đang hồ hởi đón nhận”, ông Long cảnh báo và phân tích, chúng ta phải bảo vệ nền sản xuất trong nước, nhưng khi hàng lắp ráp trong nước không có kịp để bán, các quy định về xe nhập lại khiến ta không tận dụng được lợi thế các hiệp định thương mại ký kết với ASEAN. Như vậy, nhà sản xuất và kinh doanh mang xe đi nước khác bán, người dân nước khu vực hưởng lợi nhưng trong đó không có người tiêu dùng VN.
"Mọi vấn đề nảy sinh từ Nghị định 116 liên quan quy định có giấy chứng nhận xuất xứ từ nước sở tại, quy định kiểm định từng lô hàng... đang làm khó nhà kinh doanh. Thông tư hướng dẫn cần điều chỉnh hoặc chi tiết hóa vấn đề này. Mục đích không nhằm bảo vệ nhà nhập khẩu mà để yếu tố cạnh tranh thị trường được bình đẳng hơn", ông Long nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.